Mặc dù Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) đã quy định rõ những địa điểm cấm hút thuốc lá bao gồm cơ sở y tế; cơ sở giáo dục; cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em... Nhưng thực tế, tình trạng hút thuốc lá tại những nơi công cộng này vẫn còn phổ biến. Dạo một vòng quanh các bệnh viện lớn, cảnh tượng người nhà bệnh nhân vô tư hút thuốc, phả khói ngay trong khuôn viên bệnh viện không khó tìm.
Từ cổng cho đến cửa phòng khám của nhiều bệnh viện, kể cả bệnh viện tuyến trung ương vẫn xuất hiện khói thuốc. Nhiều người phì phèo điếu thuốc đi dọc hành lang bệnh viện mà lờ đi biển cấm hoặc giả vờ không biết.
Khuôn viên Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh vào chiều 30/5 vẫn còn nhiều người bệnh và thân nhân người bệnh vô tư hút thuốc lá.
Thấy ống kính phóng viên, một người đàn ông tên T. dụi điếu thuốc hút dở nói: “Tôi chăm vợ mấy ngày ở bệnh viện, vốn nghiện thuốc nên tôi tranh thủ giờ vắng bệnh nhân ra sân hút điếu thuốc cho... đỡ thèm.”
Cách chỗ ông T. ngồi không xa, nhiều người vừa trò chuyện vừa hút thuốc lá bất chấp phản ứng của những người xung quanh. Không chỉ thân nhân người bệnh mà cả những bệnh nhân cũng hút thuốc lá dù trong khuôn viên Bệnh viện Ung bướu có gắn nhiều bảng “cấm hút thuốc trong bệnh viện” nhưng nhiều người vẫn... ngó lơ.
Tại Bệnh viện Nhi T.Ư - nơi mỗi ngày khám và cấp cứu cho hàng trăm trẻ em, tình trạng hút thuốc lá của các bậc phụ huynh diễn ra khá phổ biến. Một khảo sát vào sáng 29.5, gần chục người đàn ông ngồi tại ghế đá trước cửa phòng khám thì có đến 7 người phì phèo điếu thuốc lá, mùi khói thuốc lá nồng nặc.
Khi được nhắc nhở, một người đàn ông cười phân trần: “Cháu nó đang khám, ngồi ngoài này sốt ruột nên hút thôi”, những người khác còn cố rít lấy rít để mấy hơi thuốc, nhả khói rồi mới dụi bỏ điếu thuốc.
Tâm sự với PV, một bác sĩ của Bệnh viện Nhi T.Ư lắc đầu ngao ngán: “Chúng tôi cứ nhìn thấy người nhà bệnh nhân hút thuốc là lại nhắc nhở nhưng không thể nào xuể được. Người nhà bệnh nhân thì đông mà y bác sĩ thì còn phải tập trung cứu chữa bệnh nhân, làm sao mà chăm chăm đi nhắc nhở họ đừng hút thuốc được. Chủ yếu là ý thức của người ta thôi, bế con đi viện mà vẫn hút thuốc thì không còn gì để nói. Có trường hợp nhắc mãi vẫn cứ trơ ra, tôi bảo: này anh kia, anh muốn con anh chết ngạt vì khói thuốc của anh có phải không? Lúc đó, anh ta mới dụi đi”.
Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá quy định rõ những địa điểm cấm hoàn toàn việc hút thuốc lá gồm cơ sở y tế; cơ sở giáo dục; cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em; cơ sở hoặc khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao... Hiện tất cả các bệnh viện trên toàn quốc đã thực hiện xây dựng môi trường không khói thuốc nhưng thực tế tình trạng hút thuốc lá trong bệnh viện chỉ mới giảm chứ chưa chấm dứt.
Nói về tác hại của hút thuốc lá trong bệnh viện, thạc sĩ – bác sĩ Đinh Thị Hải Yến, Trung tâm Truyền thông – Giáo dục sức khỏe Thành phố Hồ Chí Minh, nhìn nhận bệnh viện là nơi tập trung đông người, nhất là những bệnh viện quá tải nên nếu hút thuốc lá ở đây sẽ có nhiều người bị hút thuốc lá thụ động hơn, kể cả nhân viên y tế. Việc hút thuốc lá trong bệnh viện có thể khiến những người đang mắc bệnh, đang điều trị bệnh càng mắc bệnh nặng hơn. Khói thuốc cũng gây ô nhiễm môi trường, tăng nguy cơ cháy nổ...
Một bác sĩ làm công tác quản lý của bệnh viện cho biết, bệnh viện cũng hết sức đau đầu với vấn nạn khói thuốc trong bệnh viện: “Trong y học việc can thiệp thay đổi hành vi bảo vệ sức khoẻ là khó nhất. Tôi ví dụ đội mũ bảo hiểm thì có thể thay đổi nhưng hút thuốc lại liên quan đến hành vi/thói quen/nghiện nên cực kỳ khó thay đổi. Nếu chỉ tuyên truyền, vận động thôi thì không có tác dụng, phải có biện pháp quyết liệt, nhưng có luật rồi thì ai là người giám sát thực thi? Biển cấm khắp nơi, họ ngồi cạnh biển cấm hút. Nhắc nhở thì tỏ thái độ tức tối, bỏ đi chỗ khác hút”.
Tại nhiều bệnh viện khác, mặc dù lãnh đạo các bệnh viện cũng đã quán triệt đến cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên, bệnh nhân... thực hiện không hút thuốc lá, thế nhưng vẫn rất khó kiểm soát bệnh nhân, người nhà bệnh nhân hút thuốc trong bệnh viện. Nếu bắt gặp cũng chỉ có thể nhắc nhở, yêu cầu dừng hút vì cán bộ, nhân viên bệnh viện không có chức năng xử phạt.
Việc hút thuốc diễn ra chốc lát, không có bằng chứng để đưa đến Thanh tra Y tế hay các cơ quan chức năng để tiến hành xử phạt. Hơn thế nữa, việc bán thuốc lá hiện nay tràn lan, không chấp hành bất cứ quy định nào. Trước thực trạng này, các bệnh viện đang mạnh tay thực hiện nhiều biện pháp từ tuyên truyền, nhắc nhở cho đến thực hiện xử phạt để “xóa bỏ” nạn khói thuốc trong khuôn viên bệnh viện.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng kêu gọi người dân, đặc biệt thế hệ trẻ hãy nói không với thuốc lá tại Lễ míttinh hưởng ứng Ngày thế gới không thuốc lá 31.5 và Tuần lễ quốc gia không thuốc lá.