Cam kiện quýt, ngành Giáo dục can đảm nhận hoa xấu hổ

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Đã đến lúc ngành giáo dục phải đứng ra nhận trách nhiệm với những gì mình đã gây ra do chất lượng đào tạo chưa tốt của mình gây ra với xã hội hiện nay, nhận lấy hoa xấu hổ để từ đó có những nỗ lực không ngừng nâng cao chất lượng để sửa chữa sai lầm.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, người ta đã khám phá ra rằng việc quy trách nhiệm tưởng chừng đã mặc định ấy lại có sự không chính xác. Giáo dục là nguồn gốc của mọi vấn đề, mọi lĩnh vực, nếu giáo dục không tốt thì chất lượng nguồn nhân lực của mọi ngành nghề sẽ có nguy cơ bị đe dọa. Chính vì vậy mà đã có nhiều ý kiến cho rằng các ngành có nhiều vấn đề như y tế, giao thông, xây dựng... không nên im lặng chịu đựng mỗi khi phải nghe người dân than vẫn nữa mà nên 'chỉ mặt đặt tên' Bộ Giáo dục để họ cũng phải nhận hoa xấu hổ cùng các bộ ngành khác.

Như trường hợp của Bộ Y tế, người dân cứ suốt ngày than vãn chất lượng khám chữa bệnh không tốt, thái độ phục vụ của nhân viên y tế kém, vấn nạn phong bì... Những vấn đề ấy xét ra là lỗi đào tạo nguồn nhân lực của Bộ Giáo dục đấy chứ.

Mọi vấn đề của ngành y tế hiện nay đều do ngành y đào tạo chất lượng nhân lực chưa tốt

Là Bộ chủ quản ngành y, tất nhiên Bộ Y tế không bao giờ muốn các hiện tượng ấy xảy ra, cũng chẳng đời nào chỉ đạo các cán bộ ngành y phải có thái độ không tốt, nhận phong bì... để xảy ra những vụ việc không hay gây xôn xao dư luận thời gian vừa qua như ăn bớt vắc xin, nhân bản xét ngiệm...

Chính vì vậy mà cách đây không lâu khi Bộ Y tế gửi công văn 'kiện' ngành giáo dục đã khiến không chỉ những người trong ngành mà cả người dân rất nhiệt tình ủng hộ.

Trong công văn, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường đặt vấn đề về thực trạng quá nhiều cơ sở đào tạo, kể cả các trường đa ngành cùng tham gia đào tạo nhân lực y tế. Ông Cường cho rằng, khi không có sự tham mưu về mặt chuyên môn của Bộ Y tế và các chuyên gia y tế thì việc thẩm định mã ngành đào tạo nhân lực ngành này sẽ không đảm bảo chất lượng.

"Vì vậy, Bộ Y tế đề nghị Bộ GD-ĐT chỉ đạo cần có quy định chặt chẽ khi mở ngành đào tạo nhân lực y tế, trong đó việc thẩm định cần có sự tham gia về mặt chuyên môn của Bộ Y tế và các chuyên gia y tế để đảm bảo chất lượng" - ông Cường đề xuất.

Một bất cập khác dưới góc nhìn của Bộ Y tế là chuyện các trường ngoài công lập cũng tham gia thị phần đào tạo này. Điều này dẫn đến điểm tuyển sinh vào các trường ngoài công lập rất thấp, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Và vì những lý do ấy chất mà chất lượng ngành y tế kém cũng là dễ hiểu.

Thế cho nên ngành y tế 'kiện' giáo dục là đúng, không thể để mãi tình trạng quýt làm, cam chịu được.

Vấn của ngành giao thông cũng chẳng khác gì. Chính vì nền giáo dục của chúng ta như một doanh nhân người Nhật nhận xét gần đây, đang đào tạo ra những người không thích làm việc chăm chỉ nhưng lại muốn kiếm tiền nhanh nên giao thông mới có những hiện tượng vá đường chằng chịt bằng đất, không những không đem lại hiệu quả vì miếng vá chỉ vài ngày sau đã hư lại mà lại còn khiến người dân bức xúc vì vá bằng đất đường rất bụi và bẩn.

Ngành giao thông cũng nên "kiện" giáo dục vì những vụ việc như vá đường bằng đất

Trời mưa vẫn có thể thảm nhựa mặt đường, có sao đâu, không đạt chất lượng thì bỏ đi làm lại. Như vụ việc xảy ra ở Hà Tĩnh gần đây, trong dự án nâng cấp tuyến đường 26/3 trên địa bàn TP Hà Tĩnh, theo phản ánh của dư luận, bất chấp mưa như trút nước, nền đường ướt sũng, chủ đầu tư dự án vẫn cho nhà thầu thảm bê-tông nhựa có lẽ bởi các bên đều nghĩ đơn giản làm nhanh cho xong việc, bằng cách nào chẳng được, mình đỡ tốn thời gian, người dân lại sớm có đường đi, chất lượng có ra sao thì cũng kệ.

Bộ trưởng Đinh La Thăng trước đây đã phải ra mặt chỉ đích danh có hiện tượng bảo kê trong ngành giao thông và cần phải xử lý. Vấn đề là ở chỗ bảo kê trong các hoạt động của ngành giao thông chính là hành động biểu hiện của tư duy giành lợi ích cao nhât cho cá nhân, cho thiểu số, còn lợi ích của người dân, của Nhà nước thì mặc kệ, không thèm quan tâm, việc làm ít nhất để được hưởng lợi nhiều nhất. Rõ ràng đó chính là 'thành quả' của ngành giáo dục.

Còn một vấn đề vô cùng đau đầu khác của giao thông không thể không 'bắt đền' giáo dục chính là ý thức của người tham gia giao thông. Trên thực tế, dù Bộ Giao thông có cố gắng làm việc quần quật, xây dựng những con đường không thể chê (mặc dù chuyện này là không dễ) thì ý thức không tốt của người tham gia giao thông cũng sẽ khiến con đường trở nên không còn nhiều ý nghĩa. Mà điều gì có thể tạo nên những người có ý thức kém? Chỉ có thể là giáo dục.

Tình trạng của ngành xây dựng cũng không kém phần nghiêm trọng với các vấn đề quy hoạch đô thị, chất lượng các công trình xây dựng kém, nhanh xuống cấp... Đấy là còn chưa kể đến các vấn đề vật giá leo thang, thực phẩm bẩn độc tràn lan, y thức, văn hóa của người dân ngày càng kém...

Trong hoàn cảnh ấy, nếu chúng ta có đội ngũ nhân lực tốt các vấn đề hoàn toàn có thể được giải quyết dễ dàng và nhanh chóng hơn.

Chính vì vậy mà có lẽ đã đến lúc ngành giáo dục phải đứng ra nhận trách nhiệm với những gì mình đã gây ra do chất lượng đào tạo chưa tốt của mình gây ra với xã hội hiện nay, nhận lấy hoa xấu hổ để từ đó có những nỗ lực không ngừng nâng cao chất lượng để sửa chữa sai lầm.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn