Cầu may - giàu chuộng hay do nghèo khát

08:30, Chủ nhật 08/03/2015

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Dường như đã thành thông lệ, cứ mỗi dịp xuân về là người Việt lại nô nức đi trẩy hội, đến các đền, chùa để cầu may.

Dường như đã thành thông lệ, cứ mỗi dịp xuân về là người Việt lại nô nức đi trẩy hội, đến các đền, chùa để cầu may. Người thì mong cho năm mới sức khỏe dồi dào, tiền tài tấn tới, công danh xán lạn, người thì mong tình duyên như ý... Có người không đi một hai chùa mà đến viếng cả 9 - 10 chùa, đền với tâm niệm đi càng nhiều chắc lộc càng lắm.    

Không hiếm những hình ảnh người người mang theo lễ vật, tiền lẻ… tập trung, chen chúc tại các ngôi chùa, đền, phủ vốn 'nổi tiếng linh thiêng' để khấn vái cầu bình an, may mắn. Thậm chí, họ không ngần ngại bỏ ra hàng triệu đồng mua đồ lễ với suy nghĩ, tiền càng nhiều, lễ càng nhiều thì càng gặp nhiều may mắn.

Làm nghề môi giới bất động sản nên hàng chục năm qua, anh Nguyễn Hồi Đức Viên (35 tuổi, ở Thanh Xuân, Hà Nội) thường xuyên đi lễ ở chùa, đền, phủ không chỉ đầu năm mà hầu như suốt trong cả năm. Ngoài cầu mong sức khỏe, bình an, anh mong muốn công việc làm ăn thuận lợi.

'Mình thường không đi một nơi cố định mà đi nhiều nơi, thường mang theo tiền bỏ vào hòm công đức mà ít khi nhét tiền vào tay tượng, ít khi mua lễ. Tuy nhiên, nhiều người Việt đi lễ mang tính vụ lợi chứ không hiểu thực sự về Phật lắm, Phật là biểu tượng của trí tuệ nên đến xin tài, xin lộc là không đúng lắm', anh Viên nói.

Không chỉ đi lễ chùa, đền, người Việt còn nô nức tham gia các lễ hội, một mặt để xem cho vui nhưng mặt khác là để cầu may. Ngay bản thân tên các lễ hội như 'cướp phết cầu may', 'đua thuyền cầu may'... đã cho thấy điều này.

Mô tả ảnh.
Ảnh minh họa.

Hay như đến ngày 'vía Thần Tài' (mùng 10 tháng Giêng Âm lịch), người dân lại đổ xô, thậm chí bỏ dở công việc để đi mua vàng cầu may mắn, tài lộc trong năm mới. Không ít người thắc mắc, liệu việc đi lễ, mua vàng… có thực sự đem lại may mắn cho chủ nhân trong năm mới hay chỉ giải quyết yếu tố tâm lý không đi sợ xui xẻo, đi rồi ắt sẽ gặp may?

Là người thường đi lễ chùa để cầu may mắn, anh Nguyễn Văn Ca (28 tuổi, Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết với cá nhân anh, anh thấy có sự linh nhiệm. Anh Ca cũng cho rằng nếu nói chỉ giải quyết vấn đề tâm lý thì còn tùy thuộc vào cách nghĩ của từng người.

Theo nhiều ý kiến, khi khoa học càng phát triển, đời sống kinh tế càng khấm khá hơn thì con người càng ít phụ thuộc vào các vấn đề tâm linh nhưng dường như những gì đang diễn ra tại các lễ hội, các ngôi đình, chùa... lại phản ánh điều ngược lại.

Người Việt cầu may vì 'phú quý sinh lễ nghĩa' hay là vì do nghèo khó, muốn nhờ thần linh, đức Phật phù hộ để 'đổi đời'?

Nhận định việc cầu mong thần linh mang đến cho mình may mắn của mỗi người dân là điều rất bình thường, tuy nhiên GS Ngô Đức Thịnh - Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Văn hóa VN cũng cho rằng hiện nay, người đi lễ mang tính trục lợi nhiều hơn. Ông Thịnh nói:

'Tất nhiên có những người cầu những thứ chính đáng, cầu sức khỏe, cầu thăng quan tiến chức bằng sự cố gắng của mình.

Tuy nhiên, có những người thực dụng hơn, đến chùa cầu thăng quan tiến chức, cầu tiền bạc không phù hợp.

Trước kia, những lời cầu xin mang tính thiện, cầu bình an và ít thực dụng hơn.

Ngày nay có người cho rằng lễ nhiều thì những lời cầu xin sẽ hiệu nghiệm, điều này không đúng, thực chất thần linh cần gì tiền bạc, lễ vật, vàng mã'.

Cũng theo GS Thịnh, rất khó để chứng minh được hiệu quả của việc cầu may tới mỗi người bởi có người cho rằng may mắn đến với mình là ngẫu nhiên, có người lại tin đó là sự ứng nghiệm.

Bàn về việc cầu may là do giàu chuộng hay nghèo khát, GS Thịnh nhận định:

'Nhiều người nghĩ rằng đói khổ, áp bức thì có tín ngưỡng nhưng bây giờ dù giàu có, thông minh hơn, con người vẫn tin.

Không phải giàu mới theo tôn giáo, cũng không phải nghèo mới theo tôn giáo, những người càng học cao cũng mê tín'.

Ths Nguyễn Thị Tuyết Minh, giảng viên Xã hội học, Học Viện Báo chí và Tuyên truyền nhận định:

'Các hoạt động tín ngưỡng lễ đầu năm là hoạt động phổ biến trong cộng đồng người Việt, không có sự phân biệt giữa giàu và nghèo, chỉ khác nếu 1 người có điều kiện thì họ có thể tổ chức lễ lớn, đồ đạc đắt tiền hơn chứ không có nghĩa người giàu thì chuộng lễ, người nghèo thì không.

Mỗi người, mỗi cộng đồng sẽ có cách để thể hiện niềm tin và thực hành nghi lễ để bản thân họ tìm được sự bình an trong niềm tin đó'.

Cũng theo cô Minh, việc đi lễ đầu năm để cầu an, cầu may mắn, tiền tài như là cách để mỗi người xốc lại tinh thần, làm bản thân vững tin hơn trong một năm mới.

'Việc cầu có được hay không tôi nghĩ nó không đơn giản như vậy.

Ngay cả những người không đi lễ nhưng luôn có trách nhiệm với những việc mình làm, trách nhiệm với bản thân, gia đình, cộng đồng và xã hội, tính đến làm ăn giữ chữ tín, đạo đức nghề nghiệp... thì cộng đồng ủng hộ họ giúp cho họ thuận buồm xuôi gió, có khó cũng được chia sẻ - chở che.

Giống như sức mạnh của thế lực thần bí nào đấy mang lại cho họ chứ không phải đi cầu may nhưng về làm ăn không tính đến đạo đức nghề nghiệp, thiếu trách nhiệm, buôn gian bán lận…', Ths Tuyết Minh nói thêm.

Tiến sĩ Trần Trọng Dương, Viện nghiên cứu Hán Nôm nói:

Đi lễ chùa là để làm khởi phát cái thiện tâm của mỗi người, đến chùa tâm thái hướng thiện là quan trọng nhất nhưng ngày nay, người ta mang cái 'tục tâm' vào chùa, đặt tiền thật, tiền giả lên ban tam bảo, cố nhét tiền vào tay tượng, thậm chí đút cả vào miệng tượng.

Vào chùa lễ Phật để đi tìm sự an lạc trong tâm thái, chứ đâu phải để cầu xin đắc phúc, được lợi?'.

Theo anh Đức Viên, người Việt đi lễ chùa nhiều cũng tốt vì nó là nét văn hóa nhưng quan trọng là cần điều chỉnh lại việc đi lễ như thế nào cho phù hợp, hoàn toàn không cần mang nhiều lễ, quan trọng là cái tâm của mình.

Điều gì đang xảy ra với các lễ hội Việt Nam?
"Hành vi bạo lực trong lễ hội là do người tham gia, thậm chí người tổ chức cũng vụ lợi. Người ta không còn tới đây để tìm sự thanh thản".
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: Phương anh