“Sống và chụp ảnh” hay “sống bằng hình ảnh”?

17:00, Thứ ba 03/03/2015

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Cả cộng đồng lao vào bình phẩm bức ảnh chụp ông già trăm tuổi hôn cô hoa hậu chưa đến tuổi 20, phân tích mọi khía cạnh xung quanh bức ảnh.

Cả cộng đồng lao vào bình phẩm bức ảnh chụp ông già trăm tuổi hôn cô hoa hậu chưa đến tuổi 20, phân tích mọi yếu tố biểu cảm, tư thế, màu sắc, ánh sáng, quan hệ xã hội... xung quanh bức ảnh. Hành động đó nói lên điều gì về cách sống của chính chúng ta?

Ngày 4/2 vừa qua Facebook tròn 11 năm có mặt trong cộng đồng thế giới và như một trang báo điểm lại, thì cũng 11 năm thế giới “nhận ra sức hút tuyệt vời của những bức ảnh”. Người người, nhà nhà điên lên vì hình ảnh. Họ tạo ra những hình ảnh mới (bằng cách đơn giản là cầm máy ảnh và chụp) rồi chia sẻ. Tiếp nối, những Tumblr, Instagram... ra đời, càng tô đậm cách tư duy bằng hình ảnh của hơn tỷ người.

Ban đầu, những bức ảnh thật tuyệt vời, nó khiến cuộc đời mỗi người được ghi lại đầy sống động. Nhưng với số lượng trên 1,8 tỷ bức ảnh được chia sẻ mỗi ngày qua các loại mạng xã hội, theo thống kê năm 2014, sự tuyệt vời đó biến chuyển. Nó trở thành một nỗi ám ảnh, một điều kiện sống thiết yếu. Như trang Guardian gần đây tổng kết: “Không có ảnh, tức là chưa diễn ra”. 

Nếu trước đây, chụp ảnh chỉ là yếu tố phụ trong một sự kiện của con người, thì nay, chụp ảnh chính là sự kiện đó. Mọi chuyến đi chơi, cuộc hẹn hò, sự kiện trọng đại, đều như chưa tồn tại, nếu chưa được tường thuật bằng hình ảnh trên mạng xã hội.

Hoặc diễn đạt theo một lối nói cổ, thay vì “sống và chụp ảnh”, chúng ta đang “sống để chụp ảnh”. Và khi không chụp ảnh, chúng ta cũng nhìn đời bằng những bức ảnh. Vì vậy, tuyệt đối hóa hình ảnh – thứ nhiều khi chỉ là một lát cắt của thực tế – thay vì cố gắng bao quát thực tế đó, trở thành một thói quen. Chúng ta mắc vào cái bẫy của hình ảnh lúc nào không hay.

Không phải mọi bức ảnh về chiến tranh cũng đủ khái quát để nói lên bộ mặt chiến tranh như ảnh bom Napal của Nick Út. Đằng sau hình ảnh điển hình là toàn bộ tâm trí của người chụp, một nhà báo có nghề và là một con người có chiều sâu. Đằng sau một bức ảnh đáng để nhớ chính là con người không sống hời hợt.

Còn khi chúng ta chụp lớt phớt một quán ăn, một quán nước vỉa hè, một người bán hàng rong, một người đi tiểu bậy trên vỉa hè, một quan chức đang vung tay phát biểu, một địa điểm công cộng bị xả rác, một cô ca sĩ mặc hở hang... và vu lên rằng đó là “bộ mặt xã hội hôm nay”? Chúng ta chỉ đang tự đánh giá quá cao bản thân mình và thu nhỏ xã hội thực tế thành “xã hội trên ảnh” mà thôi. Đó có thể là những phần nhỏ của xã hội, nhưng riêng từng phần thì chưa đủ với điều chúng ta gán vào.

Mô tả ảnh.
Cộng đồng mạng đầu năm dậy sóng vì một hình ảnh, cũng như quanh năm thường dậy sóng vì những hình ảnh khác. 

Chúng ta cho rằng, ảnh một ông già hôn cô gái trẻ nói lên “bộ mặt đạo đức của xã hội Việt Nam”, nói lên “văn hóa ứng xử suồng sã và xuống cấp”. Có thể, bức ảnh mô tả một thói quen giao tiếp nhiều người cho là chưa ổn, nhưng gán cho những ý nghĩa đó thì quá sức, quá sức cho bức ảnh và cho chính chúng ta.

Chúng ta thực sự có mặt ở đó khi sự việc diễn ra? Hoặc bằng cách nào đó, chúng ta hiểu rất rõ tâm tư của những người trong cuộc? Câu trả lời là không. Chỉ toàn phán đoán thôi, và chúng ta khiến chính mình mệt mỏi. Chúng ta cũng không thông minh hơn, và không thay đổi được gì cho xã hội. Liệu về sau khi gặp nhau, người già sẽ không hôn lên má người trẻ nữa, chỉ vì một bức ảnh nào đó bị bình phẩm không hay trên mạng?

Nếu như Facebook "rồi đời"?
Chưa khi nào mà Facebook trở nên thiết yếu không kém cơm ăn nước uống, không khí thở với chúng ta như bây giờ. Giả sử Facebook bỗng dưng biến mất và ...
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: Phương anh