Tại một bệnh viện chính ở Attapeu, thị trấn nằm sát với khu vực xảy ra thảm họa, những người bị thương và được giải cứu đang được các y bác sĩ chăm sóc. Trong số này có anh La và vợ là Aun.
Theo BBC, cả hai con gái của họ đều bị lũ cuốn trôi khi đập thủy điện Xe Pian - Xe Namnoy bị vỡ tối 23/7, khiến nước tràn vào các ngôi làng ở huyện Sanamxay, nơi họ sinh sống.
Anh vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại khoảnh khắc dòng nước kéo con thuyền chở đứa con mới 1 tuổi tuột khỏi tay mình.
'Tôi đưa con và vợ lên thuyền. Tôi cố gắng giữ nó nhưng nước mạnh quá', anh kể.' Tôi không giữ được nữa và con thuyền lật úp, con gái tôi rơi xuống nước'.
Vợ chồng anh La và chị Aun (đầu tiên và thứ hai từ phải sang) tại trại tạm trú ở thị trấn Attapeu.
Trong lúc hai vợ chồng chới với lao đi tìm đứa bé thì con gái lớn 4 tuổi cũng bị dòng nước cuốn đi.
'Chúng tôi đã cố gắng tìm con bé nhưng không được. Mọi chuyện xảy ra trước mắt tôi. Tôi thực sự sốc. Tôi không biết phải đổ lỗi cho ai. Tôi nhớ các con', anh nói.
Nhiều người dân kể rằng họ chỉ được cảnh báo vài giờ trước khi thảm họa xảy ra. Những người không được cảnh báo trở nên hoảng loạn trong đêm tối, trèo lên mái nhà, thân cây hoặc bỏ chạy bằng thuyền nhưng không phải ai cũng may mắn sống sót.
Hôm qua nhiều người dân đã quay về nhà để thu thập đồ đạc và dọn dẹp bùn đất khi nước rút xuống. Bà Phit, 46 tuổi, ở làng Ban Mai, nhớ lại câu chuyện chạy lũ trong đêm của mình.
"Hôm nước lên, chồng tôi đang ốm nặng nên các con đều đưa ông ấy lên thị trấn chữa bệnh", bà kể. "Tôi ở nhà một mình. Đang ngủ thì tôi nghe thấy tiếng hét 'đập vỡ rồi, 4 -5 người chết rồi!".
Bà Phit liền chạy ra khỏi phòng và thấy hàng xóm đang vội vã di chuyển đồ đạc lên vị trí cao hơn. Nước bất ngờ ập vào, bà không kịp mang theo tài sản gì, nhanh chóng lội nước rồi bơi ra, sau đó được cháu kéo lên mái nhà.
Suốt đêm đó đến 3h sáng hôm sau, bà Phit và những nạn nhân khác mới được một chiếc thuyền đến giải cứu. Nước đã dâng lên tầng hai của ngôi nhà.
Bà Bunmy (40 tuổi), một trong số các nạn nhân trú tại bản Thahín bàng hoàng kể lại, vào chiều 23/7, khi bà cùng chồng và các con đang ở trong nhà, bỗng thấy nước lũ ở đâu cuồn cuộn tới. Bà và nhiều người dân trong bản hoảng loạn tháo chạy lên chân núi của bản Bôốc để trú ẩn.
Bà Bunmy không kịp cầm theo đồ đạc gì trong nhà, chỉ kịp lấy 1 chiếc váy và cái đài rồi gọi 2 con trai cùng chồng nhanh chân chạy lên núi. "Ba ngày ở trên núi, chúng tôi không có gì ăn, đói và rét lắm. Tôi sống từng này tuổi nhưng chưa bao giờ thấy nước lũ khủng khiếp như vậy. Khi nước bắt đầu rút, tôi muốn quay về xem nhà, đồ đạc thế nào nhưng bị đau thắt bụng không thể đi được vì đói", bà Bunmy nói. Chỉ đến trưa nay (26/7), khi được lực lượng chức năng giải cứu đưa ra điểm tiếp ứng bà mới được ăn uống.
Sự cố vỡ đập thủy điện được cho là khiến khoảng 3.000 người rơi vào cảnh mất nhà cửa như vợ chồng anh La, trong khi số người thiệt mạng vẫn chưa được xác định.
Số liệu của chính phủ Lào cho hay ít nhất 27 người chết và 131 người mất tích. Trong khi giới chức huyện Sanamxay nói rằng mới tìm thấy một thi thể.
Lực lượng cứu hộ Lào đang phối hợp cùng Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan tiếp tục tìm kiếm người sống sót và viện trợ cho các nạn nhân giữa thời tiết bất lợi.