[links()]
Học trước còn hơn học sau ?
Với tâm lý không để con mình thua bạn kém bè, ngoài giờ học trên lớp không ít bậc cha mẹ vẫn bắt con học thêm gia sư, không chỉ những môn văn hóa như tiếng việt, toán, tiếng anh mà những môn năng khiếu như vẽ, đàn … cũng được hoan nghênh không kém. Với tâm thức "con cái là tài sản của bố mẹ" - tôi sinh nó ra thì có quyền nuôi dạy nó theo ý tôi, nhiều bậc phụ huynh sẵn sàng bắt con học từ khi mới chỉ 3 - 4 tuổi theo giáo trình của lớp tiểu học với lý do là “chuẩn bị” cho con không bị bỡ ngỡ khi vào lớp 1.
Vốn được hàng xóm biết đến như một người thương con hết mực nhưng cái cách chị Tuyết Nhung ( Ngách 9/185 – Chùa Láng- Đống Đa) ép con học cũng làm không ít người cảm thấy bất mãn. Con của chị, cháu Anh Dương mới 4 tuổi mà lịch học đã kín không thua gì những anh chị đang học cấp 3. Ngoài việc học toán và luyện viết vào buổi sáng, buổi chiều cháu phải học tiếng Anh, buổi tối lại tiếp tục phải ôn luyện lại bài tập. Với “lịch trình” dày đặc như thế, nhiều người không khỏi cảm thấy “choáng váng” nhưng chị thì cho rằng: “Hai năm nữa là cháu vào lớp 1 rồi, phải rèn cho cháu những cái gì nên biết trước, nề nếp học tập nữa. Với lại đầu óc trẻ con bây giờ nó nhanh nhạy lắm, phải học ngay từ bây giờ mới tiếp thu được”
Với tâm lý “không được cái này thì được cái kia”, nên có đến 1001 lý do của các bậc phụ huynh đưa ra khi được hỏi về phương pháp giáo dục con cái ngay khi con trẻ còn chưa vào lớp 1. Chị Nguyễn Thị Xuân (ngách 55/17 - Chính Kinh – Thanh Xuân) lo sợ: “ Mọi người cũng bảo là không nên ép cháu nhưng tôi thấy trong lớp của con tôi nhiều cha mẹ khác đều cho con đi học thêm ngay khi cháu mới được 3 tuổi. Còn mấy tháng nữa con tôi sẽ lên lớp 1, bây giờ mới cho đi học thêm là đã muộn rồi đấy, học trước còn hơn học sau”.
1001 lý do của các bậc phụ huynh đưa ra khi được hỏi về phương pháp giáo dục con cái ngay khi con trẻ còn chưa vào lớp 1. (Ảnh: Gettyimagege) |
Với mong muốn con trai mình sẽ nhập học ở trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm – là một trong những trường danh tiếng về chất lượng học nên chị Nguyễn Thanh Hương (185 Ngọc Hà – Ba Đình) đã lo chuyện học hành, ôn luyện của con từ rất sớm. Chưa đến hè nhưng cứ 3 buổi/tuần, bé Bi - cậu con trai học lớp chồi đều đặn được mẹ đưa từ trường đến lớp học chữ vỡ lòng để chuẩn bị vào lớp 1. Lịch học Bi được mẹ cho “rải” đều vào các thứ trong tuần. Thứ hai – tư đi học chữ, thứ ba – năm đi học toán, tối thứ 7, chủ nhật đi học võ, kĩ năng mềm, còn chưa kể chị Hương đang tìm lớp để cho con bắt đầu làm quen với tiếng anh. Sau giờ ăn cơm chiều với gia đình, hễ nhìn thấy mẹ xách thêm balo là cu Bi biết ngay là chuẩn bị đi học thêm, cậu bé lại khóc rống không chịu đi học. Cậu bé hờn dỗi: “Con thích xem siêu nhân hơn, con ứ thích đi học đâu”. Thương con nhưng chị Hương vẫn cương quyết “Nếu không học trước, đến khi vào lớp 1 cháu sẽ không học theo kịp các bạn. Đến lúc đó sao mà xoay xở kịp. Phải tạo áp lực học ngay từ bây giờ, thì sau này con cái mới biết mà phấn đấu.”
Sau khi thấy hàng xóm có con bằng tuổi với con nhà mình đã đi học thêm, trong khi bé Nhím con chị Thanh Nga (Cù Chính Lan – Thanh Xuân) vẫn chưa được làm quen với mặt chữ, chị cũng nóng ruột tìm hiểu các lớp để gửi gắm cho cô giáo, mong muốn con mình cũng được “ bằng bạn bằng bè”.
Một thời gian cấp tốc cho con đi học ở các lớp học thêm, chị Nga phàn nàn với mấy chị hàng xóm: “Bé nhà mình đã biết đếm từ biết 1-100, vẽ ra số (vẽ chứ ko biết viết) nhưng số 3, 6 thường hay vẽ ngược. Bảng chữ cái còn chưa thuộc lắm, tiếng Anh cũng bì bõm 1 ít, học múa được hơn 1 năm, vẽ chủ đề thì tốt nhưng màu sắc thì tệ, bé nhà mình cũng học ucmas (dạy tính nhẩm nhanh – PV) nhưng lớp toàn bạn đã được học ngót nghét gần năm trời nên có vẻ hơi chậm so với lớp…mình cũng đang lo lắm”.
Nói đến đây, có chị hàng xóm chép miệng, người thì cho rằng chị Nga đang đòi hỏi quá nhiều ở con cái, trong khi cháu còn chưa học lớp 1, có người lại khẳng định bé Nhím như thế là “phát triển chậm” so với con cái của họ.
“Hãy cho con phát triển một cách bình thường”
Trong khi các ông bố, bà mẹ chạy đua tìm đủ lớp học thêm để con cái theo kịp với bạn bè, không bị “lạc hậu” thì cũng có không ít các bậc phụ huynh lại có quan điểm trái ngược lại. Chị Phan Hương Quế (68 – Hai Bà Trưng – Hoàn Kiếm) chia sẻ: “Tôi muốn con cái phát triển tự nhiên theo đúng lứa tuổi, không ép buộc con quá sẽ rất ảnh hưởng đến tính cách và tâm lý của trẻ. Mỗi đứa trẻ có một tích cách, cá tính riêng, chúng ta cũng không thể bắt ép con thế này, thế khác được.”
Cùng quan điểm với chị Hương, chị Phạm Thị Huyền (khu tập thể Thành Công) cho hay: “Con cái còn chưa đi học lớp 1 đã ép nó phải học cái này, học cái kia với lịch học dày đặc như thi đại học như thế thì “ác” quá. Hãy để con phát triển theo khả năng của nó, đừng ép trở thành thần đồng”.
Thấy các chị cùng xóm đua nhau cho con đi học khi các con mới bắt đầu nghỉ hè, chị Mai Hoa (Nguyễn Trãi – Thanh Xuân) bức xúc: “Con cái chứ có phải Thánh đâu mà ép là học được ngay, ngay cả Thủ tướng còn chưa phải học ghê gớm như thế nữa là”.
Trao đổi về vấn đề này, Tiến sĩ – chuyên gia tâm lý Nguyễn Kim Quý cho rằng: Trào lưu học là trào lưu chung của xã hội, bố mẹ ai cũng mong muốn cho con mình giỏi giang, bằng hoặc hơn con nhà người khác, phải vào trường nọ trường kia, nên từ áp lực đó mà không ít phụ huynh đã ép con học.
Thêm một lý do nữa là khi học sinh bắt đầu nghỉ hè thì ai sẽ trông nom con cáicủa họ. Họ tự đặt ra bài toán, nếu thả cho con họ tự chơi thì sẽ không ổn, thuê ô sin về chăm con vẫn không yên tâm, nên cách quản lý tốt nhất là cho con đi học. Chính vì vậy, vô hình chung phụ huynh đã tạo sức ép cho các em có thêm học kỳ thứ 3.
Trong khi đó bản thân đứa trẻ đang chuẩn bị vào lớp 1, ngay ở trong trường mẫu giáo, các cháu đã được làm quen với chữ số, bảng chữ cái…song bây giờ phụ huynh tiếp tục “dội” một lượng kiến thức như thế thì dễ dẫn tới hệ quả các em dễ bị choáng, sinh ra hệ quả là chán học, không thích học, bị rối nhiễu tâm lý, chống đối, bướng bỉnh, có thể trầm cảm, thiếu tự tin.
Nhiều ông bố, bà mẹ cho rằng :” Tôi sinh ra nó thì có quyền nuôi dạy nó theo ý tôi”, nhưng thực ra là họ đã không hiểu con cái của họ. Bố mẹ đang lãng quên một điều chính mình đã đặt nhiều kỳ vọng của bản thân lên trên mong ước của con cái, không xuất phát từ bản thân đứa trẻ, năng lực, sức khỏe, nhu cầu, mong muốn của nó ra sao. Bậc cha mẹ chỉ ép con học chữ, học làm toán, tiếng anh, kỹ năng sống mà quên mất việc làm người mới là quan trọng.
Để cha mẹ gần gũi hơn với con cái, tiến sỹ Nguyễn Kim Quý chia sẻ thêm: “Người lớn hãy để cho trẻ phát triển một cách bình thường, không nên ép con học quá nhiều so với lứa tuổi của nó. Vì ngay ở trường mẫu giáo các cháu đã được làm quen với những kiến thức sơ đẳng nhất chuẩn bị lên lớp 1. Do vậy, cha mẹ hãy phân tích, chia sẻ cho con cái cái nào đúng, cái nào sai, dạy con cách làm người, cái nếp, cách tự phục vụ mình đó mới là cái quan trọng ở lứa tuổi này.”
- Minh Nhật – Tuyên Thành