Cách khử mùi ẩm mốc cấp tốc
Sau một thời gian sử dụng, chăn ga gối sẽ bị bám rất nhiều bụi bẩn, vi khuẩn thậm chí có mùi hôi khó chịu nếu không được giặt và thay mới thường xuyên.
Tuy nhiên, trong điều kiện thời tiết nồm ẩm như hiện nay, nếu chưa kịp giặt chăn ga gối thì có thể áp dụng cách sau đây để khử mùi hôi hiệu quả.
Bạn sẽ cần đến baking soda. Đây là một nguyên liệu thường có trong căn bếp của gia đình. Baking soda có thể được dùng trong nấu ăn, làm sạch đồ dùng trong nhà.
Bạn hãy rắc bột baking soda khô lên trên mặt đệm (chăn hoặc gối) rồi để nguyên như vậy khoảng 30 phút.
Sau đó, dùng máy hút bụi hút hết phần bột baking soda ra (hoặc có thể rũ mạnh chăn, gối, lấy chổi quét cho hết baking soda bám trên món đồ). Baking soda có tác dụng hút ẩm, khử khuẩn, đảm bảo làm mùi hôi trên giường biến mất.
Ngoài ra, bạn có thể cho các gói hút ẩm vào chăn ga gối đã gấp và bọc chúng trong túi nilon. Để như vậy qua vài ngày là mùi hôi sẽ hết.
Hai cách này là biện pháp tạm thời "chữa cháy" trong thời tiết nồm ẩm không thể giặt chăn gối. Khi trời khô ráo, có nắng, tốt nhất bạn vẫn nên đem chăn gối ra giặt và phơi khô để đảm bảo sạch sẽ, tốt cho sức khỏe.
Cách chống ẩm cho chăn, ruột gối
Ruột chăn, gối nên được vệ sinh định kỳ 2-3 lần/năm. Bạn nên phơi chăn ga gối ngoài trời khi có đủ nắng để loại bỏ vi khuẩn ẩn nấp bên trong.
Sấy hoặc phơi khô ruột chăn, gối là cách tốt nhất để loại bỏ vi khuẩn cũng như giúp đồ dùng của bạn luôn thơm tho, không bị ẩm mốc.
Nếu gia đình có điều hòa, bạn có thể sử dụng điều hòa ở chế độ hút ẩm để hút bớt hơi ẩm trong phòng giữ cho chăn gối và các đồ dùng khác được khô ráo, hạn chế phát sinh mùi hôi. Máy hút ẩm cũng sẽ phát huy hiệu quả tốt trong những ngày trời ẩm ướt.
Một số lưu ý khác khi giặt chăn gối
Chọn ngày nhiều nắng và gió để giặt chăn gối. Nên xem dự báo thời tiết trước khi giặt.
Phơi chăn gối ở nơi thoáng khí để chúng mau khô. Tránh phơi ở nơi có luồng khí ẩm để không làm đồ dùng lâu khô và có mùi khó chịu.
Sau khi phơi khô, nếu chưa sử dụng ngay thì nên đóng chăn ga gối trong túi kín để tránh vi khuẩn, nấm mốc từ môi trường bên ngoài xâm nhập vào.