Chàng trai mù và khát vọng đứng trên bục giảng

05:53, Thứ sáu 14/09/2012

( PHUNUTODAY ) - Mặc dù bị khiếm khuyết một phần cơ thể, nhưng chàng trai mù ấy vẫn đang miệt mài ngày đêm bằng những ngón tay gầy guộc trên trang giấy chữ nổi, mong ước sẽ làm được một điều gì đó có ích cho đời.

Mặc dù bị khiếm khuyết một phần cơ thể, nhưng chàng trai mù ấy vẫn đang miệt mài ngày đêm bằng những ngón tay gầy guộc trên trang giấy chữ nổi, mong ước sẽ làm được một điều gì đó có ích cho đời. Bây giờ, đang học năm cuối của lớp sư phạm Ngữ Văn trường ĐH Quảng Nam, chàng trai ấy mong một ngày nào đó được đứng trên bục giảng, để dạy dỗ lại cho những đứa trẻ cũng tật nguyền như mình niềm tin yêu vào cuộc sống, nghị lực để vươn lên trước mọi khó khăn.


Nỗi đau chồng chất nỗi đau

Chàng trai ấy tên là Nguyễn Văn Tý (sinh năm 1980 tại Quế Long, Quế Sơn, Quảng Nam) trong một gia đình nông dân nghèo. Cha mẹ lam lũ tháng ngày với mảnh ruộng cằn cỗi nơi miền trung du của Quảng Nam.

Sinh ra cũng bình thường như bao đứa trẻ khác, nhưng rồi đến năm 4 tuổi thì căn bệnh thương hàn tai ác đã cướp đi của anh đôi mắt, ném anh vào vùng tăm tối vĩnh viễn. 

Anh Tý kể lại, quãng thời gian ấy đối với anh thật sự khủng khiếp. Bởi khốn khổ hơn, khi anh không còn nhìn thấy gì nữa, người mẹ lại bỏ anh rồi ra đi không hẹn ngày trở lại.

Đến giờ anh vẫn không biết mẹ mình nơi đâu trong khi anh vẫn đau đáu nhớ rằng mình đã từng có một người mẹ như thế. Đôi lúc nghĩ lại, vẫn không khỏi ngậm ngùi.

Trong căn phòng trọ nhỏ, anh tiếp chuyện với chúng tôi bàng sự e dè và tủi thân. Anh Tý nghẹn ngào: “Em biết người khuyết tật bản thân đã bị tổn thương về mặt thể chất và cũng rất dễ tổn thương về mặt tinh thần nữa. Khi em ra ngoài đường dù không nhìn thấy gì nhưng mình hiểu là có nhiều người nhìn em với đôi mắt khác lạ.

Khi em còn nhỏ, hễ cứ thấy em ở đâu là người ta xúm lại xem, có những đứa trẻ còn trêu chọc, đẩy mình ngã, hay đưa mình tới chỗ lạ để em không biết đường về. Những lúc như thế em chỉ biết khóc gọi mẹ, gọi cha mà thôi!”.

Nguyễn Văn Tý bên chiếc bàn viết bằng chữ nổi đã giữ gần 20 năm qua.
Nguyễn Văn Tý bên chiếc bàn viết bằng chữ nổi đã giữ gần 20 năm qua.

Tý nói anh cũng như những người khuyết tật khác là được gia đình, xã hội quan tâm, tạo điều kiện để được học tập, lao động, hòa nhập thực sự vào cộng đồng.

Người khuyết tật, bên cạnh sự thiệt thòi vì khiếm khuyết cơ thể, họ còn chịu rất nhiều thiệt thòi về thể chất và tinh thần do sự thiếu quan tâm của chính những người thân trong gia đình, trong trường học và trong môi trường xã hội.

Anh Tý nhiều lúc cũng đau đớn rằng ngay chính gia đình anh nhiều lúc cũng coi anh như là gánh nặng. Nhưng rồi anh cười:

“Cuộc sống của người khuyết tật còn nhiều khó khăn, nhưng cũng có rất nhiều người vượt lên mặc cảm tật nguyền để hòa nhập với cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội. Họ chính là tấm gương, nguồn động viên, cổ vũ cho em và cả những người khuyết tật khác có thêm niềm tin và nghị lực sống!”.

Và rồi thời gia qua đi, Tý mong mỏi được đi học, được đọc những trang sách bằng đôi bàn tay mình. "Thế nhưng cuộc đời vẫn còn thương em các anh ạ. Năm 1990, Hội người mù Quảng Nam có dự án dạy chữ Braile cho người mù trong toàn tỉnh.

Khi biết được tin này em vui mừng khôn xiết. Nhà nghèo nên cha em phải chạy đôn chạy đáo mãi mới mượn được chiếc xe đạp cà tàng để đèo em đi học.

Thế là từ ngày đó quãng đường dài từ nhà đến lớp học chữ của Hội người mù ngày nắng cũng như mưa đều có bánh xe đạp lăn của hai cha con em không lúc nào vắng!" Tý tâm sự.

Rồi một thời gia sau đó, anh may mắn khi được học tại trường Giáo dục chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu (Q.Cẩm Lệ, Tp. Đà Nẵng). Vừa đi học văn hóa, vừa học nhạc, học massage để có thể kiếm thêm chút tiền cho cuộc sống vốn vô cùng chật vật của một người tàn phế.

Và rồi bằng nghị lực phi thường của trái tim nhạy cảm và lòng ham học, ham hiểu biết, muốn làm được những điều có ích, Tý đã thi đậu tốt nghiệp, và mơ ước được vào đại học.

Thế nhưng thời bấy giờ chưa có tiền lệ cho một học sinh mù đi thi như một học sinh bình thường. Nơi trường Đại học Quảng Nam mà Tý đăng ký dự thi vào ngành sư phạm cũng vậy. Ngày Tý đi thi, anh được đặt ngồi riêng một góc phòng, giấy thi cũng tự mang theo vì trường thi không có sẵn giấy viết chữ nổi.

Nhưng rồi thật bất ngờ, sau khi gửi bài thi đi chấm tại một nơi khác cho trường hợp đặc biệt của Tý, các thầy cô giáo tại Trường ĐH Quảng Nam vô cùng bất ngờ về thành tích làm bài của Tý. Và rồi một thời gian sau, Tý đã nhận được giấy báo gọi vào nhập học lớp Sư phạm Ngữ văn, khoa Xã Hội của Trường Đại học Quảng Nam.

Tâm sự với chúng tôi về quãng thời gian ấy, Tý vẫn không khỏi bồi hồi: “Lúc thi xong, em cứ băn khoăn về trường hợp của mình, nên em đã gọi điện hỏi ý kiến Hội người mù Việt Nam và được biết chưa có học sinh khiếm thị nào dự thi và học cùng với các bạn bình thường cả.

Buồn quá em cũng liên lạc với Trường ĐH Quảng Nam, nhưng rồi cũng bị từ chối vì trường chưa có tiền lệ đào tạo học sinh khiếm thị.” Thế rồi không nguôi hy vọng, cậu học trò khiếm thị ấy nộp hồ sơ kèm theo lá đơn trình bày hoàn cảnh và nguyện vọng của mình.

Thầy giáo Nguyễn Văn Bảy, Trưởng khoa Xã hội Trường Đại học Quảng Nam xúc động cho biết: “Đọc lá đơn của Tý, chúng tôi không kìm được xúc động bởi khát vọng được học của cậu học trò tật nguyền nhưng hiếu học này.

Đặc biệt sau khi bài thi của Tý được chấm điểm và gửi về trường, chúng tôi vừa mừng nhưng vừa lo vì không biết Tý có thể theo học chương trình đại học cùng với các bạn sinh viên bình thường khác được không. Thế nhưng qua mấy năm học, Tý đã chứng minh được bản lĩnh và nghị lực của mình.”

Ước mơ làm thầy giáo của chàng trai khiếm thị

Bây giờ, Tý đang theo học năm cuối lớp Sư phạm Ngữ văn của Trường Đại học Quảng Nam. Chúng tôi không thể tưởng tượng nổi làm sao Tý có thể vượt qua biết bao khó khăn để đến lớp.

Hỏi anh có cách nào học được trong môi trường đại học vốn không dễ dàng gì đối với những người bình thường. Anh Tý chỉ cười hiền và nhỏ nhẹ:

“Cũng khó khăn nhiều lắm anh ạ! Trong chương trình học CĐ – ĐH  không có sách giáo trình bằng chữ nổi, nên em học trên lớp phải chú ý nghe thầy cô giảng bài, nhớ ngay tại lớp.

Còn kiến thức trong sách vở thì đành phải nhờ bạn bè trong lớp đọc để em ghi âm lại, rồi học ngày học đêm mới được. Cuối cùng cứ cố gắng từng chút một rồi cũng được thôi anh ạ”.

Trong căn phòng trọ nhỏ, nhìn Tý cặm cụi dò từng “con chữ nổi”, soạn giáo án, làm bài tập bằng chữ nổi với chiếc bàn viết anh giữ hơn 20 năm từ khi học đến giờ, mới thấy nghị lực phi thường của chàng trai tật nguyền ấy mạnh mẽ biết bao.

Tý nói: “Có nhiều khi bị đau, không học bài được, hay đến mùa thi, bạn bè bận cả, không biết làm cách nào được, nhờ mấy bạn nhỏ hay mấy đứa trẻ quanh xóm trọ này đọc để em nghe, rồi nhớ để đi làm bài thôi.”

Tâm sự với tôi về những ngày tháng đi học tại trường đại học này, anh sụt sùi không nói thành lời vì xúc động: “Nếu không có những người như cô Mai, cô Tấm (giáo viên đặc biệt tại trường Nguyễn Đình Chiểu, Đà Nẵng), hay cô Thịnh (người đỡ đầu cho Tý ở Hà Nội để Tý có thể đi học được), bạn Khánh (Khánh học cùng lớp Ngữ văn với Tý – PV) thì có lẽ em đã không cố được đến ngày hôm nay.

Em quyết phải làm được điều gì đó, như Bác Hồ từng dạy: "Tàn nhưng không phế". Hy vọng là em có thể đem được những điều mình học để truyền đạt lại những đứa trẻ có hoàn cảnh như em vậy.”

Hỏi Tý làm sao để có thể vừa học vừa sống trong hoàn cảnh khó khăn như hiện nay, Tý chùng xuống một chút rồi nói: “Tý thấy đấy có biết bao nhiêu người tuy mắt mù nhưng chân, tay vẫn lành lặn, họ vẫn cố gắng làm để tự lo cho bản thân, và gặp những người bạn đồng cảnh ngộ để chia sẻ với nhau về số phận. 

Bây giờ, em được đi học, được vào đại học, em luôn có đam mê và luôn tự tin ở bản thân, tin vào những điều tốt đẹp trên đời này. Dù nghịch cảnh vẫn có nhưng trên đời này còn nhiều điều tốt đẹp.

Khi có lòng tin đó thì sẽ đứng vững được. Khuyết tật một phần về cơ thể là điều không ai muốn, nhưng đó chưa phải là hoàn toàn bế tắc.”

Như chìm vào dòng suy tư, Tý tâm sự: “Người khuyết tật như tụi em làm sao để sống, để vươn lên như mọi người vốn đã vô cùng khó khăn. Phải nỗ lực hết sức để được mọi người tin tưởng. Nhưng em sẽ không bao giờ nguôi hy vọng được đứng trên bục giảng, để cố gắng làm người có ích, mong là một thầy giáo dạy cho những học sinh khuyết tật như em về những điều em đã trải qua, về niềm tin yêu vào cuộc sống vẫn còn có rất nhiều điều tốt đẹp!”.

Chia tay với chàng trai mù giàu nghị lực, chúng tôi nắm chặt tay anh và chúc anh sớm thực hiện được niềm mong ước giản dị mà nhọc nhằn ấy. Cho một ngày mai tươi sáng hơn.

Tôi biết rằng khi mình nhìn vào sự vươn lên của những người như Nguyễn Văn Tý, chúng ta sẽ thấy ở họ nghị lực phi thường. Những người như Tý giúp chúng ta thêm tin tưởng vào khả năng của người khuyết tật và thêm tin yêu hơn cuộc sống này.

  • Bùi Hữu Cường

[links()]

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc