Buông bỏ nhu cầu kiểm soát
Hãy sẵn sàng từ bỏ nhu cầu kiểm soát tất cả mọi thứ của bạn. Chúng ta cần phải nhận ra rằng, việc cố gắng thay đổi hành vi của người khác hoặc cố tạo ra tính dự báo trong môi trường xung quanh chỉ tạo ra sự lo lắng và rối loạn trong lòng.
Hãy để cho mọi người, mọi sự việc quanh bạn diễn ra một cách tự nhiên. Khi đó, bạn sẽ cảm thấy tâm mình nhẹ nhàng và thanh thản hơn rất nhiều.
Buông bỏ nhu cầu muốn mọi người hiểu mình
Chúng ta thường dành rất nhiều thời gian và công sức để cố gắng giúp mọi người hiểu được chúng ta và nhìn nhận mọi thứ từ quan điểm của chúng ta. Trung thực mà nói, điều này là bất khả thi. Chỉ cần bạn hiểu bản thân mình là đủ rồi.
Buông bỏ sự phản đối thay đổi
Thay đổi là điều tất yếu của cuộc sống. Chống lại sự thay đổi chỉ khiến bạn thêm đau khổ. Sự thay đổi giúp bạn cải thiện cuộc sống và phát triển hơn. Vì vậy, đừng ngại thay đổi, chỉ cần bạn biết điều gì nên và không nên để đem lại lợi ích cho mình.
Buông bỏ khát khao chiếm hữu
Điều chúng ta cần làm chủ, chinh phục trước tiên chính là cái tâm lăng xăng vọng động của mình chứ không phải của cải vật chất hay những đối tượng bên ngoài. Thế gian vô thường và ai rồi cũng sẽ giã từ cõi đời với hai bàn tay trắng. Khi tâm bất an thì ngay cả có đầy đủ tất cả mọi thứ, chúng ta vẫn thấy không thỏa mãn. Hạnh phúc là biết đủ và tri ân những gì mình đang có.
Buông bỏ ảo tưởng về bản ngã
Suy cho cùng, mọi suy nghĩ hành động và lời nói của phần lớn chúng ta đều để cung phụng cho bản thân mình, thỏa mãn cái tôi của mình mà thôi. Tham lam muốn vơ mọi thứ có lợi cho mình, sân giận khi gặp chuyện bất như ý, đố kỵ vì thấy thua kém người khác… Vô số những rắc rối khổ đau trong cuộc đời này đều bắt nguồn từ cái bản ngã ảo tưởng ấy.
Cuộc sống sẽ an lạc, tự tại hơn nếu chúng ta biết bớt bám chấp vào cái tôi toan tính của mình và nhận ra rằng ‘Bản ngã là tên lừa đảo lớn nhất, người khác có thể dối bạn nhất thời nhưng nó lại gạt bạn suốt đời”.
Buông bỏ tiếc nuối
Dưới góc nhìn của Đạo Phật, cuộc đời này có 8 thứ khổ: sinh già bệnh chết là 4 cái khổ thuộc về thân. Còn về tâm, không phải những gì chúng ta mong ước đều trở thành hiện thực; người mình yêu thương thì có lúc phải xa cách; kẻ mình không ưa thì phải chạm trán suốt ngày, chưa kể đến khổ do những cảm xúc phiền não hoành hành.
Hiểu rằng những thứ đó là bản chất của cuộc sống, là ‘bình thường’ thôi, chúng ta sẽ không tự làm khổ mình một lần nữa vì những tiếc nuối và dằn vặt bởi những nỗi đau hay sai lầm trong quá khứ.