Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức sửa đổi, bổ sung năm 2019 quy định rõ 3 trường hợp viên chức được biên chế suốt đời.
Thông tin trên báo Dân Việt chia sẻ như sau:
Viên chức là gì?
Viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập (theo Điều 2 Luật Viên chức năm 2010).
Biên chế là gì?
Mặc dù biên chế là từ được khá nhiều người dùng cũng như xuất hiện khá nhiều trong các văn bản về cán bộ, công chức, viên chức nhưng tại Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức hay trong các văn bản về tinh giản biên chế… không hề có định nghĩa cụ thể biên chế là gì.
Tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 108/2014/NĐ-CP quy định về giải thích từ ngữ như sau:
Giải thích từ ngữ:
"Biên chế" sử dụng trong Nghị định này được hiểu gồm: biên chế cán bộ, biên chế công chức, số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập và lao động hợp đồng được cấp có thẩm quyền giao theo quy định của pháp luật.
Theo đó, chúng ta có thể hiểu các đối tượng hiện nay áp dụng biên chế gồm biên chế cán bộ, biên chế công chức, số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập và lao động hợp đồng được cấp có thẩm quyền giao theo quy định của pháp luật.
3 trường hợp viên chức được biên chế suốt đời năm 2023
Theo quy định mới tại Luật Viên chức sửa đổi 2019, viên chức tuyển dụng sau 1/7/2020 chỉ được ký hợp đồng làm việc xác định thời hạn.
Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp được ký hợp đồng không xác định thời hạn hay còn gọi là "biên chế suốt đời", bao gồm:
Một là viên chức tuyển dụng trước ngày 1/7/2020, đáp ứng các điều kiện theo quy định.
Hai là cán bộ, công chức chuyển thành viên chức;
Ba là người được tuyển dụng làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn.
Như vậy, theo quy định này, vẫn có 3 trường hợp được hưởng biên chế suốt đời, đảm bảo tính ổn định, lâu dài, bền vững trong công việc cũng như thu nhập của viên chức.