Chọn được người bạn tốt, bản thân ta cũng tốt lên. Ta sẽ học được điều hay lẽ phải, nhìn bạn mà phấn đấu. Ngược lại, nếu kết giao với những người không tốt, bản thân chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng, "Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng".
Khổng Tử nói: “Vô hữu bất như kỷ giả”, (tạm dịch: Không kết bạn với người không bằng mình). Câu này nguyên có nguồn gốc từ “Luận ngữ”.
Trong đó, Khổng Tử viết: “Quân tử bất trọng tắc bất uy, học tắc bất cố. Chủ trung tín. Vô hữu bất như kỷ giả. Quá tắc vật đạn cải”, ý nói: Người quân tử nếu không tự trọng thì sẽ không có uy nghiêm, việc nghiên cứu học tập cũng sẽ không vững chắc. Làm người phải lấy trung nghĩa và thành tín làm gốc. Không nên kết bạn với người không bằng mình, nếu có sai sót, khuyết điểm cũng không sợ sửa chữa.
Khổng Tử đề cao phẩm hạnh đạo đức của mỗi người. Vì thế, ông dạy rằng, không nên kết giao với người có phẩm hạnh thấp kém hơn mình, vì như vậy bản thân mình sẽ bị lây nhiễm những đức tính xấu của người ấy, từ đó đạo đức cũng bị sa đọa theo.
Theo quan điểm của Đạo gia, “phản bổn quy chân”, trở về với bản tính thực của mình mới là mục đích duy nhất, cao nhất của con người. Do đó, hết thảy những sự tình khác trong cuộc sống đều phải phục vụ, bổ trợ cho mục đích này.
Để chọn được người bạn tốt, có thể nhìn cách họ cư xử với một số đối tượng trong xã hội. Nếu đối với người già, trẻ em họ ôn tồn, nho nhã, không nổi nóng thì chính xác đó là người sống có lý trí, biết suy nghĩ và kiềm chế, được dạy dỗ bảo ban, biết tiếp thu những giá trị nhân văn của cuộc sống.
Muốn biết một người tốt hay xấu, hãy nhìn cách đối xử của những người xung quanh khi họ rơi vào khó khăn bế tắc. Nếu bạn bè xóm làng sẵn sàng giang tay giúp đỡ mà không đòi hỏi báo đáp thì chắc chắn đó là người tốt, sống có tình có nghĩa, biết chọn đối tượng để kết giao.
Những người có tiềm năng làm nên việc lớn thường sở hữu tầm nhìn xa trông rộng, tính cách quyết đoán nên sẽ không tham lam những cái lợi nhỏ nhặt trước mắt mà chỉ dồn chí hướng vào những cái lợi to lớn hơn. Những người như vậy tâm tính cũng sẽ rất rộng rãi và giàu nghị lực.
Nếu là người đĩnh đạc, nghiêm túc thì ánh mắt cũng sẽ vô cùng kiên định và ngay thẳng. Còn nếu là người gian dối, giảo hoạt hay tính toán thì ánh mắt sẽ liên tục láo liên như mắt lươn, không thể che giấu sự gian manh, tính toán.
Đánh giá một người có thể kết bạn được hay không, điều quan trọng nhất là phải nhìn xem nhân tâm và phẩm hạnh đạo đức của người ấy. Ngoài ra, những yếu tố khác đều là không quan trọng. Người có đạo đức cao thượng sẽ kéo đạo đức của bạn thăng lên, người đạo đức bại hoại sẽ khiến bạn sa đọa mà rớt xuống.
Lời dạy của Khổng Tử kỳ thực rất có đạo lý! Nếu suy xét sâu xa hơn một chút, chúng ta sẽ thấy rằng, Khổng Tử vì nghĩ đến tương lai lâu dài của mọi người nên mới dạy điều ấy. Dù là thời xưa hay thời nay thì đạo lý ấy cũng rất bổ ích để chúng ta học tập và làm theo!