Chuối là loại trái cây lành mạnh, giàu dinh dưỡng, giá thành rẻ, phù hợp với mọi lứa tuổi. Một quả chuối trung bình cỡ 100 gram có thể cung cấp 89 calo, 75% nước, 1,1 gram protein, 22,8 gram carbohydrate, 12,2 gram đường, 2,6 gram chất xơ, 0,3 gram chất béo... Đặc biệt, nó còn chứa nhiều vitamin như vitamin B, C và các khoáng chất như kali...
Chuối còn chứa nhiều thành phần chống oxy hóa, giúp bảo vệ sức khỏe. Mức độ dinh dưỡng đạt cao nhất khi chuối chín kỹ.
Chuối tuy là thực phẩm ngon bổ rẻ nhưng không phải ai cũng nên ăn.
Người mắc bệnh tiểu đường
Một quả chuối trung bình chứa khoảng 26 gram carbohydrate. Trong khi đó, người bị bệnh tiểu đường được khuyến cáo chỉ nên tiêu thụ 15 gram carbs trong một bữa ăn.
Chuối không chỉ nhiều carbs mà còn nhiều đường. Đối với bệnh nhân tiểu đường, ăn nhiều chuối sẽ làm rối loạn chuyển hóa, tăng lượng đường trong máu, khiến bệnh thêm nặng, thậm chí gây biến chứng.
Do đó, nếu thích ăn chuối, người bị bệnh tiểu đường cũng chỉ nên ăn nửa quả trong một bữa và hạn chế ăn chuối chín kỹ.
Người bị suy thận, viêm cầu thận
Người bị suy thận, viêm cầu thận cần phải thận trong khi lựa chọn thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày nhằm giảm áp lực lên thận, ngăn chặn nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Chuối chứa nhiều kali, không phù hợp với người mắc bệnh thận. Khi hàm lượng kali trong cơ thể tăng cao, chức năng thận của người bệnh sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nếu sử dụng quá nhiều chuối hoặc các thực phẩm giàu kali khác, bệnh nhân sẽ bị tăng kali trong máu và gặp các biến chứng nguy hiểm.
Người bị đau dạ dày, viêm loét dạ dày
Người có tiền sử bị đau dạ dày, viêm loét dạ dày cũng nên hạn chế ăn chuối chín; các loại chuối khác không nên ăn khi đói. Hàm lượng pectin trong chuối cao có thể làm tăng nồng độ axit trong dạ dày tăng lên. Duy trì thói quen ăn chuối khi đói trong thời gian dài sẽ làm thành dạ dày bị bào mòn, gây đau dạ dày và viêm loét dạ dày.
Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân tiềm ẩn gây khó chịu cho dạ dày sau khi ăn chuối có thể là do lượng tinh bột trong chuối, do hội chứng ruột kích thích, dị ứng chuối hoặc do cơ thể không dung nạp fructose. Bệnh nhân bị viêm loét dạ dày tốt nhất không nên ăn chuối bởi họ có lượng axit dạ dày vốn nhiều hơn bình thường, ăn nhiều chuối dễ làm bệnh thêm nặng.
Người bị phù nề, tỳ vị hư nhược
Theo y học cổ truyền, những người bị tiêu chảy, tì vị hư nhược không nên ăn chuối. Chuối tiêu tính ôn, tính hàn, người đang bị tiêu chảy hoặc tỳ vị hư nhược, ăn chuối dễ làm tình trạng tiêu chảy nặng hơn, gây khó chịu cho đường tiêu hóa, làm suy yếu tỳ vị.
Người đang bị đau đầu hoặc đang cần tỉnh táo
Chuối chứa nhiều chất dinh dưỡng, trong đó có thành phần có thể gây buồn ngủ. Chuối chứa chất tryoptophan. Đây là một loại axit amin mà cơ thể không tự tổng hợp được. Chất này có vai trò quan trọng đối với giấc ngủ. Ngoài ra, carbohydrate trong chuối có thể ngăn chặn các axit amin khác do cơ thể tiết ra để cho phép tryptophan đi vào não, tạo ra serotonin - một chất khiến bạn buồn ngủ. Vì vậy, nhiều chuyên gia khuyên nên ăn chuối trước khi ngủ để ngủ ngon và sâu giấc hơn.
Do đó, người đang cần sự tỉnh táo thì nên tránh ăn chuối.
Lưu ý, chuối chứa tyramine, phenathylamine và axit amin có thể làm giãn mạch máu. Đặc biệt là những quả chuối chín quá, hàm lượng các chất này càng cao. Người đang bị đau đầu không nên ăn chuối vì các chất trong chuối sẽ khiến cơn đau kéo dài và trở nên trầm trọng hơn.