Hoa cau
Đối với người Việt, cây cau đã không còn xa lạ. Hoa cau có hương thơm ngát thường dùng để thắp hương. Quả cau thì gắn với tục ăn trầu của người Việt. Bên cạnh việc gắn liền với văn hóa, hoa và quả cau còn được xem là dược liệu chữa bệnh trong y học cổ truyền.
BSCKII Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng khoa khám và điều trị Ban ngày (Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM – cơ sở 3) cho biết trong y học cổ truyền, hoa cau còn gọi là tân lang hay binh lang, nụ hoa đực của cây cau có vị hơi ngọt, tính mát, có tác dụng bổ tim, gan, dạ dày, trị ho, thanh nhiệt, thông khí, tán ứ trệ khí ở dạ dày,…
Hoa cau có chứa vitamin A, vitamin C và có nhiều chất xơ hỗ trợ nâng cao sức khỏe, tăng cường đề kháng. Dân gian vẫn thường dùng hoa cau để trị ho trong các trường hợp: Ho, đau tức ngực, tê đau các khớp, chướng khí ở bụng. Chỉ cần lấy 0,5 lạng hoa cau hầm với thịt lợn.
Nếu muốn trị ho bổ dạ dày và tỳ có thể dùng 4 lạng hoa cau và 2,5 lạng sườn, muối (đủ dùng). Hoa cau cắt đoạn nhỏ, bỏ cuống, ngâm rửa sạch với nước muối, vớt ra để ráo. Tất cả cho vào nấu canh ăn cả nước và cái.
Hoa chuối
Trên khắp đất nước Việt Nam cây chuối được trồng khá phổ biến. Loại cây này rất dễ trồng, có thể lấy hoa làm rau ăn, thường dùng trong các món nộm, quả có thể ăn xanh và ăn chín.
Hoa chuối cũng được dùng nhiều trong các bài thuốc bồi bổ nâng cao sức khỏe. Theo bác sĩ Tấn Vũ, hoa chuối được chế biến thành các món ăn ngon, tốt cho sức khỏe. Chẳng hạn hoa chuối nấu với tim lợn ăn có tác dụng chữa đau tim. Cách chế biến: hoa chuối rửa sạch, thái nhỏ, tim lợn rửa sạch cắt thành 4 phần rồi cho cả 2 nguyên liệu vào nồi đun trong 30 phút, sau đó bỏ bã hoa chuối, ăn tim lợn và uống nước dùng.
Phụ nữ sau sinh có thể ăn hoa chuối hầm chân giò để có nhiều sữa, nhanh hồi phục sức khỏe. Móng giò làm sạch, ướp hạt nêm, dầu hào, hạt tiêu. Hoa chuối bóc lớp vỏ già bên ngoài, thái mỏng theo khoanh tròn ngâm nước. Phi thơm hành và tỏi, cho móng giò vào xào qua cùng chút nước mắm, sau đó đổ lượng nước vừa đủ ăn vào, đun sôi. Nước sôi thì cho me vào rồi hạ bớt lửa. Ninh móng giò cho đến khi móng giò gần nhừ thì vớt me ra dằm nát, lọc bỏ bã lấy nước me. Cho nước me vào lại nồi, cho tiếp hoa chuối vào, nêm gia vị cho vừa miệng. Đun tiếp cho đến khi hoa chuối chín mềm thì rắc hành thái nhỏ vào.
Bác sĩ Vũ cho biết hoa chuối còn được dùng trong bài thuốc trị sa tử cung ở phụ nữ. Lấy hoa chuối tiêu (nhặt những hoa đã rụng xuống đất) sao tồn tính, tán nhỏ, ngày uống 2 lần, mỗi lần 1 thìa canh bột hoa chuối, dùng nước sôi để chiêu thuốc. Cũng có thể dùng 60g củ chuối tươi sắc uống làm nhiều lần mỗi ngày.
Hoa bưởi
Bác sĩ Tấn Vũ cho biết, cây bưởi có tên khoa học là Citrus grandis (L.) Osbeck, thuộc họ cam (Rutaceae). Hoa bưởi có nhiều dược tính tốt giúp trị ho tiêu đờm, dưỡng phổi. Trong hoa bưởi có chứa tinh dầu giúp kích thích tiêu hóa, thông đại tiện, ngừa táo bón.
Muốn dùng hoa bưởi làm thuốc có thể áp dụng cách sau. Hoa bưởi 4g, hoa đậu một bát, nước gừng nửa thìa, đường phèn một thìa. Hoa bưởi rửa sạch cho vào nồi đun khoảng 10 phút rồi lọc bỏ bã, lấy nước. Tiếp đến cho nước gừng, đường, hoa đậu vào rồi đun sau đó lấy ra ăn giúp tiêu đờm, thông đại tiện.
Theo bác sĩ Vũ, trường hợp ăn nhiều gây ấm ách bụng cũng có thể dùng hoa bưởi 12g chưng với trà uống giúp tiêu thực (thức ăn ứ đọng), nấc, khí trệ, hay rên rỉ và ngáp vặt.