Chuyện cổ tích của 7 chú lùn thời hiện đại

06:13, Thứ tư 29/08/2012

( PHUNUTODAY ) - Từ vở diễn "Bạch Tuyết và 7 chú lùn", người ta quen miệng gọi tên chị là Bạch Tuyết. Và trong ngôi nhà của Bạch Tuyết và những chú lùn thời hiện đại đã nảy sinh những mối tình như cổ tích ...

Đã từ rất lâu, người dân Sài Gòn không còn xa lạ gì với đội văn nghệ mang tên Chim cánh cụt, do những người lùn bẩm sinh tụ họp lại với nhau. Họ diễn khắp mọi nơi, tụ điểm nào cần niềm vui, sự mới lạ là đội văn nghệ Chim cánh cụt có mặt. Đi cùng với họ, luôn có một phụ nữ rất xinh đẹp, là bầu sô và kiêm luôn diễn viên của đội. Từ vở diễn "Bạch Tuyết và 7 chú lùn", người ta quen miệng gọi tên chị là Bạch Tuyết. Và trong ngôi nhà của Bạch Tuyết và những chú lùn thời hiện đại đã nảy sinh những mối tình như cổ tích ...

Nàng Bạch Tuyết bước ra từ cổ tích

Ngôi nhà của Bạch Tuyết và những chú lùn thời hiện đại nằm khiêm tốn ở một góc đường Đoàn Văn Bơ, Quận 4, TP.HCM. Ra mở cửa cho tôi là một phụ nữ khá xinh đẹp, chị xưng tên Nguyễn Võ Thu Minh, chị chính là Bạch Tuyết của đội văn nghệ Chim Cánh Cụt.

Thu Minh tiếp tôi trong một căn phòng được trang trí bằng gam màu sáng tươi vui, với những đồ vật nhuốm màu cổ tích.

Thu Minh sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn, sau khi tốt nghiệp cử nhân sư phạm mầm non, chị tiếp tục theo học sân khấu điện ảnh vì đam mê với nghiệp diễn.

Để rồi như một cơ duyên, chị gắn bó với những người lùn bẩm sinh và được khán giả ưu ái gọi là nàng Bạch Tuyết. Bạch Tuyết chính thức trở thành nghệ danh khi đi diễn của Thu Minh từ đó.

Bạch Tuyết kể, đội văn nghệ Chim cánh cụt được thành lập cách đây 15 năm về trước. Thuở ấy, trong những lần rong ruổi đi lưu diễn, chị vô tình bắt gặp được những người lùn lang thang kiếm sống dưới chân sân khấu.

Có lần, Thu Minh chạm phải ánh mắt đầy vẻ u uẩn, buồn thương, mặc cảm của một người lùn hành nghề du ca đường phố. Từ đó, trong lòng người con gái trẻ luôn thôi thúc ý nghĩ phải làm gì đó để giúp những người lùn cải thiện cuộc sống, tự tin hòa nhập với cộng đồng.

Nàng Bạch Tuyết – Thu Minh và
Nàng Bạch Tuyết – Thu Minh và "chú lùn, cô lùn" trong một chuyến lưu diễn

Nghĩ là làm, Thu Minh tìm gặp những người lùn, kết thân, rồi ngỏ ý đưa họ về căn nhà của mình. Nơi căn nhà khang trang ấy, Thu Minh vẫn hằng ngày buồn tủi vì nỗi đơn thân khi tất cả người thân trong gia đình đã sang Mỹ định cư từ rất lâu.

Lượng thành viên mới trong ngôi nhà đã tăng lên con số 7, bỗng nhiên ý tưởng thành lập đội văn nghệ lóe lên trong đầu Thu Minh. Từ đó hằng ngày, sau mỗi giờ diễn, Thu Minh lại tất bật truyền dạy những kỹ năng sân khấu cho những người bạn mới.

Cái tên được thống nhất đưa ra là đội văn nghệ Chim cánh cụt, do Thu Minh làm bầu sô, kiêm đạo diễn, kiêm biên kịch và... rất nhiều vai trò khác. Vở diễn đầu tiên được Thu Minh dàn dựng phỏng theo câu chuyện cổ tích "Bạch Tuyết và 7 chú lùn".

Thu Minh thủ vai Bạch Tuyết và những người bạn của chị hóa thân vào 7 chú lùn rất nhập tâm và vui nhộn. Vở diễn thành công đến nỗi, người ta gán cho Thu Minh cái tên Bạch Tuyết, và đội văn nghệ Chim cánh cụt nhận được hợp đồng trình diễn dài hạn với một nhà hàng tiệc cưới.

Từ đó, những người lùn cơ nhỡ, tự ti của ngày xưa dấn thân vào con đường nghệ thuật. Có công việc, có niềm đam mê để theo đuổi, họ sống hăng say hơn, bản lĩnh hơn và nhìn cuộc đời bằng đôi mắt sáng trong hơn.

Đội văn nghệ Chim cánh cụt với nàng Bạch Tuyết nhân hậu, 7 chú lùn ngộ nghĩnh vui tươi hiện ra bằng xương bằng thịt nhiều năm liền đã chinh phục khán giả khắp mọi miền của đất nước. Thu Minh cười tươi kể:

"Thời gian đó, đi diễn đến đâu, mình cũng cố ý để lại địa chỉ nhà, thông tin liên lạc. Để nếu có người lùn nào muốn đến với đại gia đình của chúng tôi thì họ còn biết đường tìm tới.

Cứ thế, cho đến nay, "lâu đài cổ tích" của nàng Bạch Tuyết đã tiếp nhận hơn 40 người lùn bẩm sinh. Ngoài việc luyện tập diễn xuất ra, một số người lùn còn được Thu Minh giới thiệu đến làm tại các nhà hàng, quán bar,...

Tại Sài Gòn hiện nay có không ít tụ điểm vui chơi giải trí sử dụng lao động là người lùn như một chiêu để hút khách. Tôi hỏi Thu Minh về việc này, chị cười: "Mục đích như thế nào là tùy họ, miễn những người lùn có được công việc ổn định, kiếm thêm thu nhập và xã hội nhìn họ bằng ánh mắt trân trọng là đã vui".

Nói xong, chị phấn khởi khoe: "Những người bạn của mình, tuy đã hòa nhập được cộng đồng nhưng họ vẫn buồn lắm. Đã là con người ai chẳng khao khát được yêu thương, được có một mái ấm gia đình hạnh phúc, nhưng với những người có tật bẩm sinh thì mong ước ấy như xa thêm một chút.

Vậy mà từ khi "nhà Bạch Tuyết" có thêm "cô lùn" thì khác, các "chú lùn" vui hơn hẳn. Rồi từ đó, rất nhiều đôi lứa nên duyên. Mà có cả chuyện anh lùn lấy được vợ cao...

Hạnh phúc nở hoa

Thu Minh kể lại, thời gian đầu, chỉ có các "chú lùn" gõ cửa xin tá túc tại "lâu đài". Nhưng bỗng nhiên một hôm, có một người phụ nữ từ miền Trung xa xôi, đưa đứa con gái mang gen người lùn vào thành phố mưu sinh.

Trên những cung đường run rủi bán vé số nuôi con, chị tình cờ nghe được câu chuyện về "nàng Bạch Tuyết và những chú lùn" thời hiện đại. Sau đó, chị lần tìm đến ngôi nhà, tần ngần với ý định gửi con.

Thu Minh khó xử lắm, vì nhận thêm "cô lùn" có nghĩa là mọi thứ sinh hoạt, phân chia phòng ốc tự nhiên bị đảo lộn. Nhưng người mẹ nước mắt vắn dài, luôn mong mỏi con mình được gặp gỡ những người đồng cảnh ngộ, để con được sống vui hơn.

Chạnh lòng, Thu Minh gật đầu ưng thuận. Nào ngờ, việc thu nhận "cô lùn" đã khiến "lâu đài cổ tích" rực rỡ hơn. "Cô lùn" yêu một "chú lùn" và hạnh phúc nở hoa thơm ngát trong một đám cưới hoàn toàn viên mãn. Từ đó, những đám cưới như mơ cứ lần lượt diễn ra trong "lâu đài cổ tích".

Trong buổi trò chuyện hôm ấy, tôi có cơ duyên được gặp đôi vợ chồng "chú lùn, cô lùn" hết mực hạnh phúc là anh Hồ Hoàng Mỹ và chị Hồng.

Hoàng Mỹ là một trong những thành viên lâu năm nhất của đội văn nghệ Chim cánh cụt. Ngày Hồng bước chân vào ngôi nhà, Mỹ đã nghe tim mình loạn nhịp.

Rồi trong một chuyến lưu diễn tại Vũng Tàu, Hoàng Mỹ đánh bạo hỏi chị Thu Minh: "Chị thấy Mỹ với Hồng có... được không?", Thu Minh gật đầu không quên nở một nụ cười ý nhị và cái siết vai đầy động viên.

Và trên bãi biển thơ mộng, "chú lùn" Hoàng Mỹ đã ngỏ lời xin tìm hiểu "cô lùn" Hồng. Mấy tháng sau, họ quyết định đến hôn nhân. Tận lúc này, "bầu sô" Thu Minh mới ngã ngửa khi biết được, một người bạn của Hoàng Mỹ nhân cơ hội đã “cua” luôn em gái của Hồng.

Vậy là một đám cưới tập thể dưới sự chứng kiến của... ba bên gia đình đã diễn ra trong chính "lâu đài" của nàng Bạch Tuyết. Một năm sau, Hoàng Mỹ và Hồng sinh được một đứa con gái, may mắn sao, con của Mỹ và Hồng không mang căn bệnh của cha mẹ. Đến nay đã được 14 năm, và đứa con xinh xắn đang theo học lớp 8.

Cũng có những "chú lùn" kết duyên được với "chân dài" hẳn hoi. Đó là mối tình "đũa lệch" nhưng viên mãn của anh Trương Quý Mão và chị Chu Thị Hà. “Tôi chưa dám nghĩ tương lai mình sẽ lấy được vợ, mà còn là vợ cao ráo, bởi người như tôi thì có ma nào thèm để ý tới” – Anh Mão tâm sự thật thà.

Năm nay, ở tuổi 27 nhưng Mão vẫn e thẹn, mặt đỏ bừng kể cho chúng tôi nghe về chuyện tình anh: “Sống gần Hà, giúp đỡ chia sẻ với nhau lâu dần nảy sinh tình cảm. Tôi có biết tán tỉnh gì đâu, thế rồi yêu nhau từ lúc nào không hay biết”.

Ngồi cạnh bên, người vợ cũng bẽn lẽn không kém, chị kể rằng, trong một lần mình ốm nặng, anh Mão túc trực chạy tới chạy lui, quên ăn mất ngủ chăm sóc chị. Hà cảm động trước tình cảm chân thành của Mão rồi yêu nhau lúc nào không biết.

Câu chuyện tình đầy cảm động có một không hai về chú rể có chiều cao khiêm tốn chỉ với 1m và cô dâu xinh đẹp, hiền từ cao hơn 1,65m có lẽ ít ai tin nổi. Thế nhưng câu chuyện ấy có thật và tình yêu ấy khiến mọi người không khỏi cảm phục.

Hà nhìn chồng, nhỏ nhẹ: "Chị thương anh ấy bởi ý chí và nghị lực. Tuy cũng có nhiều gièm pha, nhưng hạnh phúc thì chỉ cần hai đứa biết, chứ thiên hạ nói gì thì kệ họ thôi”.

Yêu là thế nhưng để có được ngày hôm nay không phải mát mái xuôi chèo. Từ ngày biết chuyện của hai người, cả hai gia đình đều hết sức ngăn cấm. Gia định chị Hà không tiếc lời miệt thị Mão là: "Đũa mốc mà chòi mâm son".

Lời dị nghị, bàn tán của mọi người như một bức tường lửa ngày càng ngăn cách Mão và Hà. Anh Mão còn nhớ: "Sáng chủ nhật hôm đó, hai chúng tôi lên xe về nhà Hà ở Tây Ninh. Về đến nhà, biết ý con gái mình, bố mẹ Hà không nói năng gì mà bỏ ra ngoài”.

Từ đó, họ quyết tâm "nằm gai nếm mật" để thuyết phục gia đình. Sau 2 năm "trường kỳ kháng chiến" thì "đất cũng chịu trời", hai bên gia đình đồng ý cho anh chị tiến đến hôn nhân.

Anh Mão kể: “Đám cưới diễn ra không linh đình, không mâm cao cỗ đầy. Nhưng ấm áp đầy tình người. Những người anh em của mình góp một phần nhỏ mừng hạnh phúc cho đôi lứa bằng phông bạt, loa máy, ánh sáng, bằng chuyến xe đưa đón khách thông gia trong những ngày vui”.

Thu Minh – nàng Bạch Tuyết giữa đời thường tự nãy giờ vẫn ngồi yên nghe các đôi vợ chồng kể chuyện hạnh phúc lứa đôi. Thấy chị rơm rớm nước mắt, tôi hỏi, chị chỉ cười: "Chuyện của những người bạn mình, mình chứng kiến mà giờ nghe kể lại mình vẫn vui đến rơi nước mắt".

Tuy có rất nhiều gia đình nhỏ khiến ngôi nhà của Thu Minh dần trở nên chật chội, nhưng không ai muốn dọn ra ngoài ở, vì như họ tâm sự:

"Xa nơi này rồi, bọn mình thấy rất buồn rất lạc lõng". Nên ngày ngày trong "lâu đài" với những sắc màu cổ tích ấy vẫn rộn lên tiếng hát ca, tiếng cười đùa của trẻ con, ngôi nhà nhỏ nhưng ấm áp tình người.

  • Triều Sơn - Đoàn Toàn

[links()]

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc