Chuyện gia đình giản dị của Thiếu tướng Phạm Liêm

08:04, Thứ tư 09/11/2011

( PHUNUTODAY ) - Bà bảo, cả đời bà chưa từng hối hận bất cứ điều gì, bà chỉ trách mình không đủ sức khỏe để có thể nắm tay ông đi đến hết cuộc đời.

(Phunutoday) - Trước khi đi vào cõi vĩnh hằng, vượt lên nỗi đau đớn của cơn đau tim hành hạ,  bà đã nắm chặt tay ông gửi gắm những điều sau cuối. Bà bảo, cả đời bà chưa từng hối hận bất cứ điều gì, bà chỉ trách mình không đủ sức khỏe để có thể nắm tay ông đi đến hết cuộc đời. Những lời nguyện ước cuối cùng thì thầm bên tai ông, đôi mắt đen đã ngả màu nâu úa bà nhìn ông như gói trọn cả một đời làm vợ. Khoảnh khắc ấy qua đi, bà chìm vào giấc ngủ sâu và ra đi thật thanh thản.
Thiếu tướng Phạm Liêm
15 năm trôi qua kể từ sau cuộc chia ly lớn nhất đời người đó, ông vẫn ở trong ngôi nhà kỉ niệm của hai vợ chồng - nơi chứng kiến những ngày tháng đoàn tụ ngắn ngủi sau quãng đời binh nghiệp hào hùng và dữ dội của người lính cụ Hồ.
 
Trò chuyện cùng tôi, đôi mắt lặng lẽ ẩn sau cặp kính đen không thôi ngước về nơi bài vị thiêng liêng, tấm di ảnh của bà mờ ảo sau làn khói hương nghi ngút như thể cuộc trò chuyện chiều hôm ấy không chỉ có tôi và Thiếu tướng Phạm Liêm, mà còn có sự hiện diện vô hình của một người phụ nữ nữa. Và quả thật, suốt chiều hôm đó, ông đã dành những lời ấm áp nhất, dịu dàng nhất cho người phụ nữ của mình. Ông bảo: “Bà ấy đã ra đi để chấm dứt cơn đau đớn hành hạ cơ thể suốt nhiều ngày. 15 năm rồi bà ấy rời xa tôi nhưng tôi cứ cảm thấy bà ấy vẫn còn vương vấn mãi đây thôi!”.
 
Ông và bà cùng lớn lên ở xã An Đồng, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình - cái nôi cách mạng sục sôi trong cuộc chiến tranh vệ quốc. Cùng lớp với nhau từ thời học sơ học yếu lược, anh chàng Phạm Liêm là một chàng trai học giỏi, siêng năng, còn cô gái có cái tên rất đỗi ngọt ngào ấy nổi tiếng xinh đẹp được nhiều chàng trai trong lớp để ý. Nhưng rồi ngoài chuyện trao đổi bài vở, hai tâm hồn trẻ ấy chẳng mảy may gợn chút tình riêng nào nữa.
 
Tháng 12/1944, khi cơn sóng Cách mạng lan đến Thái Bình, anh chàng Phạm Liêm hăng hái lên đường, đem hết tài năng và hiểu biết của mình truyền bá chữ quốc ngữ cho những người dân nghèo lao động. Sau này, hoạt động đó được nhân rộng trong cả nước kết thành phong trào bình dân học vụ sôi nổi một thời. Trở thành giáo viên dạy chữ cho những người dân lao động, anh được kết nạp vào Đoàn thanh niên cộng sản rồi trở thành bí thư của hội thanh niên cứu quốc huyện Quỳnh Phụ. Còn người con gái có suối tóc đen tuyền cũng tham gia các phong trào đoàn thể ở địa phương.
 
Quá trình tiếp xúc giữa cán bộ huyện và đoàn thể xã, thôn đã tạo điều kiện cho hai người có nhiều cơ hội gần gũi, trò chuyện. Bằng tuổi nhau, ban đầu xưng hô “ấy - tớ” như thời cắp sách, nhưng anh chàng lém lỉnh mạnh dạn tự ý xưng “anh” và gọi cô bằng “em” đầy trìu mến. Hồi còn đi học, cô gái có suối tóc mơ màng ấy ngồi ngay trước mặt, thi thoảng anh chàng còn nghịch ngợm trêu ghẹo, giật tóc. Tham gia công tác Đoàn cùng nhau, cả hai ôn lại những kỉ niệm thời cắp sách, nhận ra giữa hai người có nhiều điểm tương đồng không kể xiết.
 
Anh thấy ở cô, ngoài vẻ xinh đẹp, là kiểu phụ nữ truyền thống đảm đang, tháo vát còn chứa đựng chiều sâu tâm hồn. Còn trong thâm tâm cô gái xinh đẹp đó, ấn tượng về chàng trai dáng vẻ thư sinh, hiền lành thực chất là một bộ óc đầy hài hước, dí dỏm. Hai tâm hồn đồng điệu ấy gặp nhau ở chí lớn và khát vọng tham gia các phong trào Cách mạng, đánh đuổi giặc ngoại xâm bảo vệ mảnh đất có cái tên bình yên, an lành, phúc lớn đó.
 
Tình yêu giản dị hun đúc và được bồi đắp trong quá trình cùng tham gia các phong trào cách mạng ở địa phương, tới khi cả hai đều cảm thấy người kia là một nửa đích thực của đời mình, họ tiến hành hôn lễ vào một ngày mùa thu tháng 8/1946. Khách mời chủ yếu là bạn học của hai người. Ai nấy đều ngạc nhiên và vỗ vai khen ông khéo chọn, “âm thầm mà giẫm chết voi”, vài cậu chàng trong lớp ngày xưa si mê cô còn thoáng chút ngẩn ngơ tiếc nuối.
Thiếu tướng Phạm Liêm cùng bà con nông dân tham gia sản xuất
Sau đám cưới, anh tiếp tục công việc dạy học và tổ chức phong trào thanh niên cứu quốc của huyện. Cuộc sống vợ chồng son ấm áp ngày qua ngày. Tới năm 1950, họ sinh con gái đầu lòng, bồi đắp thêm tình yêu thương chồng vợ. Cũng chính năm này, thực dân Pháp đổ bộ tấn công Thái Bình trong cuộc chiến tranh tổng lực Đông Dương, trong đó Việt Nam trở thành con mồi chính.
 
Ngay khi giặc tiến đánh Thái Bình, Phạm Liêm ra nhập vào hàng ngũ quân đội, trở thành chính trị viên Huyện Đoàn. Trong thời gian này, ông đã đưa ra nhiều biện pháp hữu hiệu chống sự càn quét của địch. Một trong những biện pháp khả quan đó là rào làng, đào hầm hố trong làng, tạo thành hệ thống lối đi ngầm bí mật. Nhờ việc đào hào, đắp lũy sâu dưới lòng đất 2m, rào làng bằng tre, đắp ụ đã hạn chế tầm nhìn và việc xâm nhập tấn công vào làng của địch gặp khó khăn, ngược lại, sự cản phá, tấn công trở thành lợi thế của ta.
 
Trong một lần chống phá cuộc càn quét của địch, anh bị trúng đạn. Viên đạn nằm cách tim 5cm, chỉ một gang tấc nữa anh đã gặp rủi ro lớn. Anh em đơn vị chuyển anh về huyện đội cấp cứu. Tin báo về làng, đang dệt lụa bên khung cửi, cô bỏ tất cả công việc, tất tả chạy bộ lên huyện hơn chục cây số tìm gặp chồng. Sau này, khi anh tỉnh lại, cô nghẹn ngào: “Chưa bao giờ em thấy thời gian trôi đi nặng nề và chậm chạp như lúc anh ở trong phòng cấp cứu. Chỉ sợ…”. Bước qua cửa tử, hai vợ chồng gặp nhau mừng mừng tủi tủi, đó cũng là lần đầu tiên trong đời anh thấy vợ mình khóc.
 
Từ ngày tham gia quân ngũ, cầm súng chiến đấu bảo vệ quê hương, anh ít có thời gian thăm nhà, thậm chí năm 1953, khi cha qua đời, phận làm con không thể về chịu tang, anh đứng ở đê sông Diêm Hộ, hướng đôi mắt về bên kia sông, đau đáu nỗi đau xót. Lúc ấy, tất cả việc nhà dồn lên đôi vai người phụ nữ bé nhỏ, thờ cha, phụng dưỡng mẹ già, chăm nuôi con nhỏ anh đều cậy nhờ vào người vợ đảm đang, tháo vát.
 
Vốn nổi tiếng là người phụ nữ chuyên cần và khéo léo, Nguyễn Thị Ngọt ở nhà tăng gia sản xuất, đảm đang cày bừa, cấy hái, trồng rau, nuôi vịt, thả cá. Những lần về nhà thăm vợ, chưa một giây phút nào anh thấy người vợ bé nhỏ nghỉ ngơi thảnh thơi. Và lần nào trở lại đơn vị, cô cũng gói gửi chồng mấy con cá mắm phơi khô để đồng đội, bạn bè thêm thắt vào bữa cơm đời lính.
 
Từ một chính trị viên tiểu đoàn 62 thuộc tỉnh đội Thái Bình trở thành chủ nhiệm chính trị trung đoàn 250, chính ủy trung đoàn 224, được toàn tâm toàn ý theo con đường binh nghiệp, có một điều anh chưa từng nói ra, đó là lời cảm tạ người vợ hiền thảo, người gánh vác toàn bộ hậu phương gian khó để anh yên tâm theo đuổi khát vọng của mình.
 
Ông nhớ như in buổi chiều muộn năm 1968, khi đang làm nhiệm vụ cùng đồng đội, ông được Đại tá Đặng Tính - Cục trưởng cục tác chiến Bộ tổng tham mưu gọi lên phòng làm việc. Đại tá điều ông vào chiến trường Quảng Trị, tham gia chiến dịch Khe Sanh, song vì nhiệm vụ Cách mạng cấp bách, ngay đêm ông phải lên đường. Chiến trường Quảng Trị là  một trong những chiến trường khốc liệt nhất, ông biết chuyến đi này lành ít dữ nhiều, Phạm Liêm xin phép thủ trưởng cho về từ biệt vợ con.
 
Hơn 8h tối trở về nhà, gói ghém tư trang đồ đạc, chưa đầy hai tiếng sau ông vội vã lên đường. Trước khi đi, bà có gửi cho ông một tấm áo do chính tay dệt nên, không quên hẹn ước ngày “đánh thắng giặc và trở về”. Tấm áo ấy đã theo ông khắp chiến trường Quảng Trị, cùng ông họp bàn những chiến lược quan trọng bên đồng đội, sát cánh cùng ông nơi dọc chiến hào cho tới ngày đất nước sạch bóng quân thù, hoàn toàn thống nhất.
 
Năm 1976, cả gia đình ông chuyển lên Hà Nội. Lương của ông tính bằng 9 kg gạo, trong khi cả hai con đang tuổi ăn, tuổi học. Để tăng thêm thu nhập cho gia đình, ông và bà cùng trồng thêm nhiều rau củ. Hàng ngày, bà cùng cô con gái chạy chợ, kiếm dăm đồng thêm thắt sinh hoạt. Khi trở về cuộc sống bình dị thời bình, ông hòa nhập vào cuộc sống bình dị miền thôn dã.
 
Mang tiếng ở Thủ đô, mang tiếng người có chức sắc, vai vế quan trọng trong quân chủng Phòng không không quân, nhưng gặp ông ngoài đời, ai nấy cũng đều ngạc nhiên trước sự giản dị, chân chất của ông. Trở về Thủ đô, bà mang theo khung cửi dệt vải, vẫn đều nhịp chân nhấn nhá những nốt đều đặn dệt áo cho chồng.
 
Nói về bà Phạm Thị Ngọt, vợ yêu của mình, Thiếu tướng Phạm Liêm dành những lời đẹp đẽ nhất: “Khó có thể nói hết những niềm vui nỗi buồn, trăn trở lo toan của cô ấy. Một lòng thủy chung son sắc, đảm đang thay chồng nuôi dạy con ngoan, phụng dưỡng mẹ già. Chưa bao giờ cô ấy nói về nỗi cô đơn chờ chồng dài đằng đẵng. Những lúc khó khăn, hoạn nạn, con ốm, cha mẹ già cô ấy đều phải gồng mình lên gánh vác.
 
Song vượt lên những khó khăn, thiếu thốn ấy, đức cần cù, chịu khó, hy sinh, thủy chung vẹn toàn đã là hậu phương vững chắc cho chồng hoàn thành nhiệm vụ. Cho tới sau này, khi tôi về hưu, mới có thời gian ở bên chăm sóc, bù đắp cho cô ấy những thiệt thòi một đời làm vợ lính, nhưng những ngày quây quần như thế, không nhiều”.
 
15 năm sinh ly, tử biệt, Thiếu tướng Phạm Liêm vẫn giữ vững tinh thần người chiến sĩ năm xưa, không để nỗi mất mát quỵ lụy mình. Hàng ngày ông vẫn tham gia công tác đoàn thể, hội cựu chiến binh, gặp gỡ những người bạn chiến đấu năm xưa, hàn huyên lại một thời xông pha máu lửa. Và trong những ngày bình dị đó, ông dành một góc nhớ cho người vợ thân yêu, mà như ông bảo, thiên đường dành cho người đã mất là nụ cười hạnh phúc của người đang sống.
 
  • Minh Phương
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc