Từ 1/7, tăng 10 khoản trợ cấp bảo hiểm xã hội theo mức lương cơ sở mới, gồm những gì?

16:54, Thứ năm 27/06/2024

( PHUNUTODAY ) - Từ 1/7/2024, khi lương cơ sở tăng sẽ kéo theo nhiều khoản trợ cấp BHXH có công thức tính dựa trên lương cơ sở cũng tăng theo. Cụ thể:

Từ 1/7/2024, tăng 10 khoản trợ cấp BHXH theo mức lương cơ sở mới

Trợ cấp dưỡng sức sau ốm đau

Luật BHXH năm 2014 quy định, người lao động đã nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau đủ thời gian trong một năm theo quy định tại Điều 26 của Luật này, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 5 đến 10 ngày trong một năm.

Thời gian nghỉ này bao gồm cả ngày lễ, Tết và nghỉ hàng tuần.

Người lao động khi nghỉ dưỡng sức không được doanh nghiệp trả nhưng sẽ được cơ quan BHXH thanh toán tiền chế độ trợ cấp bảo hiểm xã hội.

Mức trợ cấp dưỡng sức sau ốm đau/ngày = 30% x Mức lương cơ sở.

Như vậy, sau 1/7/2024, mức trợ cấp dưỡng sức ốm đau sẽ tăng 702.00 đồng/ngày so với mức 540.000 đồng/ngày trước 1/7/2024.

Trợ cấp 1 lần khi sinh con

Lao động nữ sinh con hoặc người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì được trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con hoặc tháng người lao động nhận nuôi con nuôi.

Trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội thì cha được trợ cấp một lần bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con.

Trợ cấp một lần khi sinh con được tính với công thức: Trợ cấp 1 lần/con = 2 x Mức lương cơ sở

Như vậy, trợ cấp một lần khi sinh con năm 2024 sẽ tăng lên 4.680.000 đồng so với mức 3.600.000 đồng trước ngày 1/7/2024.

Từ 1/7/2024, tăng 10 khoản trợ cấp BHXH theo mức lương cơ sở mới

Từ 1/7/2024, tăng 10 khoản trợ cấp BHXH theo mức lương cơ sở mới

Trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản

Khoản 3 Điều 41 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định:

- Lao động nữ ngay sau thời gian hưởng chế độ thai sản quy định tại Điều 33, khoản 1 hoặc khoản 3 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 05 ngày đến 10 ngày.

Thời gian này bao gồm cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần. Nếu có thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ cuối năm trước chuyển tiếp sang đầu năm sau thì thời gian nghỉ đó được tính cho năm trước.

Thời gian nghỉ dưỡng sức sau thai sản, người lao động không được doanh nghiệp trả lương nhưng được cơ quan BHXH thanh toán tiền chế độ trợ cấp BHXH.

Và trợ cấp này được tính theo công thức: Mức trợ cấp dưỡng sức sau thai sản/ngày = 30% x Mức lương cơ sở.

Như vậy, mức hưởng chế độ dưỡng sức sau thai sản của người lao động sau 1/7/2024 khi lương cơ sở tăng sẽ được điều chỉnh tăng lên 702.000 đồng/ngày. So với mức trước 1/7/2024 là 540.000 đồng/ngày.

Trợ cấp mai táng

Điều 66 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, thân nhân sẽ được trợ cấp mai táng khi người lao động chết thuộc một trong các trường hợp: Đang tham gia BHXH, đang bảo lưu quá trình đóng BHXH, đang hưởng lương hưu, đang hưởng trợ cấp cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng hay chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Công thức tính trợ cấp mai táng như sau: Trợ cấp mai táng = 10 x Mức lương cơ sở

Như vậy, khi lương cơ sở tăng, khoản tiền trợ cấp mai táng cũng tăng từ 18 triệu đồng lên 23,4 triệu đồng từ 1/7/2024.

Trợ cấp tuất hằng tháng

Căn cứ theo Điều 68 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì mức trợ cấp tuất hằng tháng chi trả cho thân nhân người lao động như sau:

Thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng: Trợ cấp tuất hằng tháng = 70% x Mức lương cơ sở

Theo công thức tính trên khi lương cơ sở tăng lên 2.340.00 đồng mức này sẽ tăng lên 1.683.000 đồng sau 1/7/2024. (Mức này trước 1/7/2024 là 1.260.00 đồng)

Trường hợp còn lại: Trợ cấp tuất hàng tháng = 50% x Mức lương cơ sở.

Mức này sau 1/7/2024 sẽ tăng lên 1.170.000 đồng so với mức 900.000 đồng trước ngày 1/7/2024.

Trợ cấp 1 lần khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Căn cứ Điều 48 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30% do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì được nhận trợ cấp 1 lần.

Một phần của khoản trợ cấp này sẽ được tính theo mức độ suy giảm khả năng lao động và mức lương cơ sở tại thời điểm chi trả. Cụ thể:

Trợ cấp = 5 x Mức lương cơ sở + (Tỷ lệ % suy giảm lao động - 5) x 0,5 x Mức lương cơ sở

Khi lương cơ sở được tăng, mức trợ cấp 1 lần tính theo mức độ suy giảm lao động cũng sẽ tăng theo.

Trợ cấp hằng tháng khi bị suy giảm khả năng lao động

Theo Điều 49 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì được nhận trợ cấp hằng tháng.

Một phần của khoản trợ cấp này sẽ được tính theo mức độ suy giảm khả năng lao động và mức lương cơ sở tại thời điểm chi trả. Cụ thể:

Trợ cấp/tháng = 30% x Mức lương cơ sở + (Tỷ lệ % suy giảm lao động - 31) x 2% x Mức lương cơ sở

Khi tăng lương cơ sở, mức trợ cấp hằng tháng tính theo mức độ suy giảm lao động cũng sẽ tăng theo.

Trợ cấp phục vụ cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Theo Điều 52 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên sẽ được trợ cấp phục vụ hằng tháng nếu có thêm một trong các điều kiện sau:

- Bị liệt cột sống

- Mù hai mắt.

- Cụt, liệt hai chi.

- Bị bệnh tâm thần.

Trợ cấp phục vụ/tháng = Mức lương cơ sở

Như vậy, trước 1/7/2024 mức trợ cấp cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là 1.800.000 đồng. Sau 1/7/2024 mức này sẽ được tăng 2.340.000 đồng khi lương cơ sở được điều chỉnh tăng.

Trợ cấp 1 lần khi chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Điều 53 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định, người lao động chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì thân nhân sẽ được thanh toán trợ cấp 1 lần:

Trợ cấp 1 lần = 36 x Mức lương cơ sở

Do đó, mức trợ cấp một lần khi chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sẽ tăng 84.240.000 đồng. Mức chi trả này trước 1/7/2024 là 64.800.000 đồng.

Mức dưỡng sức sau điều trị

Theo Điều 54 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, sau khi điều trị ổn định thương tật do tai nạn lao động hoặc bệnh tật do bệnh nghề nghiệp mà trong thời gian 30 ngày đầu mà sức khỏe chưa phục hồi thì người lao động được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe.

Mức trợ cấp dưỡng sức sau điều trị/ngày = 30% x Mức lương cơ sở

Theo đó, mức dưỡng sức sau điều trị năm 2024 từ 1/7/2024 là 702.000 đồng/ngày so với mức trước 1/7/2024 là 540.000 đồng/ngày.

Tăng tiền lương đóng BHXH bắt buộc từ 01/7/2024

**Tiền lương đóng BHXH bắt buộc với cán bộ, công chức, viên chức

(1) Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc là tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có).

Hiện hành, tiền lương này tính trên mức lương cơ sở (Mức lương cơ sở từ 01/01 – 30/6/2024 là 1.800.000 đồng/tháng).

Tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc quy định tại mục (1) này bao gồm cả hệ số chênh lệch bảo lưu theo quy định của pháp luật về tiền lương.

(2) Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn thì tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương cơ sở (Mức lương cơ sở từ 01/01 – 30/6/2024 là 1.800.000 đồng/tháng).

Tuy nhiên, từ ngày 01/7/2024 khi thực hiện cải cách tiền lương thì sẽ bãi bỏ lương cơ sở.

Theo thông tin mới nhất, từ 01/7/2024 tới đây, dự kiến tiền lương bình quân chung của cán bộ, công chức, viên chức sẽ được tăng khoảng 30% (tính cả lương cơ bản và phụ cấp).

Từ năm 2025, mức lương này sẽ tiếp tục được điều chỉnh tăng thêm bình quân hàng năm khoảng 7%/năm.

Như vậy, thời điểm 01/7/2024 khi tiền lương của công chức, viên chức tăng lên thì cũng sẽ tiền lương đóng BHXH bắt buộc với cán bộ, công chức, viên chức.

**Tiền lương đóng bảo hiểm xã hội do doanh nghiệp quyết định

(1) Tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của người lao động, bao gồm:

- Mức lương ghi trong hợp đồng lao động.

- Phụ cấp lương: phụ cấp chức vụ, chức danh; phụ cấp trách nhiệm; phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thâm niên; phụ cấp khu vực; phụ cấp lưu động; phụ cấp thu hút và các phụ cấp có tính chất tương tự.

- Các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương thực hiện từ 01/01/2018.

(2) Tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc không bao gồm:

Tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác ghi thành mục riêng trong HĐLĐ.

(3) Tiền lương tháng làm căn cứ đóng đối với người quản lý doanh nghiệp có hưởng tiền lương là tiền lương do doanh nghiệp quyết định; đối với người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương là tiền lương do đại hội thành viên quyết định, trừ viên chức quản lý chuyên trách trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu.

(4) Mức tiền lương tháng đóng BHXH, BHYT, BHTN bắt buộc không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng đối với người lao động làm công việc hoặc chức danh giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường.

Từ ngày 01/7/2024, dự kiến sẽ tăng lương tối thiểu vùng thêm 6%.

Mức lương tối thiểu tháng được đề xuất tăng 200.000-280.000 đồng tùy từng vùng. Nếu được thông qua, lương vùng 1 nâng lên 4,96 triệu đồng; vùng 2 là 4,41 triệu đồng; vùng 3 là 3,86 triệu đồng và vùng 4 là 3,45 triệu đồng.

Lương tối thiểu giờ tăng tương ứng 6%, dao động 16.600-23.800 đồng. Theo đó, vùng 1 lên 23.800 đồng; vùng 2 lên 21.200 đồng; vùng 3 lên 18.600 đồng; vùng 4 lên 16.600 đồng.

(Mức lương tối thiểu vùng từ ngày 01/01/2024 - 30/6/2024 áp dụng tại các vùng đang dao động 3,25 - 4,68 triệu đồng).

(5) Mức tiền lương tháng đóng BHXH, BHYT, BH TNLĐ-BNN cao hơn 20 tháng lương cơ sở thì mức tiền lương tháng đóng BHXH, BHYT, BH TNLĐBNN bằng 20 tháng lương cơ sở. (Hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn khi bỏ lương cơ sở thì mức lương tháng đóng BHXH sẽ tính thế nào).

Trường hợp mức tiền lương tháng của người lao động cao hơn 20 tháng lương tối thiểu vùng thì mức tiền lương tháng đóng BHTN bằng 20 tháng lương tối thiểu vùng.

Căn cứ:

Quyết định 490/QĐ-BHXH ngày 28/3/2023 của Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam về việc sửa đổi, bổ sung một số điều Quy trình thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; quản lý sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 và sửa đổi, bổ sung Điều 1 của Quyết định 505/QĐ-BHXH ngày 27/3/2020.

Nghị quyết 104/2023/QH15 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 do Quốc hội ban hành.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.com.vn copy link
Tác giả: Vũ Ngọc