Có lẽ không ít người đã từng lâm vào hoàn cảnh phải dắt bộ xe một đoạn đường dài, ánh mắt nháo nhác tìm chỗ sửa bởi xe của mình bị rách lốp, thủng săm. Và “hung thủ” bất đắc dĩ không ai khác chính là những chiếc đinh nhọn hoắt với đủ các hình dáng và chất liệu: Từ các loại đinh thường, đinh ba chạc tự chế, đinh bản dẹt đến đinh nhôm, sắt, thép… Thiệt hại về tài sản (vài chục, vài trăm thậm chí lên đến chục triệu đồng) là không nhỏ nhưng vẫn chưa là gì so với thứ vô giá – tính mạng con người.
Vậy nên hai khái niệm “đinh tặc” và “hiệp sĩ chống đinh tặc” ra đời từ đó. Nhưng dường như đây là “cuộc chiến không cân sức”.
Những tấm gương đáng khâm phục của các “hiệp sĩ” diệt đinh luôn hiện hữu trong cuộc sống. Hình ảnh anh Nguyễn Văn Phong (42 tuổi, ngụ tại TP.HCM) đi bộ trên Quốc lộ 1A đoạn từ phường An Phú Đông đến đường Tô Ngọc Vân (Q.12) mỗi sáng sớm cùng cây gậy hút đinh tự chế là một trong số đó. Suốt 6 năm qua, mỗi ngày anh đi bộ đoạn đường 1,5km để hút vài lạng đinh - công việc mà có người cho rằng chỉ là “việc bao đồng” hay “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”.
Theo anh, “đinh tặc” hoạt động có kế hoạch khá rõ ràng, khoảng 6h tối rải một lần để vá xe đêm và sáng sớm, 4h sáng hôm sau rải một lần nữa để vá ban ngày. Với những người chạy xe dưới 30km/h thì không sao, nếu chạy nhanh thì thủng lốp ngay, thậm chí gây tại nạn nguy hiểm.
Việc anh không ngại mưa nắng, ngày nào cũng miệt mài đi bộ dò, hút đinh như vậy khiến nhiều người nể phục. Có người đi đường cho tiền anh không lấy, nhưng biếu anh chai nước thì anh nhận là điều đáng quý.
Trên cầu Nhật Tân (Hà Nội) – cây cầu dây văng lớn nhất Việt Nam còn có đội vá xe miễn phí là thợ kỹ thuật của đơn vị quản lý cầu. Chỉ cần những chiếc xe đang lưu thông trên cầu gặp vấn đề về lốp, gọi đến đường dây nóng là họ sẽ có mặt kịp thời để hỗ trợ, giúp đỡ.
Công việc vất vả, thầm lặng và cũng không kém hiểm nguy khi có những “hiệp sĩ” từng bị đánh, dằn mặt phải nhập viện. Nhưng điều đó cũng chẳng làm họ nản lòng. Bởi nhìn những người đi đường không may mắn bị thủng lốp hay thậm chí gặp tai nạn trên đường khiến họ cảm thấy xót xa. Nhiều người trong số họ còn quyết tâm, dù khó khăn cũng sẽ làm cho đến khi dẹp được nạn rải đinh mới thôi.
Thế nhưng dù kiên quyết đến đâu, dứt khoát như thế nào thì cũng vẫn là “một cây làm chẳng nên non”. Các cơ quan chức năng ở đâu khi “đinh tặc” vẫn ngang nhiên lộng hành như vậy? Việc tuần tra, tuyên truyền, nhắc nhở liệu có hiệu quả, chí ít là so với những hành động thực tế như việc hút đinh? Hay đó chỉ là việc nhỏ “như cái đinh” nên không đáng được quan tâm?
Cần phải nghiêm trị “đinh tặc” bởi từ lâu những tệ nạn như trộm, cướp, rải đinh trên đường đã không còn là tự phát, nhỏ lẻ mà biến tướng thành có tổ chức, ngày càng hung hãn, trắng trợn. Nó không chỉ dừng lại ở vấn đề đạo đức mà còn là hành động vi phạm pháp luật.
Theo Bộ luật Hình sự năm 1999 thì hành vi này có thể bị tù đến 10 năm nếu “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”. Còn theo Nghị định 46/2016 của Chính phủ thì hành động này có thể bị phạt tiền từ 6-8 triệu đồng. Nhưng dường như nó vẫn còn nhẹ cho những kẻ táng tận lương tâm kia.
Như Karl Marx đã từng nói: “Chỉ có súc vật mới có thể quay lưng lại nỗi khổ đau của đồng loại mà chăm lo riêng cho bộ lông của mình”. Nó không chỉ là cái đinh mà còn là cái gai trong mắt, trong tâm lý của mỗi người. Nếu không nhổ dứt điểm thì chúng sẽ cứ mãi ám ảnh, gây khó chịu và có thể là cả những nỗi đau.