Chuyện về cuộc đời Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng (III)

( PHUNUTODAY ) - Trong suốt cuộc đời Phạm Văn Đồng, tất cả những bức thư mà ông nhận được, dù là của một chính khách, một trí thức, hay của một nông dân... ông cũng đều trả lời không sót một bức thư nào.

Có một nhà thơ nổi tiếng nước ngoài đã tặng một tập thơ cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng với lời đề tặng: “Tặng ngài Phạm Văn Đồng – người đã dạy tôi lòng dũng cảm và sự cao cả theo hình ảnh của dân tộc người; với lòng kính trọng và lòng yêu mến không bao giờ phai nhạt của tôi!”. Đó là một câu chuyện nhỏ trong rất nhiều câu chuyện về sự kính phục và ngưỡng mộ của rất nhiều người đối với nhân cách của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

[links()]

Người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Khi nói về mối quan hệ gắn bó giữa Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều người vẫn nói: Thủ tướng Phạm Văn Đồng là một trong những học trò ưu tú nhất và cũng là một trong những người gần gũi nhất với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Khi Bác Hồ chưa qua đời, Thủ tướng Phạm Văn Đồng sống và làm việc cùng Bác trong Phủ Chủ tịch. Bác Hồ và Thủ tướng Phạm Văn Đồng ăn cơm cùng nhau ngày ba bữa, cùng trao đổi, bàn bạc về việc quốc gia đại sự và cả những chuyện nhỏ đời thường.

Bác Hồ và Thủ tướng Phạm Văn Đồng đều có thói quen ăn uống giản dị. Trong bữa cơm thường ngày, món không thể thiếu của Bác Hồ và Thủ tướng Phạm Văn Đồng là món cà muối xứ Nghệ, còn lại các món khác đều hết sức dân dã, đời thường.

Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng
Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng

Ngay cả khi đã trở thành Thủ tướng, Phạm Văn Đồng vẫn một mực nghe theo những ý kiến và sự dạy bảo của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Bác Hồ vừa là một người thầy, vừa như một người cha mà ông vô cùng tôn kính.

Nhà thơ Việt Phương kể: “Có một dạo, Thủ tướng Phạm Văn Đồng hay uống sữa thay cho bữa sáng. Một hôm đang uống thì Bác Hồ đi qua. Bác nhìn thấy thì hỏi: “Anh Đồng uống sữa buổi sáng à?”.

Bác chỉ nói thế, nhưng khi đó Phạm Văn Đồng nghĩ rằng có thể trong câu nói của Bác có hàm ý nhắc nhở, vì đất nước đang khó khăn, phải dồn sức cho kháng chiến, nhân dân nhiều người không đủ ăn. Vì vậy sau lần đó, Thủ tướng Phạm Văn Đồng liền từ bỏ thói quen đó.

Khi có nhiều người ngỏ ý đề nghị Thủ tướng Phạm Văn Đồng đi lấy vợ khác, anh Đồng cũng kiên quyết từ chối vì muốn trọn vẹn tình nghĩa và sự thủy chung với vợ. Việc làm này của anh Đồng rất được Bác Hồ ủng hộ”.

Có một lần, Bác Hồ đi từ ngôi nhà sàn của Người sang Phủ Thủ tướng tìm Thủ tướng Phạm Văn Đồng để trao đổi một số vấn đề quan trọng. Lúc đó, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đang làm việc tại Văn phòng, tuy cùng nằm trong khu Phủ Chủ tịch nhưng cách xa Phủ Thủ tướng vài trăm mét.

Sợ Bác phải đợi lâu, một đồng chí bảo vệ vội vã đạp xe ra báo với Thủ tướng. Vội quá, Thủ tướng dùng ngay chiếc xe đạp của đồng chí bảo vệ để phóng về gặp Bác. Đồng chí bảo vệ liền chạy bộ theo sau Thủ tướng.

Khi đó Bác đã đứng sẵn ở sân chờ Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Đợi Thủ tướng vừa xuống xe, chưa kịp nói câu nào, Bác đã nói ngay: “Sau chú không đèo chú bảo vệ đằng sai xe để cùng về, lại để chú ấy chạy bộ?”. Chợt nhận ra điều đó, Thủ tướng Phạm Văn Đồng vội đáp: “Xin lỗi Bác”.

Ngày hôm đó Thủ tướng nghĩ rất nhiều về lời nhắc nhở nhẹ nhàng và nghiêm khắc của Bác. Hôm sau khi làm việc với những cán bộ cấp dưới, Thủ tướng cũng không ngại kể lại câu chuyện đó cho mọi người cùng nghe rồi nói:

“Tôi đã nghĩ về lời của Bác. Lòng nhân ái, thương yêu và kính trọng con người phải chân thực từ trong tâm của ta, rồi tự nhiên bật ra thành thái độ và hành động, chẳng phải suy nghĩ gì, như là từ bản năng”.

Tuy Phạm Văn Đồng đã là Thủ tướng, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn không ngần ngại nhắc nhở, phê bình để giúp Thủ tướng ngày càng thuần hậu, nhân ái, sao cho điều đó trở thành “bản năng” của nhà lãnh đạo.

Bác Hồ không ngần ngại chỉnh sửa người học trò của mình một cách ân cần, nhẹ nhàng, nhưng cũng rất nghiêm khắc. Về phía mình. Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng luôn coi Bác là người thầy, người cha và tiếp thu sự chỉ bảo cụa Bác với tinh thần thành khẩn, cầu thị và khắc cốt ghi tâm những lời chỉ bảo đó.

Những năm tháng sau này, Thủ tướng Phạm Văn Đồng được Bộ Chính trị đề nghị viết hồi ký, nhưng ông từ chối. Ông bảo, thay vì viết hồi ký về cuộc đời mình, ông sẽ dành tâm sức để viết về Bác.

Đúng như lời ông nói, trong 8 năm từ năm 1991 – 1999, ông đã hoàn thành 4 cuốn sách về Bác Hồ, dù lúc đó sức khỏe của ông ngày càng kém.

Nhà thơ Việt Phương kể lại: “Sự ra đi của Bác là một mất mát lớn đối với Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Sau ngày Bác mất, Thủ tướng Phạm Văn Đồng vẫn ở trong Phủ Chủ tịch, nhưng anh Đồng đã đề nghị chuyển anh sang ở một khu nhà khác, xa khu nhà nơi Bác sống lúc sinh thời.

Ngay cả những năm tháng sau này cũng vậy, rất hiếm khi Phạm Văn Đồng đi qua đó nếu không có việc gì thật qua trọng. Bước vào một nơi có quá nhiều kỉ niệm về Bác là một điều vượt quá sức chịu đựng của Phạm Văn Đồng”.

Nhân cách Phạm Văn Đồng

Nhà thơ Việt Phương tâm sự, sau 53 năm làm Thư ký cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng, ông học được rất nhiều về cách sống của Phạm Văn Đồng.

Lúc sinh thời, Thủ tướng Phạm Văn Đồng có một nguyên tắc không bao giờ thay đổi: trong suốt cuộc đời Phạm Văn Đồng, tất cả những bức thư mà ông nhận được, dù là của một chính khách, một trí thức, hay của một nông dân; dù của người mà ông quen biết hay không quen biết; dù đó là một khiếu nại quan trọng hay là một câu hỏi hết sực bình thường, ông cũng đều trả lời không sót một bức thư nào.

Với những bức thư ngắn, những câu hỏi ngắn, những thắc mắc nhỏ, Thủ tướng Phạm Văn Đồng thường ghi câu trả lời ngắn gọn vào sau tấm danh thiếp.

Còn với những câu hỏi quan trọng, ông sẽ tự viết những bức thư trả lời dài, đôi khi mất đến vài trang giấy, dù để thu xếp thời gian trả lời tất cả những bức thư đó là điều không hề đơn giản với một người nắm giữ cương vị quan trọng như Phạm Văn Đồng.

Quá trình đi theo giúp việc Thủ tướng Phạm Văn Đồng, nhà thơ Việt Phương cũng tạo cho mình thói quen đó. Ông luôn trả lời tất cả các bức thư gửi đến mình, dù người viết thư cho ông có thể là bất cứ ai.

Tuy là Thủ tướng, nhưng Phạm Văn Đồng sống rất giản dị, hòa đồng với cấp dưới, kể cả những người bảo vệ. Nhà thơ Việt Phương nhớ lại: “Những buổi chiều có thời gian rảnh, ông vẫn thường chơi bóng đá, bóng chuyền với các chú bảo vệ.

Bảo vệ làm việc trong Phủ Chủ tịch, Phủ Thủ tướng rất vất vả. Vì đặc thù công việc nên có khi một năm họ chỉ được về thăm nhà 1 lần, trên dưới 10 ngày. Thủ tướng Phạm Văn Đồng thường xuyên dành thời gian trò chuyện với các chú bảo vệ, hỏi thăm họ về hoàn cảnh gia đình.

Mỗi khi biết một chú bảo vệ nào đó chuẩn bị về thăm nhà, bao giờ Thủ tướng cũng gửi lời hỏi thăm cha mẹ, vợ con họ ở quê nhà. Phạm Văn Đồng vẫn thường nói với họ: “Khi nào vợ con lên đây chơi, nhớ bảo tôi, tôi sẽ mời cơm gia đình các cậu”.

Đó không phải là một lời đề nghị xã giao, vì trong những năm tháng PHạm Văn Đồng làm Thủ tướng, rất nhiều lần ông đã mời cơm vợ, con của những người làm nhiệm vụ bảo vệ ông.

Đầu những năm 1980, mắt của Thủ tướng Phạm Văn Đồng bắt đầu bị lóa, nhìn không rõ chữ, tay viết không giữ được nét. Các bác sĩ khám bệnh cho ông kết luận ông bị teo dây thần kinh đáy mắt. Năm này qua năm khác, ông kiên trì dùng thuốc nhưng không thuyên giảm.

Các lãnh đạo của một số quốc gia biết chuyện đã mời Thủ tướng Phạm Văn Đồng sang nước họ điều trị mắt với công nghệ tiên tiến.

Tuy nhiên khi biết quá trình khám và điều trị phức tạp, mà nước bạn chỉ đài thọ thời gian nằm trong viện, còn ta phải tự lo những chi phí còn lại, kể cả chi phí đi lại, ở lại nhiều ngày, ăn ở cho bệnh nhân và người theo phục vụ, tốn số tiền khá lớn, điều đó khiến Thủ tướng Phạm Văn Đồng suy nghĩ rất nhiều.

Cuối cùng ông quyết định: “Việc đi lại quá tốn kém mà lại là ngoại tệ mạnh, ta đang phải bươn chải tìm kiếm từng đôla để nhập những vật tư, thiết bị cần thiết cho nền kinh tế quốc dân, phục vụ đời sống nhân dân, đi chữa bệnh mà không nắm chắc kết quả lại tiêu phí tiền bạc của dân là có tội với dân và còn hàm ơn nước bạn. Vậy thì đi làm gì”.

Vì lý do ấy, ông đã chấp nhận sống với đôi mắt của mình cho đến tận những giây phút cuối cùng của cuộc đời, chỉ duy trì việc uống thuốc và tự rèn luyện thị giác cho đôi mắt. Có một nhà thơ nổi tiếng nước ngoài đã tặng một tập thơ cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng với lời đề tặng:

“Tặng ngài Phạm Văn Đồng – người đã dạy tôi lòng dũng cảm và sự cao cả theo hình ảnh của dân tộc người; với lòng kính trọng và lòng yêu mến không bao giờ phai nhạt của tôi!”.

Không chỉ với nhân dân Việt Nam, mà với nhiều bạn bè quốc tế, Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng luôn có được sự yêu mến và kính trọng tuyệt đối.

(Kỳ II: Chuyện về cuộc đời Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng )

  • Hương Thảo Nguyên
TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn