Khế là cây ăn quả gắn liền với người dân Việt Nam qua hình ảnh “quê hương là chùm khế ngọt”. Trong phong thuỷ, có cây khế trong nhà sẽ được xem là phú quý đại cát đại lợi. Vậy nên trồng khế chua hay khế ngọt để rước tiền tài, lộc lá vào nhà?
Nên trồng khế chua hay ngọt để rước tiền tài vào nhà?
Theo phong thủy, không phân biệt là cây khế chua hay ngọt mới mang tài vận. Thế nên, tùy theo ý thích, bạn có thể chọn cây chua hay ngọt mà trồng. Khế chua thường được dùng để chế biến các món ăn như nấu canh, làm món khế rang tép, khế xào lòng hoặc mứt khế đều rất ngon. Trong khi đó, khế ngọt thì để ăn trực tiếp. Nếu bạn thích "vận theo chữ", bạn nên chọn khế ngọt để thể hiện sự ngọt ngào đầm ấm trong gia đình.
Nên trồng khế ở vị trí nào thì tốt?
Nếu ở nhà đất rộng, bạn có thể trồng cây khế to xuống đất vườn. Nếu cây quá to thì không trồng trước cửa vào nhà vì cây to sẽ làm cản trở tầm nhìn, ngăn luồng khí chắn tài chắn lộc. Cây to cũng sẽ khiến chắn bóng làm mất ánh sáng, lối đi không thoáng. Do đó nếu bạn muốn trồng một cây khế to thì nên trồng ở sau nhà hoặc vườn bên cạnh nhà.
Còn trong trường hợp bạn trồng khế trong chậu với kích thước vừa phải thì cây sẽ không phát triển tán rộng thì hoàn toàn có thể trồng ở trước nhà như những cây cảnh khác. Cây khế là loại cây ưa ánh sáng nên trồng chỗ nào có ánh sáng thì sẽ sai hoa và nhiều quả hơn.
Tác dụng của cây khế với sức khỏe con người
Không chỉ mang ý nghĩa nhân văn, cây khế còn mang đến rất nhiều lợi ích thiết thực cho sức khỏe con người. Các bộ phận của cây khế từ quả, thân hay lá đều có tác dụng điều trị bệnh cũng và giúp bồi bổ sức khỏe.Lá khế dùng để trị mụn, rửa mặt và tắm gội rất tốt. Đặc biệt, khi nhà có người mẩn ngứa dị ứng, trẻ nhỏ phát ban thì tắm với nước đun từ lá khế giúp sạch da và trị mẩn ngứa, mề đay. Ngoài ra, lá khế mang tính bình, vị chua và không quá chát thường được sử dụng như thuốc lợi tiểu, tiêu viêm. Theo Đông Y, lá khế chính là một dược liệu giúp thanh nhiệt và điều trị các căn bệnh nhẹ như dị ứng, ho, tiểu buốt hay cảm nắng,viêm âm đạo, viêm tiết niệu ….
Quả khế cũng là trái cây giàu dinh dưỡng rất tốt cho cả nam và nữ. Khế giàu vitamin C và pycopen giúp duy trì một làn da khoẻ mạnh, giảm nguy cơ bệnh tiền liệt tuyến, giúp giảm cân. Quả khế còn giúp thanh nhiệt, giải khát và lợi tiểu hiệu quả. Nếu uống nước ép khế hoặc ăn khế sẽ giúp việc tăng cường đề kháng, giảm các triệu chứng của những căn bệnh thông thường như sổ mũi, ho, đau họng.
Trong khi đó, hoa khế có tính bình mang vị chua chua, chát chát phát huy được công hiệu trong việc trừ ho, nhuận phế, bổ thận. Đây còn là một nguyên liệu thường dùng trong các bài thuốc chữa sốt rét, ho đờm, ho khan, thận hư, ….
Thân và rễ của cây khế cũng có tác dụng chữa bệnh. Hai bộ phận này có vị hơi ngọt, có tính bình và thường được bác sĩ kê cho những thang thuốc ho, đờm, trị đau khớp và đau đầu, viêm dạ dày, … Ngoài ra, thân và rễ cây khế cũng có tác dụng thanh nhiệt rất tốt.