Cô giáo vùng cao đẩy cả nhà vào bi kịch ma túy

13:49, Thứ ba 08/05/2012

( PHUNUTODAY ) - Người ta đi buôn ma túy để có tiền mua nhà tậu xe, mua bảo hiểm mệnh giá lớn cho con còn chị đi buôn ma túy chỉ để lấy lời lãi cho chồng sử dụng.

Đang lúc đầu óc rối mù vì mấy năm trời chạy theo chồng tới các bệnh viện chữa căn bệnh thần kinh không đỡ, nghe người đời mách dùng thuốc phiện là chữa khỏi, Thanh nhắm mắt nghe theo. Bệnh của chồng có thuyên giảm nhưng Thanh lại lún sâu vào con đường phạm pháp. Năm 1999, Thanh bị bắt vì liên quan đến một đường dây ma túy, còn người chồng vì đói “cơm đen” đã chết sau khi lên cơn tâm thần, bỏ hai đứa con đang tuổi ăn học cho dòng đời xô đẩy.
[links()]
Oái oăm thay khi vào trại giam cải tạo, Thanh lại được phân công làm giáo viên xóa mù chữ cho phạm nhân, cái nghề cao quý mà cô từng thấy mình không xứng đáng.

Chưa cần ai nhắc đến con cái, mỗi khi cần viên phấn viết lên bảng, người đàn bà có đôi mắt tròn to nhưng u buồn lại lóng lánh nước.

Đã gần chục năm ở chốn lao tù, mỗi khi được dịp dạy chữ cho các “đồng nghiệp” là những phạm nhân mù chữ hay tái mù chữ, những giọt nước mắt thường ngày vẫn ẩn kín nơi tâm tưởng, chỉ thi thoảng xuất hiện trong giấc ngủ chập chờn, lại thi nhau kéo về đầy trong đôi mắt chị.

Những giọt nước mắt thương con, thương phận của chị còn xen lẫn cả nỗi đau về nghề nghiệp, cái nghề đứng trên bục giảng vinh quang truyền từ đời cha mẹ cho, giờ trở thành vết nhơ khó xóa. Người đàn bà có cuộc sống đầy bi kịch ấy là Nông Thị Thanh, quê ở Lạng Sơn, phạm nhân đang cải tạo ở trại giam Thanh Phong.

Thanh vào trại với mức án 20 năm tù về tội mua bán ma túy. Con gái xứ Lạng thường đẹp và tháo vát. Thanh cũng nằm trong số ấy. Cô sinh ra trong một gia đình gia giáo, bố mẹ là giáo viên nên tuổi thơ của Thanh thật êm đềm, suôn sẻ.

Phạm nhân Thanh trong một giờ dạy xóa mù chữ ở trại giam Thanh Phong
Phạm nhân Thanh trong một giờ dạy xóa mù chữ ở trại giam Thanh Phong

Hết cấp ba, cô thi đại học rồi trở về làm giáo viên giảng dạy tại Trường THCS Hoàng Văn Thụ, huyện Văn Lãng. Mảnh mai, trắng trẻo lại sở hữu đôi mắt biết nói, ai cũng bảo Thanh đẹp nhưng bố cô thì lại âm thầm buồn vì cho rằng vẻ đẹp của con gái trông cứ lành lạnh chứ không ấm áp.

Chẳng biết có phải vì ông cụ nhìn thấy cái nghiệp chướng rồi sẽ đến với con gái hay vì số phận cô ắt đến lúc phải thế mà ngay từ thời còn con gái, đẹp rực rỡ vậy mà có rất nhiều người đến với chị, ngắm dung nhan chị rồi lặng lẽ chia tay không một lời giải thích.

Thậm chí có người mặc dù rất tha thiết với Thanh nhưng khi đưa chị về giới thiệu với gia đình đã bị ngăn cản kịch liệt. Không vượt qua được định kiến của bố mẹ, người này đành ngậm ngùi nói lời xin lỗi để xây dựng gia đình với một người phụ nữ kém nhan sắc hơn.

Thanh cũng buồn nhưng nỗi buồn của người con gái đang mơn mởn, đầy ắp cơ hội ấy làm gì có thời gian đủ ngấm bởi những cuộc đi chơi, dã ngoại của đám thanh niên cùng trang lứa trong vùng đã cuốn Thanh đi, không cho cô có dịp chiêm nghiệm, suy xét.

Tuổi trẻ nông nổi và cạn nghĩ, cô cứ vô tư kéo tuổi xuân của mình trượt đi trong những cuộc đi chơi, tụ tập, đến khi ngoảnh lại mới thấy vuột mất nhiều cơ hội.

Bạn bè thưa dần vì bận bịu chồng con, Thanh bắt đầu chột dạ và rồi cô cũng kiếm được một tấm chồng tuy không được ưng ý lắm vì con nhà nghèo tuy nhiên, với một cô giáo miền núi như Thanh, ở cái tuổi ngoài 30 mà kiếm được anh chồng hiền lành, biết yêu thương vợ như thế là quá toại nguyện rồi.

Vén sợi tóc đã ngả màu thời gian nhét vào sau tai, Thanh cười méo mó bảo tại số phận mình chẳng ra gì, đáng nhẽ chỉ nên sống một mình lại cố lập gia đình làm khổ chồng khổ con. Chị bảo ngày còn con gái, đã có lần bố chị đùa bảo con gái bố đẹp như bông hoa rừng nhưng lấy chồng thì khổ lắm, cố mà ở vậy.

Lúc đó chị đã cười mỉa, thâm tâm cứ nghĩ bố mình lẩm cẩm, lạc hậu. Hồng nhan giờ đáng giá bạc triệu, chả ai đẹp mà khổ cả, nhất là chị lại có công ăn việc làm ổn định, con nhà gia giáo. Ai dè ông cụ nói đúng.

Chồng làm nghề sữa chữa điện tử, tuy không giàu nhưng cũng có đồng ra đồng vào giúp vợ. Được cái Thanh khá tần tảo, tháo vát, biết vun vén nên cuộc sống của hai người dần cũng có của ăn của để.

Những ngày cuối tuần, họ lại đèo nhau về thành phố thăm bố mẹ vợ, không thì lại đưa nhau vào các bản xa, thăm thú, dã ngoại. Thanh bảo ngày ấy những buổi lên lớp thật là thú vị bởi chị có rất nhiều chuyện, nhiều cái nhìn thấy, nghe thấy khi đi dã ngoại để lấy làm ví dụ giải thích cho học sinh.

Những giờ dạy văn trở thành diễn đàn để Thanh cung cấp thêm kiến thức thực tiễn cho học sinh. Chị say sưa dạy học để rồi háo hức chờ đến ngày cuối tuần, chuẩn bị cho những cuộc kiếm tìm mới. Suốt cả cuộc đời Thanh, có lẽ những ngày đó là êm đềm và hạnh phúc nhất.

Rồi những ngày cuối tuần không còn thời gian để cùng chồng đi du ngoạn nữa khi trong mái nhà nhỏ của họ lần lượt chào đời hai đứa con trai khỏe mạnh. Bận bịu nhưng Thanh vui lắm bởi từ ngày có con, thay vì được vợ chồng Thanh về thăm thì giờ tới lượt bố mẹ chị lại vào với cháu.

Cứ cuối tuần, bố mẹ Thanh lại vào giúp con gái chăm hai đứa cháu nhỏ, lần nào cũng mua thức ăn giúp chị đủ cho một tuần. Có bố mẹ đỡ đần, Thanh vẫn có thời gian chuyên tâm hơn vào việc dạy học và chồng chị công việc không vì thế mà xáo trộn.

Thế nhưng cuộc đời vẫn là cuộc đời, thường có những điều bất thường xảy ra, nhiều khi đến phi lý, vậy mà vẫn cứ đến.

Đang lúc vợ chồng Thanh say sưa tận hưởng sự ngọt ngào mà thượng đế ban phát thì tai họa bỗng nhiên ập tới. Một buổi sáng ngủ dậy, chồng chị kêu đau đầu và suốt ngày hôm đó ôm đầu vật vã, uống thuốc giảm đau cũng không đỡ.

Vậy là đi bệnh viện khám, chiếu chụp mà vẫn chưa xác định được nguyên nhân. Chạy khắp các bệnh viện kiểm tra nhưng cuối cùng sau một thời gian uống thuốc điều trị, anh phát ra nhiều thứ bệnh hơn, song còn nước còn tát.

Của cải trong nhà có bao nhiêu cô đem bán tống bán tháo để chữa bệnh cho chồng nhưng càng chữa bệnh càng nặng. Lòng người vợ trẻ bồn chồn không yên khi thấy chồng đêm ngày rên rỉ nên nghe ai mách ở đâu có thầy giỏi, thuốc hay, chị đều tìm tới.

Rồi chả biết nghe người ta xui khôn dại thế nào, Thanh mua một ít thuốc phiện về cho chồng uống thử, không ngờ cả đêm hôm đó anh ngủ ngon lành. Nước da tái ngắt đen sạm vì bao ngày không ăn ngủ được của anh bắt đầu hồng lên, chị khấp khởi mừng thầm nên cứ âm thầm duy trì mua thuốc phiện cho chồng dùng để chữa bệnh.

Điều mà chị không ngờ tới là khi bệnh tình thuyên giảm thì cũng là lúc chồng không thể sống thiếu thứ nhựa đen đen có mùi thơm quyến rũ ấy. Những lần không kịp mua hoặc chưa có tiền để mua, anh lại ôm đầu lăn lóc, miệng sùi bọt như sắp chết khiến chị không còn tâm trí để dạy học.

Nhà ở gần trường, chỉ cần nghe ai nói là chồng đang ngồi cửa ôm đầu kêu khóc là chị chạy vù ra khỏi lớp, bỏ lại sau lưng tất cả sự nhiệt huyết, niềm đam mê và những học trò mà trước đó chị luôn khao khát truyền đạt cho hết kiến thức mà mình có.

Chồng bệnh, nguồn thu nhập giảm đi đã đành, giờ lại phải có một khoản tiền lớn để mua thuốc phiện cho chồng sử dụng khiến Thanh trở thành “chúa Chổm” của rất nhiều người. Như mũi tên vuột khỏi dây cung, Thanh trở thành kẻ cùng hội cùng thuyền với bọn buôn bán ma túy lúc nào không biết.

Người ta đi buôn ma túy để có tiền mua nhà tậu xe, mua bảo hiểm mệnh giá lớn cho con còn chị đi buôn ma túy chỉ để lấy lời lãi cho chồng sử dụng.

Năm 1999, giữa lúc hai con trai đang tuổi ăn học thì Thanh bị bắt. Ngày ra tòa nhận cái án 20 năm tù, Thanh suy sụp khi nhận được tin người chồng vì không được vợ chu cấp “cơm đen” đã chết sau một cơn tâm thần.

Kể từ khi Thanh bị bắt, bố mẹ chị vì mặc cảm và xấu hổ đã bỏ nhà đi biệt tích, giờ chồng chết, hai đứa con không biết nương tựa vào đâu. Thanh ngất đi khi nghĩ đến hai con, chị bảo vào trại, mỗi khi gặp phạm nhân nào bằng tuổi con mình, chị lại không cầm được nước mắt.

Bố chết, mẹ vào trại 5 cải tạo, cậu con trai lớn của Thanh phải nghỉ học để đi làm nuôi em. Hàng ngày cậu ra chợ Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn, ai thuê gì làm nấy, miễn là có tiền để hai anh em đắp đổi qua ngày.

“Ơn trời, chúng biết thương mẹ và nghe lời nên em cũng đỡ tủi”, Thanh khẽ cười, khuôn mặt bừng sáng. Sau nhiều năm lăn lộn, con trai lớn của cô đã kiếm được một chỗ bán hàng ở chợ còn thằng bé đang học Đại học Nông lâm Thái Nguyên, năm tới là ra trường.

Thanh bảo cứ nghĩ tới những ngày đầu mới vào trại, bưng bát cơm lên ăn là nước mắt lại trào ra vì không biết giờ này hai đứa trẻ xoay xở ra sao. Chị chưa hình dung nổi hai đứa con mình sẽ làm gì để kiếm cái ăn trước tai ương dồn dập đổ xuống.

Đêm đêm, trong giấc ngủ chập chờn, Thanh mơ về ngày xưa, ngày còn con gái đầy mơ mộng với những giờ đứng lớp mệt nhoài với đám học sinh nhưng ăm ắp niềm vui. Rồi chị bắt đầu khóc khi choàng tỉnh và cứ thế nằm mong trời mau sáng.

“Không có điều kiện thường xuyên lên thăm mẹ nhưng anh em chúng chăm viết thư động viên tôi lắm. Làm gì chúng nó cũng hỏi ý kiến, thậm chí chuyện yêu đương cũng nhờ mẹ tư vấn. Thằng lớn bảo đã có người yêu, cùng buôn bán ở chợ Đông Kinh, hứa cố gắng làm ăn, vài năm nữa đợi mẹ về tổ chức đám cưới” - Thanh tâm sự.

Do có trình độ sư phạm, sau khi vào trại 5 cải tạo, Thanh được thu xếp làm giáo viên dạy xóa mù chữ cho các phạm nhân, hết khóa học lại về phân trại làm may. Được trở lại đúng nghề của mình, Thanh rất vui, bao nhiêu tâm huyết, chị dồn hết vào việc dạy chữ cho “đồng nghiệp” nhưng mỗi khi đứng trên bục giảng, nghe các “học trò” tóc đã hoa râm, ê a đọc bài, chị lại nước mắt lưng tròng.

Năm 2008, được điều chuyển sang trại giam Thanh Phong, cải tạo, Thanh vẫn được đứng lớp, dạy học. Thanh bảo:

“Ước mơ lớn nhất đời em lúc này là được tha tù đúng dịp con trai chuẩn bị cưới vợ. Em có lỗi với các con nhiều quá nên ngày vui nhất đời của con, không muốn chúng phải tủi”. Mong sao mong ước của cô giáo lạc lối này được toại nguyện dù rằng còn hơn 4 năm nữa cô mới mãn hạn tù.

  • Sơn Hà
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc