Ai trong chúng ta cũng có lúc rơi vào trạng thái rối bời phân vân không biết làm sao. Ai cũng có lúc muốn tìm ai đó để than thở. Có người vừa nghe ai đó than thở kể lể đã vội đưa lời khuyên, đưa giải pháp dựa trên kinh nghiệm của mình. Xuất phát từ lòng tốt nhưng điều đó có thể mang lại kết quả không tốt. Đừng khuyên ai khi họ chưa bình tĩnh.
Hãy phân tích chứ đừng đưa giải pháp
Mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau, nhận thức khác nhau, xuất phát điểm và các yếu tố điều kiện khác nhau khả năng chịu đựng khác nhau nên mỗi người sẽ có một giải pháp phù hợp dù hoàn cảnh tương tự. Do đó cùng một vấn đề nhưng có người sẽ chọn giải pháp này người chọn giải pháp kia. Người ta nói ở mỗi thời điểm lựa chọn đó là tốt nhất với người đó. Nên nếu bạn vội khuyên người ta làm này làm kia sẽ không phù hợp. Bởi bạn khác người ta.
Do đó cách tốt nhất là chỉ nên phân tích sự việc còn lại "kết bài" ra sao phải do mỗi người tự lựa chọn cho phù hợp với bản thân họ.
Thế nên cao nhân thường không nói rõ ý mà nói để gợi mở. Bởi mỗi người khi tự nhận thức sâu sắc vấn đề mới có hành động tốt, mới hành động từ nội lực của họ. Không ai chỉ cho ai được con đường rõ ràng, họ phải tự đi mới cảm nhận được hết.
Tùy theo từng cá nhân có sự chịu đựng, tính đáp ứng khác nhau, giải quyết khác nhau, phẩm chất khác nhau nên cùng một tình huống nhưng cách giải quyết đó có thể tốt cho người này mà lại không tối ưu cho người kia, thậm chí còn gây hại. Con người chỉ thực sự mạnh mẽ lên khi tự chịu được trách nhiệm với quyết định của mình thế nên mọi quyết định trong đời nên phải là tự mình quyết. Bởi thế tuyệt đối tránh khuyên ai đó bằng cách chỉ rõ con đường cụ thể. Hãy phân tích các tình huống gợi mở cho họ tự tư duy và lựa chọn giải pháp. Họ phải tự chịu trách nhiệm, tự đưa ra giải pháp mới trưởng thành, mới tốt nhất.
Bạn khuyên có thể giải pháp hợp với bạn nhưng không hợp với người nên khi không như ý có thể họ quay trách ngược lại bạn. Thậm chí một số người vì lời khuyên mà thành thúc ép người khác hành động theo ý mình nên lại thành sai trái.
Lặng lẽ kiên nhẫn lắng nghe tốt hơn đưa giải pháp
Một người tìm tới đê tâm sự đôi khi chỉ để nói ra được, được nói ra, được nói mà không sợ bị lộ bí mật, không sợ bị soi xét.
Thế nên lặng yên lắng nghe không phán xét, cảm thông thấu hiểu là tốt rồi. Đừng nhanh nhảu đưa giải pháp làm gì. Để họ được nói xong, nói xong tự khắc thoải mái rồi họ nhận ra cách của họ, việc của họ.
Đôi khi họ chỉ muốn nói chứ chưa chẳn để đi tìm lời khuyên nên làm gì. Thế nên kiên nhẫn lắng nghe, cho họ được nói và đừng mang chuyện của họ đi "buôn bán" lại để tăng thị phi cho họ đã là bạn tốt rồi.
Im lặng lắng nghe cũng là một dạng nhẫn nại và là một mỹ đức. Không phải ai cũng muốn "chứa đựng" những câu chuyện buồn của người khác, những muộn phiền rắc rối của người khác.
Vì thế bạn có thể ngồi nghe họ, cho họ nói, họ cảm thấy an toàn khi nói, họ không sợ nói ra với bạn rồi bạn đi kể cho cả thiên hạ nghe đã là một cách an ủi vỗ về, xoa dịu tổn thương trong họ.