Lợi ích của dứa làm liền và lành vết rạch tầng sinh môn
Có lẽ bạn đã biết dứa là một trong các thực phẩm không nên dùng đối với bà bầu trong 3 tháng đầu thai kỳ. Sở dĩ như vậy là vì dứa có thể kích thích tử cung co bóp, tăng nguy cơ sẩy thai, sinh non. Thế nhưng lợi ích tuyệt vời của dứa trong phục hồi sức khỏe sau sinh là điều không thể phủ nhận. Đặc biệt, với những ai vừa trải qua phẫu thuật cắt tầng sinh môn thì phải nên ăn dứa.
Dứa có tên khoa học là Ananas comosus, đây là một trong loại quả đem lại rất nhiều lợi ích trong chữa trị bệnh. Trong dứa có một loại enzyme có tên bromelain được biết đến có tác dụng như một loại thảo dược. Hơn nữa, nhiều nghiên cứu đã cho rằng dứa có tác dụng giảm viêm sau phẫu thuật hoặc chấn thương.
Một nghiên cứu gần đây được công bố trên tạp chí Y tế Iranian Red Crescent Medical Journalcủa Iran vào năm 2016 đã có nhiều khám phá về ảnh hưởng của quả dứa đối với người phụ nữ đã trải qua thủ thuật cắt tầng sinh môn.
Theo nghiên cứu này, 83 người mẹ lần đầu sinh đẻ có rạch tầng sinh môn được cho uống viên nang bromelain. Trong 83 phụ nữ này đều được cho uống 3 viên mỗi lần và 3 lần trong ngày và uống liên tục trong 6 ngày. Sau 14 ngày theo dõi, những phụ nữ sau sinh có uống viên nang bromelain ít phàn nàn hơn về những cơn đau và thời gian phục hồi vết thương cũng nhanh hơn so với nhưng ai không uống viên nang bromelain. Kết quả này cho thấy đặc tính của loại chất được sản xuất từ dứa có tác dụng phục hồi sức khỏe cho những bà mẹ bị rạch tầng sinh môn.
Tuy nhiên, trước khi sử dụng viên nang bromelain cho việc điều trị vết thương sau khi trải qua phẫu thuật cắt tầng sinh môn, mẹ vẫn rất cần tham khảo ý kiến của các chuyên gia. Tuyệt đối mẹ không nên tự ý dùng khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
Tuy nhiên, thay vì dùng viên nang bromelain, ăn dứa sau sinh cũng đem lại những lợi ích tương tự bởi vì bromelain là một loại enzym phân giải protein được chiết xuất từ nước của quả dứa.
Chăm sóc sản phụ sau sinh
Đối với vệ sinh thân thể, cần vệ sinh vùng âm hộ ít nhất là 3 lần/ngày vào sáng, chiều và tối trước khi đi ngủ. Nếu sản dịch ra nhiều, sản phụ nên vệ sinh nhiều lần hơn. Cần thay băng, giấy vệ sinh, khăn, nước rửa cũng phải sạch sẽ, tốt nhất nên dùng nước đun sôi để nguội hoặc nước ấm. Có thể dùng dung dịch vệ sinh sát khuẩn pha loãng để rửa. Sau khi rửa xong thì dùng khăn thấm cho khô…
Trong quá trình sinh nở, cơ thể sản phụ tiết ra nhiều mồ hôi, nên cần phải tắm gội cho sạch sẽ. Nhất là vào mùa hè trời nóng, mồ hôi ra nhiều, để lâu không tắm, cơ thể càng bẩn, càng dễ nhiễm khuẩn gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé. Tuy nhiên, sau khi sinh khoảng 2-3 ngày có thể tắm toàn thân nhưng cần tắm nhanh từ 5-10 phút, không nên tắm trong bồn hay trong chậu (đặc biệt là không nên ngâm mình trong nước).
Phòng tắm phải kín gió và nên tắm bằng nước ấm dù ngoài trời nóng hay lạnh. Tắm xong phải lau khô người thật nhanh và mặc quần áo kín cổ, tay chân. Với các sản phụ đẻ mổ hay cắt tầng sinh môn, nên thận trọng với vết thương để tránh bung tuột mối chỉ.