Còn oan sai khi luật sư phải “đòi” mới “được” tranh tụng?

13:59, Chủ nhật 17/11/2013

( PHUNUTODAY ) - Mô hình tố tụng hình sự tranh tụng được xem là một trong các mô hình tố tụng hình sự phổ biến hiện nay trên thế giới. Theo đó, công tố viên và LS có quyền điều tra, thu thập chứng cứ như nhau.


Khi xét xử, chứng cứ của họ đều được đưa ra để thẩm tra trước tòa, đều có quyền lựa chọn nhân chứng để thẩm tra… và phán quyết của HĐXX sẽ dựa trên kết quả tranh tụng.

Quan điểm của LS không được “quan tâm”!

Vụ “án oan” của ông Nguyễn Thanh Chấn ở tỉnh Bắc Giang sau 10 năm, nhờ sự ra đầu thú của Lý Nguyễn Chung. Nhưng cách đây cả chục năm, đã có người khẳng định tại tòa rằng ông Chấn không phạm tội, đó là nguyên LS Nguyễn Đức Biền, người bào chữa theo chỉ định cho ông Chấn.

Bản bào chữa của LS Biền đã nêu rõ 5 bất hợp lý trong cáo trạng, trong đó đã đề nghị HĐXX cho giám định dấu vết vân tay, dấu chân ở hiện trường, chứng minh khoảng thời gian 15 phút bị xem là “bất minh” của ông Chấn… nhưng không được HĐXX chấp thuận.

Vậy, đâu phải là không ai nhìn ra sự “chông chênh” trong cáo buộc của VKS, chỉ có điều quan điểm của LS chưa được xem xét thấu đáo mà thôi. “Giá mà” đại diện VKS tranh luận đến cùng với LS, giá mà HĐXX chấp nhận làm rõ những kiến nghị của LS về quan điểm buộc tội của VKS, thì rất có thể, ông Chấn đã không mất 10 năm oan ức trong tù, Nhà nước cũng không phải bồi thường oan sai và nền tố tụng cũng bớt đi một “bài học” không đáng có.

“Quan điểm của LS trong vụ ông Chấn bị “bỏ qua” cũng là chuyện hết sức “thường tình” trong hoạt động tố tụng. Hiện nay, cải cách tư pháp được đẩy mạnh, hoạt động của LS chuyên nghiệp hơn, tranh tụng tại phiên tòa cũng sôi động hơn, nhưng để nói rằng “phán quyết của tòa dựa trên kết quả tranh tụng” thì chưa hẳn đúng”, một LS bình luận.

Gần như, trước những quan điểm “trái chiều gay gắt” của LS, đại diện VKS tại tòa chỉ cần nhỏ nhẹ cho biết “giữ nguyên cáo trạng, không cần tranh luận gì thêm” là HĐXX đồng tình và ghi vào bản án “xét quan điểm của LS không có cơ sở chấp nhận”, mặc cho các LS ấm ức tại tòa vì không được tranh luận đúng nghĩa và công sức nghiên cứu hồ sơ của mình bị gạt ra bên lề một cách không thương tiếc.

Không riêng vụ án của ông Chấn, mà rất nhiều vụ khác, quan điểm của LS cũng được chốt lại bởi 1 câu LS nào cũng “thuộc và ghét” là “không có cơ sở chấp nhận”, còn vì sao không có cơ sở thì Tòa không nói, mà LS và thân chủ “tự hiểu”.

Mô tả ảnh.

Trong nhiều phiên tòa, LS phải đề nghị VKS tranh luận.  Ảnh minh họa

Khi LS phải “đòi” mới được tranh luận…

Hoạt động tố tụng của Việt Nam hiện nay kết hợp giữa tố tụng hình sự tranh tụng và thẩm vấn, việc phối hợp này phát huy được các ưu điểm của cả hai mô hình chỉ nghiêng về hoặc tranh tụng, hoặc nghiêng về thẩm vấn. Tuy nhiên, để có “tranh tụng đúng nghĩa” thì các qui định pháp luật phải tạo ra hành lang pháp lý “bình đẳng” cho hoạt động của bên buộc tội và bên gỡ tội. Khi góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, nhiều chuyên gia pháp lý đã đề nghị bổ sung qui định “Nguyên tắc tranh tụng được bảo đảm. Phán quyết của Tòa án phải căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa” để tạo nên sự thay đổi thật sự trong hoạt động tố tụng.

Muốn vậy, LS phải được tham gia tố tụng ngay từ đầu, được tiếp cận với toàn bộ hồ sơ vụ án, được tham gia vào các hoạt động thực nghiệm hiện trường, thu thập chứng cứ… chứ không chỉ gỡ tội trên cơ sở của “hồ sơ buộc tội” như hiện nay do việc thu thập chứng cứ - yếu tố quan trọng nhất liên quan đến việc định tội hoàn toàn do các cơ quan tố tụng thực hiện. Việc thu thập chứng cứ do cơ quan tố tụng thực hiện cũng dẫn đến thực trạng là hồ sơ vụ án thường có xu hướng thiên về chứng cứ buộc tội nhiều hơn, dẫn đến quyền suy đoán vô tội của bị cáo khó được tôn trọng một cách thực sự.

Tranh luận là việc xem xét, đánh giá chứng cứ, đưa ra luận cứ để buộc tội hoặc chứng minh vô tội nên về nguyên tắc, tranh luận phải đến cùng của sự thật. Thế nhưng, trên thực tế, việc đối đáp của đại diện VKS với LS trong nhiều phiên tòa chỉ mang tính hình thức. LS Lê Minh Tâm, Phó Chủ tịch Liên đoàn LS Việt Nam từng cho biết, có vụ án nọ, ông dày công nghiên cứu và trình bày một bài bào chữa gần 30 trang với quan điểm rất rõ ràng để tranh luận, nhưng vị đại diện VKS chỉ có bản luận tội vẻn vẹn 3 trang, dẫn đến LS nói 10, đại diện VKS chỉ đối đáp 2, 3, tranh luận cho có, khiến chủ tọa phiên tòa phải yêu cầu đại diện VKS "tranh luận thẳng thắn với LS".

Trong nhiều phiên tòa, các LS khi trình bày quan điểm bào chữa luôn nhắc đi nhắc lại “đề nghị đại diện VKS tranh luận với tôi về vấn đề này”, để khỏi bị VKS “quên”, trong khi đúng ra, tất cả quan điểm của LS đưa ra phải được đại diện VKS đối đáp để chứng minh mình buộc tội bị cáo có cơ sở, và tranh tụng đến cùng là trách nhiệm đương nhiên của kiểm sát viên, không cần LS phải đòi và HĐXX phải nhắc. Trên cơ sở tranh tụng, nếu đại diện VKS không bác bỏ được quan điểm của LS chứng minh bị cáo vô tội, thì bản án sẽ được Tòa tuyên theo nguyên tắc có lợi cho bị cáo là suy đoán vô tội.

Cần có chế tài!

Do đó, theo nhiều LS, để tránh quan điểm của LS không được xem xét thấu đáo, dẫn đến những oan sai đáng tiếc như vụ ông Chấn, cần có chế tài cụ thể đối với kiểm sát viên ra tòa không chịu tranh luận, vì nếu để “tự giác” như hiện nay thì dù chủ tọa có yêu cầu nhưng nếu kiểm sát viên lắc đầu “bảo lưu quan điểm” thì tòa cũng bó tay.

Đồng thời, Tòa án cần làm đúng vai trò trọng tài của mình, đánh giá khách quan chứng cứ, quan điểm buộc tội và gỡ tội của hai bên, chứ không tham gia xét hỏi nhiều. Nhiều LS cho rằng, không chỉ “100% KSV ra Tòa khi tranh luận trình bày “giữ nguyên cáo trạng, bác bỏ ý kiến LS, vì VKS đã truy tố “đúng người, đúng tội, đúng pháp luật”, mà HĐXX cũng khá thờ ơ với quan điểm họ đưa ra. Điều đó không chỉ thể hiện bằng “thái độ” lắng nghe của HĐXX tại tòa, mà còn thể hiện qua sự ghi nhận trong biên bản phiên tòa và bản án.

Thế nhưng, nhiều biên bản phiên tòa “quên” ghi quan điểm của LS, hoặc ghi không đầy đủ, thậm chí là quan điểm “gay gắt” nhưng lại được thể hiện một cách “nhẹ nhàng”, chung chung. Trong khi đó, đúng ra biên bản phiên tòa phải ghi nhận đầy đủ quá trình xét xử để làm cơ sở hình thành phán quyết của HĐXX và làm căn cứ cho Tòa án cấp phúc thẩm hoặc giám đốc thẩm, tái thẩm xem xét có vi phạm về thủ tục tố tụng hay không. Còn bản án – thể hiện phán quyết của Tòa trong không ít trường hợp cũng thường chỉ “chốt” lại 1 câu quen thuộc “xét quan điểm của luật sư không có cơ sở chấp nhận”, mà không hề nêu rõ vì sao không có cơ sở?

Do đó, để đảm bảo khách quan, nhiều LS cho rằng, sau khi kết thúc phiên tòa, họ phải được ký vào biên bản phiên tòa, để xác nhận rằng quan điểm bào chữa, hoặc bảo vệ cho thân chủ của họ đã được thể hiện đầy đủ, chính xác. Đồng thời, khi tuyên bác quan điểm của LS, chấp nhận cáo trạng buộc tội, trong bản án Tòa buộc phải giải thích vì sao. Có như vậy, quyền được bào chữa mới thực sự được bảo đảm, tránh  những oan sai đáng tiếc xảy ra.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: Mai Mai