Công chức Việt học nụ cười của bác sĩ, CSGT

06:31, Thứ ba 02/07/2013

( PHUNUTODAY ) - Bất kỳ một vị công chức nào cũng thừa hiểu họ chính là những người trực tiếp đưa các chủ trương, chính sách đến với người dân nên cần phải có thái độ phục vụ tốt. Nhưng hiểu với thực hành là hai chuyện hoàn toàn khác nhau.

Việc ra đời của cơ chế "một cửa" thời gian qua được xem như là một bước chuyển đổi tư duy quan trọng, có tính đột phá và bước đầu mang lại nhiều hiệu quả thiết thực đặc biệt là việc giải quyết các giấy tờ cũng mất ít thời gian hơn.



Thậm chí có rất nhiều đánh giá cho rằng so với trước đây, những khó chịu của người dân về thái độ cửa quyền, hách dịch của công chức cũng có xu hướng giảm. Điều này cũng hoàn toàn hợp lý bởi nhờ cơ chế "một cửa" mà thay vì phải khúm núm, nhẹ nhàng với nhiều cửa, nhiều người, người dân được tạo điều kiện thực hành điều đó chỉ với một người. Quả thật là đã nhẹ nhàng hơn rất nhiều.

Ấy vậy mà mỗi khi có công có việc, nhiều người vẫn rất rất ngại đến các cơ quan công quyền, hoặc trở về với thái độ bức xúc, khó chịu. Thế mới biết, đã khó chịu thì có mấy cửa cũng vẫn khó chịu.

Người dân đến xin giải quyết thủ tục hành chính (ảnh minh họa)
Người dân đến xin giải quyết thủ tục hành chính (ảnh minh họa)


Có lẽ bất kỳ một vị công chức nào cũng thừa hiểu họ chính là những người trực tiếp đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với người dân nên cần phải có tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân tốt, và đó là điều kiện tiên quyết để người dân có thể dễ dàng tiếp xúc, thực hiện các chính sách đã được ban hành. Tuy nhiên, hình như hiểu với thực hiện là hai chuyện hoàn toàn khác nhau.

Đọc bài viết "Công chức lộng ngôn hay dốt ngữ pháp?" được đăng tải trên Phunutoday cách đây không lâu, tôi cứ bị ám ảnh mãi câu chuyện về cụ già dũng cảm, đã dám đứng lên phản ánh thái độ hách dịch, không xem dân ra gì của công chức. Không chỉ dừng lại ở việc nói trống không, có những công chức còn sẵn sàng, quát mắng, chửi bới, cố tình làm khó, đòi tiền trắng trợn người dân.

Có lần đi làm Chứng minh nhân dân, tôi đã từng chứng kiến một cô cán bộ công chức chỉ khoảng hơn 20 tuổi chửi một cụ già 60-70 tuổi sang sảng do nhầm lẫn trong việc điền tờ khai theo mẫu.

Trong những trường hợp như vậy cách xử lý thông thường của người của người Việt là nín nhịn, cố gắng nhũn nhặn để việc của mình được giải quyết cho xong và cứ thế, các vị công chức thấy không ai lên tiếng, lại càng được đà mà lấn tới, không xem ai ra gì.

Nhiều người cho rằng những hành vi hách dịch, lộng ngôn của công chức chỉ là chuyện con sâu làm rầu nồi canh. Vấn đề là, trong một nồi canh lớn, nếu chỉ có 1, 2 con sâu chúng ta vẫn có thể vớt sâu ra và tiếp tục sử dụng nồi canh. Tuy nhiên, nếu con số đó lên đến hàng chục, hàng trăm con sâu thì mọi chuyện đã khác hoàn toàn.

Có lẽ chính vì nắm được thực trạng đó mà Hà Nội sẽ tiến hành giám sát, kiểm tra và thanh tra công vụ về nghĩa vụ, đạo đức, văn hóa giao tiếp của các cán bộ, công chức, viên chức. Theo đó, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội yêu cầu các cơ quan, đơn vị của Thành phố xử lý nghiêm những vi phạm về thời gian làm việc, đi muộn về sớm, làm việc riêng trong giờ hành chính. Các đơn vị thực hiện rà soát, điều chỉnh, bố trí cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với năng lực, sở trường của từng người. Thực hiện việc phân công công việc cụ thể, rõ ràng và theo dõi tiến độ, chất lượng, kết quả việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của bán cộ, công chức, viên chức, người lao động.

Khi thông tin này được đưa ra đã có rất nhiều người hy vọng hoạt động kiểm tra, giám sát văn hóa giao tiếp của công chức sẽ có tác dụng đẩy lùi nạn hách dịch, chèn ép người dân, để việc đến các cơ quan công quyền không còn khiến người ta phải chán chường, khó chịu. Tuy nhiên, cũng không ít người cho rằng việc kiểm tra này chẳng khác gì muối bỏ bể. Lúc có đoàn đến thì công chức nhẹ nhàng dịu dàng, đoàn đi chưa khỏi cửa người dân lại có thể bị quát mắng như thường.

Muốn biết mọi việc sẽ tiến triển theo chiều hướng tốt xấu ra sao chúng ta chỉ có cách chờ đợi bởi hoạt động gì triển khai cũng cần có thời gian để nghiệm thu kết quả mà. Tuy nhiên, bản thân tôi bỗng nhiên có suy nghĩ, muốn các hoạt động kiểm tra giám sát có hiệu quả, có lẽ Hà Nội cũng nên học ngành giao thông, y tế tổ chức các lớp đào tạo văn hóa giao tiếp, các lớp dạy cách cười, cách trao đổi với người dân.

Để công chức Hà Nội sau khi đã được trang bị đầy đủ kiến thức về văn hóa, giao tiếp rồi mà vẫn để xảy ra tình trạng hách dịch, lộng ngôn... thì phải nhận được những hình phạt thích đáng, không chỉ là phạt hành chính hay kiểm điểm, mà có thể lên đến sa thải. Khi các cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp mạnh tay như vậy biết đâu mới có thể giải quyết được tận gốc vấn đề.

  • Song Anh
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Tin nên đọc