Công trình “tủ lạnh” ngàn năm tuổi của người Ba Tư: Không cần điện vẫn bảo quản được thực phẩm

( PHUNUTODAY ) - Người Ba Tư thời cổ đại đã xây dựng một công trình bằng vữa nhằm lưu trữ thực phẩm và đá lạnh. Công trình được xây dựng trước cả khi con người phát minh ra điện.

Tìm hiểu kỹ về nền văn minh cổ đại, các nhà khoa học nhận thấy rằng họ không hề lạc hậu như suy nghĩ của nhiều người. Thậm chí, họ cực kỳ thông minh khi nghĩ ra công nghệ để sử dụng trong cuộc sống hàng ngày.

Chẳng hạn, người Inca không có hệ thống chữ viết, bù lại họ có quipu - một thiết bị đếm bằng dây và nút thắt, giúp theo dõi số lượng dân số và gia súc, thậm chí là ghi chép lại các câu chuyện dân gian của họ.

Về mặt kỹ thuật, các kỳ quan kiến trúc phức tạp của người cổ đại vẫn có mặt khắp nơi trên hầu hết lục địa, từ kim tự tháp của Ai Cập, thành phố ngầm như Derinkuyu ở vùng Cappadocia của Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngoài ra, còn có ví dụ tuyệt vời khác về một kỹ thuật thông minh của người xưa nằm ở Trung Đông - một trong những cái nôi của nền văn minh và văn hóa nhân loại. Ở nơi đây, vào khoảng thế kỷ 4 trước CN, người Ba Tư cổ đại đã nghĩ ra một thứ gọi là Yakhchāl.

Yakhchāl không được dùng để chôn cất hay làm nơi ở, mà nhằm thực hiện một chức năng quan trọng khác giữa mùa hè thiêu đốt. Với nhiệt độ quá cao và khí hậu khô cằn, người Ba Tư cổ đại cần nghĩ ra cách để giải nhiệt và dự trữ thực phẩm trong những tháng mùa hè.

Chính vì vậy, sự ra đời của Yakhchāls (nghĩa là "hố băng") đã giúp ích cho họ rất nhiều. Công trình này cung cấp cả không gian và điều kiện để bảo quản không chỉ nước đá mà còn nhiều loại thực phẩm dễ hư hỏng ở nhiệt độ cao.

Nhìn từ bên ngoài, cấu trúc của Yakhchāl như đâm xuyên bầu trời với hình dạng mái vòm. Ở bên trong, Yakhchāl thường tích hợp một hệ thống làm mát bay hơi, giúp giữ nước và các loại thực phẩm luôn mát lạnh, thậm chí có thể làm đông đồ khi lưu trữ trong phòng dưới lòng đất của ngôi nhà. Việc người Ba Tư cổ đại cố gắng lưu trữ nước đá lạnh giữa sa mạc nghe có vẻ khá xa vời, nhưng về bản chất, kỹ thuật họ sử dụng cũng không quá phức tạp.

Một Yakhchāl thông thường sẽ cao khoảng 18 mét với không gian rộng lớn bên trong cho việc lưu trữ, với thể tích lên tới 6.500 khối. Hệ thống làm mát bay hơi bên trong các ngôi nhà vận hành thông qua các thiết bị đón gió, với nước dẫn từ các con suối gần đó qua các qanāts - hệ thống kênh ngầm chung được thiết kế để dẫn nước qua nhiều khu vực khác nhau.

Hệ thống làm mát bay hơi cho phép nhiệt độ bên trong yakhchāl giảm xuống một cách dễ dàng, mang lại cảm giác ớn lạnh như thể đang đứng bên trong một chiếc tủ lạnh lớn. Các bức tường của nó cũng được xây dựng một cách thông minh, với việc sử dụng loại vữa đặc biệt siêu cách nhiệt để bảo vệ khỏi nắng nóng của sa mạc. Loại vữa trên là một hỗn hợp gồm cát, đất sét, với lòng trắng trứng và lông dê cùng những thành phần khác.

Các công trình này cũng chứa rãnh được thiết kế ở phía dưới để hứng nước từ đá lạnh bị chảy. Sau khi được thu thập, nước sẽ được làm đông lại vào ban đêm, giúp tận dụng tối đa nguồn tài nguyên cũng như nhiệt độ ban đêm lạnh giá của sa mạc. Đây cũng là một quá trình lặp đi lặp lại.

Các Yakhchāl không chỉ cung cấp nguồn thực phẩm cơ bản, đồ ăn vặt và nước đá cho hoàng gia và quan chức nhà nước, mà nó còn dễ tiếp cận tới mức ngay cả những người nghèo nhất cũng có thể dùng.

Người Ba Tư ngày nay không còn sử dụng Yakhchāl, một số công trình cũng đã bị hư hại và xói mòn do bão sa mạc. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều công trình nguyên vẹn trên khắp Iran và các quốc gia lân cận. Thuật ngữ Yakhchāl vẫn được sử dụng ở khu vực Trung đông ngày nay mỗi khi người ta đề cập đến việc sử dụng tủ lạnh trong các nhà bếp hiện đại.

Theo:  saigonthethao.thethaovanhoa.vn copy link