'Của rơi, không phải của mình thì một xu cũng trả lại'

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday)- Trên đường đi làm về, chị Liễu nhặt được chiếc ví trước chợ Si (xã Diễn Kỷ, Diễn Châu), bên trong có 46 triệu đồng cùng nhiều giấy tờ nhưng đã trả lại người mất, đồng thời từ chối nhận hậu tạ.

VNN phản ánh, trong đợt mưa lũ vừa qua, chị Liễu trên đường đi làm về đã nhặt được chiếc ví trước chợ Si (xã Diễn Kỷ, Diễn Châu), bên trong có 46 triệu đồng tiền mặt cùng nhiều giấy tờ.

Cầm chiếc ví với số tiền lớn, chị Liễu đứng đợi cả tiếng đồng hồ ở chợ Si nhưng không thấy ai đến tìm.

Chị bèn kiểm tra giấy tờ và phát hiện chủ nhân là Nguyễn Thị Thìn (phường Quang Phong, TX. Thái Hòa, Nghệ An), có số điện thoại ghi trong giấy tờ.

Chị Liễu tâm sự của rơi dù nhặt được một xu cũng phải đem trả lại. Ảnh: VietNamNet

Quá mừng rỡ, chị đã gọi cho chủ nhân đến và giao tận tay số tài sản nói trên. 

Vui mừng đến chảy nước mắt, chị Thìn muốn biếu lại chị Nguyễn Thị Liễu 3 triệu đồng để cảm ơn, nhưng chị Liễu vui vẻ từ chối. Nhận lại số tiền ngỡ như đã mất, chị Thìn mừng vui rơi nước mắt: "46 triệu đồng, đó là số tiền cả gia đình tôi dành dụm rất lâu mới có được. Khi phát hiện mất ví tiền, tôi bần thần đứng ngồi không yên, vì không biết nói với gia đình như thế nào. Tôi cứ đinh ninh ví rơi thì không bao giờ lấy lại được. Không ngờ tôi đã gặp được người thật thà, hiền lành, tốt bụng như chị Liễu. Chị ấy là một người tốt hiếm có. Gia đình tôi muôn vàn cảm ơn chị ấy".

Được biết, vợ chồng chị Liễu ở giáo xứ Diễn Hạnh là nông dân, nhà đông con, cuộc sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng không vì thế mà chị tham của rơi. "Của rơi, không phải của mình làm ra thì dù một xu thì tôi cũng phải trả lại, Gia đình mình chỉ là nông dân, một xu một đồng đều quý giá. Nhưng số tiền nhặt được dù lớn đến mấy cũng là mồ hôi của người khác, mình phải mang trả lại cho họ” – chị Liễu tâm sự.

Thế mới biết dân ta dù còn nghèo nhưng vẫn không thiếu những nghĩa cử cao đẹp.

NLĐO ngày 18/10/2013 cho biết, nhặt được ví tiền, trong đó có 8 chỉ vàng, 1 thẻ ATM cùng một số tiền mặt, bà Nguyễn Thị Soi ở thôn Phước Thọ 1, xã Bình Phước, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi tất tả đi tìm chủ nhân của nó để giao trả lại. Bà Soi thấy vui vì số tiền kia đã trở về với chủ…

Được biết, khi đang đi mua thức ăn thì bà Soi nhặt được một ví tiền. Lúc mở ra, bà thoáng chút bất ngờ khi trong ví là 8 chỉ vàng được đặt gọn gàng trong một ngăn riêng và 149 nghìn đồng tiền mặt. Trong ví còn có thêm một thẻ ATM mang tên Nguyen Thi Ai Viet. Mang thẻ ATM đi dò la, cuối cùng bà Soi cũng tìm ra được chủ nhân của chiếc ví là chị Nguyễn Thị Ái Việt, một người dân sống tại xóm 2, thôn Phước Thọ 1.  Vậy là chẳng nói chẳng rằng, bà đi một mạch sang nhà người cháu gái để nhờ cháu thông báo cho người mất ví đến nhận lại.

Sau đó, chị Việt mang tiền đến hậu tạ, bà Soi kiên quyết chối từ. Bởi với bà, “đói cho sạch, rách cho thơm”, trả lại tiền cho người mất là chuyện phải làm nên không cần phải trả ơn, trả nghĩa. Ông Ngô Thanh Chí - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Phước cho hay, gia đình của bà Nguyễn Thị Soi thuộc diện hộ nghèo, nhưng bà vẫn không màng của rơi và đã trả lại cho người mất.

VTC ngày 7/1/2012 đưa tin, chị Nguyễn Thị Út (ấp 5, xã Bình Thành, huyện Giồng Trôm, Bến Tre) trên đường đi giao hạt điều đã gia công bóc vỏ, chị Út nhặt được gói tiền 80 triệu đồng của một người dân ở xã Tân Hào chạy xe máy đánh rơi. 

Ngay sau khi nhặt được gói tiền này, chị Út cố đạp xe chạy theo trả lại cho người mất và người này hậu tạ chị 5 triệu đồng nhưng chị không nhận. Chị Út cũng không kể chuyện này cho chồng con hay người thân nghe. Sự việc xảy ra từ tháng 9/2011 nhưng đến tận thời điểm trên chính quyền xã mới biết và khen thưởng chị Út
 

Ông Nguyễn Hồng Sơn - Phó chủ tịch UBND huyện Giồng Trôm (Bến Tre) - tặng giấy khen cho chị Út.

Được hỏi “Gia đình chị là hộ nghèo, số tiền đó rất lớn, sao chị không giữ lại làm ăn để thoát nghèo?”. Chị Út cười tươi: “Tiền đó đâu phải do tui làm ra mà xài. Tui chỉ xài tiền do mình đổ mồ hôi làm ra mà thôi”.

“Người ta cho chị 5 triệu đồng đền ơn sao chị cũng từ chối?”. Chị Út đáp: “Tiền đó người ta đang đi trả nợ ngân hàng. Nếu tôi lấy thì họ không đủ trả, phải đi vay mượn để có tiền trả, tội người ta”.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn