Quảng Bình: Kỳ nhân ngâm mình trong lửa chữa bệnh cứu người

( PHUNUTODAY ) - Đinh Mỳ rút dao ra chống cự với ác thú. Người và thú lao đến quần nhau hơn 15 phút, Đinh Mỳ dùng dao đâm ngoáy sâu vào ngực con hổ lớn, sau đó dùng hai tay kẹp chặt đầu hổ, không cho nó vùng vẫy.

Ở miền núi phía tây tỉnh Quảng Bình, có một người đàn ông dân tộc Ma Coong được mệnh danh là  “vị phù thủy có phép lạ”. Ông đã từng tay không hạ gục một con hổ lớn chuyên ăn thịt người, một mình vào hang bắt con trăn “khổng lồ”. Và ông còn có cách chữa bệnh cứu người rất đặc biệt khiến nhiều người yếu tim sẽ khiếp vía: Ngâm mình trong lửa.
[links()]
Một điểm đặc biệt là kỳ nhân này có thể nuốt lửa hay ngậm cả mũi rựa đang đỏ rực vào miệng. Khi đã ngâm mình trong lò nước sôi 100 độ, ông sẽ dùng bàn tay chà vào người đang bị bệnh thì căn bệnh sẽ hết, không còn tái phát nữa.

Nhiều người ở khắp miền xuôi, miền ngược không quản ngại đường sá xa xôi tìm đường lên đây nhờ lão kỳ nhân điều trị bệnh. Một số người không tin vào công năng kỳ diệu này, nhưng tận mắt chứng kiến lão nuốt thanh rựa đang đỏ rực vào miệng cũng thất kinh, khiếp đảm.

“Võ Tòng” đả hổ, cứu bản làng

Mặc dù nhiều lần muốn đến khám phá vùng đất của tộc người Ma Coong, nằm hun hút trong dãy Trường Sơn, nhưng không có người dẫn đường. Lần khất mãi, cuối cùng tôi cũng nhận được cái gật đầu đồng ý của anh Hồ Leo, “hướng dẫn viên” người bản địa vốn quen thuộc với địa hình và phong tục của người miền núi.

Từ đường mòn Hồ Chí Minh, phải mất hai ngày đi bộ hơn 100 km đường rừng, vượt qua 12 con suối nước chảy xiết chúng tôi mới đến được xã Thượng Trạch (huyện Bố Trạch, Quảng Bình). Đến bản người Ma Coong hỏi thăm nhà ông Đinh Mỳ thì ai cũng biết, bởi dường như trong lòng đồng bào, ông là một kỳ nhân, dị sĩ được Giàng phái xuống giúp bản làng.

Kỳ nhân Đinh Mỳ nung đỏ cây rựa trước khi thực hiện màn
Kỳ nhân Đinh Mỳ nung đỏ cây rựa trước khi thực hiện màn "ngậm lửa" nóng trên 100 độ C.

Họ nói về ông với ánh mắt đầy tự hào và tôn kính. Chủ tịch UBND xã  Thượng Trạch Đinh Hợp đích thân dẫn chúng tôi đến nhà “diện kiến” kỳ nhân Đinh Mỳ. Trên đường đi, ông Hợp vẫn thỉnh thoảng ngoái đầu lại nhắc:

“Bằng khả năng phi thường của mình, Đinh Mỳ đã làm được những chuyện mà người thường không thể làm. Ông được người dân xã Thượng Trạch gọi bằng cái tên là “thầy phù thủy có phép lạ” hay “kỳ nhân mình đồng da sắt” bởi ông có khả năng giết hổ, nuốt lửa và ngậm cả lưỡi rựa đang đỏ hừng hực vào miệng.

Ông ấy tự đặt ra một quy định là chỉ tiếp người dưới xuôi lên (tức người Kinh – P.V) nếu được sự đồng ý của già làng và chính quyền”.

Từ trung tâm xã, “lội bộ” qua ba quả núi dựng đứng, chênh vênh chúng tôi đến ngôi nhà nhỏ của “kỳ nhân” Đinh Mỳ. Ngôi nhà nhỏ nằm thọt lõm giữa thung lũng Trường Sơn, quanh năm có sương mù bao phủ tạo thêm vẻ huyền bí, ly kỳ.

Ông Hợp cho biết thêm, ngôi nhà này được xây dựng từ ngày mới lập bản, dựng làng trãi qua ba đời vẫn vững chãi như cây lim, cây táu trong rừng già. Nghe tiếng khách đến nhà, bà Y Eeng (vợ ông Đinh Mỳ) vội vàng chạy ra sau vườn gọi chồng vào đón.

Ông không cao lớn nhưng rắn chắc, giọng nói chắc nịch, ánh mắt sáng quắc vui vẻ đến bắt tay từng người khiến người mới đến có cảm giác như quen biết, thân thiết từ lâu.

Rót xong bát nước chè chát mời khách, Đinh Mỳ trầm ngâm kể cho chúng tôi nghe câu chuyện tay không giết hổ dữ mà lâu nay người dân trong và ngoài tỉnh Quảng Bình vẫn đồn đại.

Ông mở đầu câu chuyện, đó là những năm sau chiến tranh, trên dãy núi Trường Sơn rậm rạp (nơi giáp ranh giữa huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình với nước bạn Lào – P.V) có một đàn hổ lớn rất hung dữ do một con hổ đã thành tinh dẫn đầu.

Chúng từng nhiều lần ‘hạ sơn’ bắt trẻ em, người dân ở các bản làng vùng biên tha về hang ăn thịt. Dã man nhất là vào tháng 8/1978, trong lúc đang khai hoang phát rẫy, chín người dân ở xã Thượng Trạch đã bị một con hổ lớn cụt đuôi vồ chết. Nó ăn thịt một người, còn tám người khác tha đi nhiều nơi.

Lo sợ bị hổ dữ ăn thịt, dân bản không dám đi làm xa, chỉ suốt ngày quanh quẩn góc nhà. Đêm đêm, bên ánh lửa nhà Gươl, già làng cùng lũ trai đinh bàn kế giết hổ dữ. Già chọn mười tráng đinh có khả năng bắn nỏ như “hậu nghệ”, chạy nhanh như con sói trong rừng lên đường đi trừ ác hổ.

Đình Mỳ được già làng chọn làm tiên phong, nhử hổ vào cạm bẫy. “Khi ánh trăng rằm 16 soi sáng núi rừng, lũ làng mang theo cung nỏ vào mai phục hai bên bìa rừng, chờ đàn hổ về làng săn mồi.

Tôi cùng ba người nữa tiếp tục tiến vào sâu trong rừng rãi thức ăn dọc đường để nhử hổ ra chỗ già làng mai phục. Tại đây, già làng đã bố trí đào các hầm chông rộng hơn 5m2, cùng nhiều cung thủ phục sẵn”  - Đinh Mỳ nhớ lại.

Khoảng 11 giờ đêm, tiếng lá rừng xào xạc, một mùi hôi tanh bốc lên nồng nặc, kèm theo đó là những tiếng gầm gừ. Biết đàn hổ đã xuất hiện, lũ làng đưa tên lên nỏ, sẵn sàng đối mặt với bầy ác thú. Đàn hổ gồm tám con, do con hổ vằn cụt đuôi dẫn đầu chậm rãi tiến về phía bản.

Nhưng khi đến gần chỗ có mai phục, dường như phát hiện sự có mặt của kẻ thù, con hổ vằn dừng lại và đưa mũi lên ngửi. Nó quay lưng gầm gừ báo hiệu cho đồng loại rút lui vào rừng. Sợ đàn hổ bỏ chạy, già làng phát lệnh tấn công.

Những mũi tên tẩm độc bắn ra như mưa, quây kín đàn hổ. Con hổ cụt đuôi rống lên, đưa tấm thân dày hứng hết loạn tiễn, nhưng không một mũi tên nào xuyên qua lớp da dày cứng như thép của nó.

Bầy hổ bỏ chạy vào rừng. Gần một tuần lễ sau, bầy hổ dữ lại quay trở lại bắt trâu bò trong bản, giết hại hai người dân đi làm rẫy.

Trước nạn hổ dữ ăn thịt người, già làng đến báo với chính quyền địa phương và bộ đội biên phòng đề nghị phối hợp diệt hổ dữ, cứu nguy cho bản làng.

Đám thanh niên trai tráng trong các bản làng vùng biên được huy động mang theo cung nỏ cùng với lực lượng vũ trang dùng súng trường, AK… ngày đêm mai phục hổ dữ chờ cơ hội “hạ sát” ác thú nhưng đều thất bại.

“Bầy hổ đã ngửi thấy mùi nguy hiểm nên gần hai tháng không quay trở lại bản làng bắt gia súc mà chỉ rình rập ở các vùng nương rẫy, chờ bắt người.

Kết quả mà đoàn săn hổ tìm thấy sau nhiều chuyến đi vào rừng sâu chỉ là dấu chân của bầy hổ và những bộ quần áo, xương người còn sót lại” ông Đinh Mỳ đau xót nhớ lại.

Dù đã dùng “trăm phương ngàn kế” nhưng bầy ác thú vẫn nhởn nhơ, rình rập quanh các bản làng vùng biên để hại người.

Sợ bầy hổ lại kéo xuống làm hại dân lành, lãnh đạo UBND huyện Bố Trạch cấp cho mỗi người dân một khẩu súng săn cùng 16 viên đạn để tự bảo vệ mình khi đi lên rẫy, đồng thời gửi đơn “cầu viện” lên các lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Bình.

Một ngày cuối tháng 12/1978, Đinh Mỳ mang theo súng đạn và lương thực vào rừng sâu quyết một phen sống mãi với hổ dữ. Mặc cho những lời can ngăn, ông vẫn dứt áo đi, thề không giết được hổ không quay về bản.

Gần hai ngày lần theo dấu vết đàn ác thú giữa rừng sâu, Đinh Mỳ đã phát hiện ra nơi trú chân của đàn hổ. Đêm ấy, Đinh Mỳ đến mai phục bên hang, súng đã lên nòng sẵn sàng nhả đạn. Gần bốn giờ sau, nghe tiếng chim rừng bay loạn xạ kèm những tiếng thở gầm gừ từ xa vang đến, Đinh Mỳ biết bầy ác hổ đã xuất hiện nên đưa súng lên tầm ngắm.

Dưới ánh trăng sáng lờ mờ, Đinh Mỳ nhận ra trước mắt mình là một con hổ đực to bằng con bò đang lững thửng đi về hang, phía sau là 7 con hổ khác. Đinh Mỳ nhẹ nhàng rời chỗ núp để tiến lại gần ác thú, lấy góc bắn chuẩn xác.

Sau mấy giây lấy bình tĩnh, Đinh Mỳ nheo mắt khai hỏa hai phát liền vào đầu hổ dữ. Tiếng nổ chát chúa vang cả núi rừng vùng biên, kèm theo là tiếng gầm rú, quằn quại vì trọng thương của hổ dữ. Bị bắn trúng đầu, nhưng con ác thú vẫn lao đến chỗ Đinh Mỳ để “xé xác” tay thợ săn “gan lớn”.

Không chút do dự, Đinh Mỳ rút dao ra chống cự với ác thú. Người và thú lao đến quần nhau hơn 15 phút, Đinh Mỳ dùng dao đâm ngoáy sâu vào ngực con hổ lớn, sau đó dùng hai tay kẹp chặt đầu hổ, không cho nó vùng vẫy.

Với bàn tay cứng như thép, Đinh Mỳ đã quật chết con ác thú. Với kỳ tích giết hổ dữ cứu bản làng, Đinh Mỳ được bộ đội Đồn biên phòng 593 và lãnh đạo UBND huyện Bố Trạch (Quảng Bình) biểu dương khen ngợi và trao tặng ba tạ gạo. Từ đây biệt danh “Đinh Mỳ giết hổ dữ” nổi tiếng khắp một vùng biên ải.

(Kỳ II: Quảng Bình: Kỳ nhân chữa bệnh, cứu người )

  • Hạ Nguyên
TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn