“Chạy đua” kinh tế
Sống cùng mái nhà, dù là góp gạo thổi cơm chung hay mỗi gia đình tự chi tiêu sinh hoạt thì việc ngấm ngầm so sánh điều kiện kinh tế giữa hai gia đình là điều khó tránh khỏi. Bản tính ganh đua của con người có xu hướng gia tăng khi họ nhìn thấy những điều kiện tốt hơn bên cạnh mình. Tâm lý chung của phụ nữ là không muốn thua chị kém em. Tuy nhiên trong một số trường hợp họ phải đối diện với tình huống lực bất tòng tâm.
Đến bây giờ, Hạnh (Sơn Tây, Hà Nội) vẫn không quen được cảm giác ngại ngùng khi chứng kiến chị Lan – chị dâu Hạnh thường xuyên thể hiện “đẳng cấp” không thể so bì mỗi lần gia đình chồng có liên hoan hay giỗ chạp. Chẳng là vợ chồng Hạnh đều là giáo viên, thu nhập không thể so sánh được với anh chị, đều làm vị trí quản lý ở Ngân hàng. Mỗi lần nhà có giỗ, vợ chồng Hạnh chỉ đủ gửi bố mẹ tiền sắm lễ và mua thêm hoa quả, còn chị Lan sẵn sàng đóng góp 5-7 triệu khiến Hạnh rất khó xử.
Không những thế, chị Lan luôn hay khoe quần áo, giầy dép, đồ đạc sắm mới liên tục cho mình và gia đình trước mặt Hạnh. Điều đó khiến Hạnh rất chạnh lòng: “Thú thực là mình buồn, mình ghen tị. Ai chẳng muốn có nhiều tiền để mua sắm thỏa thích, có lẽ biết mình không có điều kiện nên chị luôn cố tình mang đồ mới ra trưng trước mặt mình, còn lớn tiếng kể đồ xịn, đồ hiệu, cái gì cũng đắt, cái gì cũng độc. Đôi khi chị nói chẳng nể nang ‘Cái tivi nhà thím cũ thế rồi mà vẫn để xem được’. Mà hầu như tuần nào chị cũng có đồ mới mang về…”.
Luôn có những cuộc đua ngầm... |
Chính vì cảm giác lúc “vừa thấy tủi thân vì điều kiện kinh tế của hai vợ chồng thua xa, vừa áp lực vì cảm giác kém cỏi, thua thiệt” nên vợ chồng Hạnh luôn gắng để “chạy” theo cho kịp gia đình anh chị. Vậy nhưng càng chạy thì Hạnh lại càng thấy gia đình mình không đủ khả năng và có “chạy” kiểu gì cũng không thể bằng anh chị. Cũng vì thế bỗng dưng giữa hai chị em dâu Hạnh – Lan lúc nào cũng âm ỉ sự tranh đua.
Cuộc đua ngầm trong việc nuôi dạy con cái
Bất cứ ông bố bà mẹ nào đều mong con cái của mình khỏe mạnh, giỏi giang. Tuy nhiên, khi trong gia đình có hơn một bà mẹ, mâu thuẫn về quan điểm nuôi dạy con cái, sự ngấm ngầm đua tranh thành tích của con cái là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Khi đứa trẻ còn nhỏ, chị em dâu sẽ ra sức thể hiện bản thân trong cuộc đua cho con ăn, cho con ngủ… Khi đứa trẻ đến tuổi đến trường, chị em dâu lại bắt đầu cuộc đua thành tích của con. Cuộc đua nào cũng đều khốc liệt và có tính “sát thương” lòng tự ái rất cao. Người hơn thì đắc chí, mừng thầm; người kém thì hậm hực, bực tức.
Chưa kể người trong cuộc phải đối diện với tâm trạng ức chế khi bị lôi ra để so sánh theo kiểu: Cùng là chăm con mà sao chị dâu/em dâu con lại làm khéo thế, nhàn thế mà con vẫn ngoan, khỏe. Hay bạn sẽ trở thành những trọng tài bất đắc dĩ phân xử những cuộc cãi vã, tranh giành không có hồi kết của những đứa trẻ. Bạn vừa muốn bảo vệ con của mình, nhưng lại phải phân xử khách quan để người khác không nói bạn đang thiên vị cho con mình. Nếu làm không khéo, chuyện trẻ con mất lòng người lớn sẽ thường xuyên diễn ra tạo những khoảng cách lớn trong quan hệ giữa hai chị em dâu.
Cùng chung cảnh chị em dâu, Hoa (Ba Đình, Hà Nội) cũng thường xuyên than vãn chuyện cô em dâu can thiệp quá sâu vào cách chăm con của chị. Mỗi lần Hoa nấu cháo hay cho cu Bin ăn, em dâu rất hăng hái góp ý, lúc thì chị phải nấu thế này, chị không nên nấu thế kia, lúc thì chị phải cho con ăn dặm kiểu bà mẹ Nhật hay châu Âu chứ, giờ này mà vẫn chăm con theo phong cách mẹ Việt thì bao giờ cu Bin mới cao lớn, thông minh được… Hoa chia sẻ: “Mình vốn rất dễ tính, xuề xòa nhưng mỗi lần em dâu can thiệp như thế, mình vô cùng khó chịu. Lúc mới về làm dâu, mình cũng có thiện cảm với em dâu nhưng giờ thì không thể nào hòa hợp được. Mình làm gì cho con, chăm sóc thế nào em dâu cũng ‘nhảy bổ’ vào, nhiều lần không kiềm chế được hai chị em đã lớn tiếng đôi co”.
Ra sức lấy lòng bố mẹ chồng
Cùng làm dâu, cùng sống dưới một mái nhà, sẽ rất đáng tiếc nếu bạn không làm tốt vai trò dâu hiền của mình trong mắt bố mẹ chồng. Được lòng bố mẹ chồng bạn sẽ có cuộc sống dễ thở hơn, con cái bạn cũng vì thế mà được ông bà ưu ái chăm sóc hơn. Trong nhiều gia đình, cuộc đua ngầm của hai chị em dâu để lấy lòng bố mẹ chồng diễn ra không kém phần khốc liệt.
Strsss nặng vì cưới phải bà vợ thích nói nhiều (Chia sẻ) - (Phunutoday) - Trong quãng thời gian đang cắp sách đến giảng đường thì tôi quen người phụ nữ, là vợ của tôi bây giờ. |
Có nhiều cách để lấy lòng bố mẹ chồng, cách được các chị em thường xuyên sử dụng là ra sức thể hiện vai trò không thể thiếu của mình trong gia đình cũng như lấy lòng bố mẹ chồng nhân dịp lễ Tết. Nếu bạn là một người vụng về, nhanh ẩu đoảng nhưng chị dâu/em dâu lại là người chỉn chu thì nhanh chóng bạn sẽ bị biến thành đối tượng bị chỉ trích trong gia đình. Hoặc nếu kinh tế của bạn eo hẹp hơn, bạn sẽ không đủ sức để “bình đẳng” với chị dâu/em dâu trong mỗi dịp lễ Tết. Tệ hại hơn, nếu bố mẹ chồng bạn không phải tuýp người tế nhị, bạn sẽ bị rơi vào tình trạng bị công khai so sánh với người còn lại. Bạn không thể đòi hỏi một sự công bằng tuyệt đối trong cách đối xử của bố mẹ chồng với hai nàng dâu. Do đó, tâm lý muốn trở thành người luôn được ưu ái khiến chị em càng ra sức lấy lòng bố mẹ chồng.
Trong câu chuyện với hàng xóm, bất cứ lúc nào bà Huê (Cửa Nam, Hà Nội) cũng khen cô con dâu cả, và kèm theo câu: “Giá mà cái Hiền (dâu thứ) được một phần cái Ngọc (dâu cả) thì tốt quá”. Sỡ dĩ bà luôn so bì như vậy vì dâu cả rất biết lấy lòng bà. Khi thì biếu bà cái áo mới, khi thì tấm vé xem ca nhạc, mà toàn chương trình ca nhạc hoành tráng, ca sĩ bà yêu thích cả. Bà ưng lắm. Nhưng cô con dâu thứ thì theo lời bà, lúc nào cũng “im như thóc, một câu khen mẹ cũng không biết nói”. Đã thế, có hôm bà tấm tắc khen cái áo đẹp, chẳng những không “nhanh ý” mua tặng mẹ như Ngọc, Hiền còn nhận xét luôn là trông lòe loẹt, không hợp với tuổi của mẹ khiến bà Huê giận tím mặt. Trong mắt bà, Ngọc khéo léo, xởi lởi bao nhiêu thì Hiền chặt chẽ, khó tính bấy nhiêu. Thế nên bà chẳng ngần ngại mà ưu ái vợ chồng con cái Ngọc hơn hẳn nhà Hiền.
Tạm kết
Khi bước vào một cuộc hôn nhân, bạn phải chấp nhận việc nỗi buồn, ấm ức sẵn sàng xuất hiện và bủa vây lấy bạn. Tuy nhiên, trong mối quan hệ giữa chị em dâu, nếu để cái tôi lại, thiện chí và chân thành với đối phương, chắc chắn bạn sẽ có cuộc sống dễ chịu và tâm hôn thanh thản hơn rất nhiều so với việc cố gắng tính toán, đua tranh để thể hiện bản thân trong gia đình chồng. Một tâm lý vững vàng và một thái độ cầu thị sẽ giúp bạn vượt qua mọi mâu thuẫn trong cuộc sống hôn nhân, dù đó là với mẹ chồng, em chồng hay chị em dâu.
Chồng chỉ đối xử tốt khi tôi đáp ứng nhu cầu sex cho anh (Chia sẻ) - (Phunutoday) - Được 5 ngày, thì tôi cảm thấy có lỗi với anh ấy, nên tôi đã chủ động rủ anh làm “chuyện ấy”... |