Cuộc sống tù binh xa hoa tại Liên Xô của Hoàng đế cuối cùng triều Thanh

08:00, Thứ hai 25/07/2011

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Ngày 19/8/1945, trên đường chạy trốn sang Nhật, Phổ Nghi Hoàng đế của “Mãn Châu Quốc”, cũng tức là vị Hoàng đế cuối cùng của triều Thanh bị quân Liên Xô bắt giữ.

(Phunutoday) - Ngày 19/8/1945, trên đường chạy trốn sang Nhật, Phổ Nghi Hoàng đế của “Mãn Châu Quốc”, cũng tức là vị Hoàng đế cuối cùng của triều Thanh bị quân Liên Xô bắt giữ. Cho mãi tới năm 1950, khi được Liên Xô trao trả về cho chính quyền Trung Quốc, Phổ Nghi đã trải qua 5 năm trong thân phận một tù binh đặc biệt ở xứ sở Bạch Dương. Đó là một câu chuyện đặc biệt thú vị mà bản thân Phổ Nghi vì những lý do khác nhau đã không thể viết ra trong cuốn hồi ký nổi tiếng của mình…


1. Ngày 8/8/1945, Liên Xô tuyên chiến với Nhật Bản trên chiến trường châu Á. Lúc bấy giờ, phe phát xít gần như đã thất bại trên tất cả các mặt trận do vậy, việc phát xít Nhật thua trận chỉ còn là chuyện ngày một ngày hai. Ông vua của “Mãn Châu Quốc” lúc bấy giờ cũng dự cảm thấy điều ấy rất rõ.

Mười ngày sau đó, dưới sự sắp xếp của quân Nhật, Phổ Nghi bỏ lại “Hoàng hậu” Uyển Dung, “Phúc quý nhân” Lý Ngọc Cầm và gia quyến của mình, lên một chiếc máy bay nhỏ bay tới Thẩm Dương, thuộc tỉnh Liêu Ninh, nằm ở phía Đông Bắc của Trung Quốc. Theo kế hoạch, tại đây Phổ Nghi sẽ được người Nhật sắp xếp đổi sang một chiếc máy bay lớn để chạy trốn sang Nhật. Tuy nhiên, cả người Nhật lẫn Phổ Nghi đều không ngờ được rằng, cùng thời điểm đó, quân đội Liên Xô đã chiếm toàn bộ sân bay Thẩm Dương.

Chiều ngày 19/8/1945, một chiếc máy bay quân sự loại nhỏ bí mật hạ cánh xuống sân bay Thẩm Dương. Hồng quân Liên Xô đóng tại sân bay ngay lập tức bao vây chiếc máy bay mang cờ hiệu Nhật. Khi cánh cửa máy bay được mở ra, một người ăn mặc sang trọng, diêm dúa song sắc mặt tái xanh, lộ rõ vẻ hoảng sợ bước xuống cùng đám tùy tùng.

Người đó không ai khác chính là vị Hoàng đế cuối cùng của triều Thanh Ái Tân Giác La Phổ Nghi. Ngày thứ hai sau khi bị bắt Phổ Nghi cùng 9 tù binh khác bị Hồng quân bắt giữ được đưa về Liên Xô. Cũng từ thời điểm đó, Phổ Nghi bắt đầu cuộc sống kéo dài 5 năm trong thân phận một tù binh của chính quyền Xô-viết. Trong vòng 5 năm đó Phổ Nghi đã lần lượt bị quản thúc tại nhiều trại khác nhau với một cuộc sống cực kỳ đặc biệt.
e
Phổ Nghi

2. Các trại quản thúc của Liên Xô trước đó chưa từng quản thúc một vị tù binh là “Hoàng đế”. Chính vì vậy, những người Liên Xô đã đối xử một cách đặc biệt với Phổ Nghi. Tại trại quản thúc Molokovka, nơi đầu tiên Phổ Nghi được đưa tới, người ta tổ chức một bữa tiệc nhỏ để “đón tiếp” người tù binh đặc biệt, giải thích cho ông về các quy định đồng thời hỏi xem ông và những người đi cùng có yêu cầu nào đặc biệt hay không.

Tuy nhiên, đó chưa phải là điều bất ngờ đầu tiên đối với ông vua cuối cùng của Trung Quốc. Những ưu ái mà chính quyền Nga Xô-viết dành cho Phổ Nghi hoàn toàn vượt ngoài những gì vị Hoàng đế này dự đoán. Người ta đối đãi với Phổ Nghi giống như một bệnh nhân cần được chăm sóc đặc biệt. Chỉ riêng chuyện ăn uống, mỗi ngày Phổ Nghi cùng đám tùy tòng được ăn tới 4 bữa. Bữa sáng có bánh mì và các món điểm tâm, cà phê, trà..

Bữa trưa thường có ít nhất hai món ăn và một món canh. Đến buổi chiều, 3-4 giờ thường có một bữa ăn nhẹ mà người Nga gọi là “trà trưa”.

 Buổi tối là bữa ăn thịnh soạn nhất trong ngày, thường ăn các món tây, đồ ăn thường là lưỡi bò, đuôi bò, rượu vang và các món điểm tâm… Phổ Nghi không hề biết rằng, vào thời điểm đó, kinh tế của Liên Xô vô cùng khó khăn, mức sống của người dân rất thấp, vì vậy, việc họ cung cấp cho Phổ Nghi một ngày tới bốn bữa ăn với “thực đơn” phong phú như vậy thì có thể nói Phổ Nghi đã được chính quyền Liên Xô ưu ái tới mức nào.

Về nơi ở, trại quản thúc này dành cho Phổ Nghi một căn phòng riêng, còn có hẳn một chiếc máy radio phát nhạc và các bản tin tiếng Nga. Trong 5 năm ở các trại quản thúc của Liên Xô, dù thời gian rỗi có thừa, song Phổ Nghi và tùy tùng không hề bị buộc phải làm việc.

 Đa phần thời gian Phổ Nghi dành để tản bộ và nói chuyện. Khi mới tới Nga, chính quyền Xô-viết có giới hạn phạm vi mà Phổ Nghi có thể đi lại, tuy nhiên, một thời gian sau thì những quy định này cũng phần nào giảm bớt và Phổ Nghi có thể đi lại khắp các nơi. So với thời gian còn làm Hoàng đế tại “Mãn Châu Quốc” dưới sự quản chế của quân đội Nhật, phạm vi hoạt động và đi lại của Phổ Nghi còn rộng lớn và tự do hơn rất nhiều. Thậm chí, khi những người quản lý trại quản thúc Molokovka biết rằng Phổ Nghi biết chơi đàn piano còn tặng cho Phổ Nghi một cây đàn đặt tại phòng riêng để khi nào “thảnh thơi” thì vị “cựu Hoàng đế” đàn chơi.

Được ưu ái quá mức khiến Phổ Nghi dường như quên mất rằng bản thân mình đang là một tù binh, bắt đầu thiết lập lại nhịp sống của một vị Hoàng đế. Những kẻ tùy tùng bị bắt theo Phổ Nghi ngày ngày tới phòng để “thỉnh an” Hoàng đế. Trong khi đó, Phổ Nghi dành hết thời gian để tụng kinh niệm Phật. Thậm chí, còn sai người hầu đứng ngoài canh gác, không cho ai làm phiền mình trong lúc đang tĩnh tọa hay đang tụ tập cùng những người khác đặt quẻ xem bói dự đoán tương lai vận mệnh của chính mình. Tuy nhiên, trước sau, những người quản lý trại quản thúc không hề ngăn cản hay can thiệp vào những chuyện này.

3. Tháng 10/1945, hai tháng sau khi bị bắt, Phổ Nghi và đám người hầu được đưa tới một trại quản thúc khác có tên là Trại quản thúc Khabarovsk. Điều kiện vật chất nơi đây không được đầy đủ và thoải mái như khi còn ở Molokovka tuy nhiên, cuộc sống của Phổ Nghi tại đây vẫn rất thoải mái.

 Trong thời gian sống tại trại quản thúc Khabarovsk, Phổ Nghi và những người tùy tùng bắt đầu đọc những cuốn sách đầu tiên về chủ nghĩa Mác – Lênin và lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô. Ngoài ra, chính quyền Xô-viết còn để họ tham gia một số hoạt động lao động như quét dọn vệ sinh, lĩnh thực phẩm hàng tháng…

Tuy nhiên, trước sau Phổ Nghi gần như không bao giờ tham gia các hoạt động lao động này. Một thời gian sau đó, Phổ Nghi lại được chuyển tới trạm quản thúc tù binh chiến tranh đặc biệt số 45. Trong suốt thời gian ở đây, sự biệt đãi mà chính quyền Xô-viết dành cho Phổ Nghi vẫn không hề thay đổi.

Từ giây phút xuống máy bay và bị quân đội Liên Xô bắt, Phổ Nghi vẫn cánh cánh một nỗi lo rằng, Liên Xô sẽ đem mình trả về cho chính phủ Trung Quốc. Trong thời gian “chấp chính” tại “Mãn Châu Quốc”, Phổ Nghi đã ký “Hiệp định Nhật-Mãn”, cắt phần đất ở phía Đông Bắc Trung Quốc cho Nhật, biến nơi đây trở thành căn cứ quân sự cho đế quốc Nhật xâm lược Trung Quốc cũng như hàng loạt các nước châu Á khác.

Tiếp đó, dưới sức ép của quân đội Nhật, Phổ Nghi liên tiếp ký những “chiếu thư” công nhận sự cai trị của Nhật ở Trung Quốc. Phổ Nghi biết rằng, với những việc đã làm thì không một người Trung Quốc nào có thể tha cho ông. Vì vậy, Phổ Nghi cho rằng: “Dù cho Đảng Cộng sản thắng hay Quốc dân đảng thắng đối với bản thân mình chẳng có gì khác nhau. Chi bằng cứ ở lại Liên Xô may ra có thể bảo toàn tính mạng”.

Chính vì lý do này nên ngày khi mới tới trại quản thúc Molokovka, Phổ Nghi đã nói người em trai của mình là Phổ Kiệt viết một bức thư gửi cho Stalin, đề nghị cho phép mình ở lại Liên Xô. Bức thư được chuyển đến tay một Thiếu úy trong quân đội Liên Xô nhờ chuyển hộ, song Phổ Nghi không bao giờ nhận được thư trả lời. Sau đó, Phổ Nghi nhiều lần tự mình viết thư gửi cho Stalin song tất cả đều “một đi không trở lại”. Điều này khiến Phổ Nghi hết sức buồn bã và lo lắng. “Cửa trên” không thông nên Phổ Nghi quyết định đi theo “cửa dưới”
Phổ Nghi tại Liên Xô
Phổ Nghi tại Liên Xô

 Ông bắt đầu tìm cách mua chuộc những người quản lý trong các trại quản thúc, nơi đang giám sát mình. Khi từ Trường Xuân trốn đi, Phổ Nghi đã kịp mang theo khá nhiều những báu vật quý, trong đó những thứ châu báu, trang sức, ngọc quý rất nhiều. Phổ Nghi đã sử dụng thứ “vốn tự có” này nhằm mua chuộc những người trong chính quyền Liên Xô mỗi khi có cơ hội.

Khi mới tới Liên Xô, một sỹ quan trong quân đội Xô Viết rất thích thú với chiếc đồng hồ đeo tay của Phổ Nghi. Đó là một chiếc đồng hồ hình chữ nhật với vỏ làm bằng bạch kim rất quý. Vị sỹ quan nọ đưa chiếc tay không của mình về phía Phổ Nghi và cười. Phổ Nghi ngay lập tức lĩnh hội ý tứ của vị sỹ quan nọ, vội vàng cởi chiếc đồng hồ quý của mình đeo lên tay của ông ta.

Khi Phổ Nghi được đưa tới trại quản thúc Khabarovsk, chính quyền Xô-viết yêu cầu ông giao nộp tất cả những thứ vật phẩm quý mang theo để giữ hộ trong thời gian ông ở tại đây. Trong lúc làm giấy biên nhận, Giám đốc của trại quản thúc nhìn thấy một chiếc dây chuyền rất đẹp trong đống trang sức Phổ Nghi mang theo người mới buột miệng nói: “Nếu như tôi đem chiếc dây chuyền này tặng cho vợ tôi thì chắc hẳn cô ấy sẽ vui lắm”. Phổ Nghi nghe thấy vậy, ngay lập tức đem sợi dây chuyền tặng lại cho vị Giám đốc.

Một hôm, một vị Giám đốc Sở Nội vụ địa phương mời Phổ Nghi tới biệt thự ở cạnh trại quản thúc để ăn cơm. Phổ Nghi lấy làm lạ không biết vị sao một vị chức trách của chính quyền Xô Viết lại đi mời một người tù binh như mình. Đến khi tới nơi, Phổ Nghi mới biết dụng ý của bữa cơm đó.

Vị Giám đốc nọ nói với Phổ Nghi rằng, Liên Xô tuy giành thắng lợi trong chiến tranh nhưng vẫn phải khôi phục những vết thương do chiến tranh gây ra. Năm nay lại gặp đúng năm trời hạn hán, thu hoạch thất bát, đời sống nhân dân đang gặp rất nhiều khó khăn vì vậy hy vọng Phổ Nghi có thể giúp đỡ bằng cách quyên góp những vật phẩm quý báu mà ông ta mang theo.

Khi trở về trại quản thúc, Phổ Nghi rơi vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”. Nếu như đem cho toàn bộ vàng bạc châu báu mang theo thì không đành nhưng nếu như không đáp ứng yêu cầu của họ thì ý định ở lại Liên Xô khó có thể thành hiện thực.

Cuối cùng, sau khi bàn luận với những người đi cùng, Phổ Nghi quyết định đem những thứ kích thước lớn nhưng ít giá trị như bình mạ vàng, bát mạ vàng đem quyên góp cho vị Giám đốc Sở Nội vụ, còn những vật quý khác thì đem giấu đi. Nhưng giờ đây đang ở trong tù thì biết giấu những thứ ấy đi đâu? Vừa may lúc ấy mọi người tìm được một chiếc thùng đựng máy chiếu phim. Người hầu của Phổ Nghi là Lý Quốc Hùng đã đóng một ngăn bí mật trong chiếc thùng này để Phổ Nghi giấu 468 vật báu quý giá nhất.

 Sau khi đã giấu xong, vẫn còn lại một ít những đồ vật quý giá không muốn đem cho, Phổ Nghi đem chia cho tất cả những người đi theo mình. Sau đó, vì phải liên tục chuyển đến nơi ở mới nên Phổ Nghi lại sợ bị chính quyền Xô-viết phát hiện ra số vật báu cất giấu này thì mình sẽ phạm vào tội lừa dối và cơ hội ở lại Liên Xô sẽ càng mong manh hơn.

Vì vậy, Phổ Nghi đã quyết định tìm cách tiêu hủy những báu vật này. Phổ Nghi sai người đem kim cương, vòng tay vứt xuống sông, một số những thứ khác bị Phổ Nghi cho người vứt vào lò lửa để phi tang. Cho tới sau này trở về Trung Quốc, Phổ Nghi chỉ còn giữ được một số ít những vật phẩm giá trị mà ông ta mang theo.

4. Mặc dù đã tìm mọi cách nhưng mong muốn được ở lại Liên Xô của Phổ Nghi hoàn toàn không được đáp ứng. Cũng chính vì vậy, trong suốt thời gian ở tại các trạm quản thúc của Liên Xô, Phổ Nghi luôn trong tình trạng lo lắng, bất an. Phổ Nghi từng kể rằng, mỗi lần ra đường nhìn hoặc nghe thấy một người nói tiếng Trung Quốc là toàn thân lại toát mồ hôi lạnh vì nghĩ rằng, Đảng Cộng sản hoặc Quốc dân đảng đã phái người sang đưa ông ta về nước.

Cuối xuân, đầu hè năm 1946, một năm sau khi đến Liên Xô Bộ Nội vụ của Liên Xô lần lượt cho gọi những người đi theo đến và hỏi những vấn đề liên quan đến Phổ Nghi khi họ còn ở “Mãn Châu Quốc”. Đại loại như quân đội Nhật làm thế nào để khống chế chính phủ Mãn Châu và Phổ Nghi làm thế nào để từ Thiên Tân bỏ lên vùng Đông Bắc để làm Hoàng đế của “Mãn Châu Quốc”?...

Ban đầu khi nghe mọi người về kể lại, Phổ Nghi cảm thấy rất mơ hồ, không hiểu chính quyền Xô-viết vì sao lại làm như vậy. Mãi tới tháng 8/1946, khi chính quyền Liên Xô thông báo cho Phổ Nghi đến Tòa án Quân sự quốc tế Viễn đông để làm nhân chứng thì ông ta mới biết rằng họ làm như vậy là để chuẩn bị cho phiên tòa này.

Từ Vladivostok, dưới sự áp giải của quân đội Nga, Phổ Nghi đáp máy bay đến Nhật Bản. Sau khi tới Nhật, Phổ Nghi đã lần lượt gặp hai vị quan tòa của Tòa án Quân sự quốc tế viễn đông, một người Mỹ và một người Trung Quốc. Tại phiên tòa này, Phổ Nghi đã kể lại tường tận về kế hoạch cũng như quá trình thực hiện âm mưu nô dịch Mãn Châu của đế quốc Nhật.

Phổ Nghi đã kể tỉ mỉ việc Tư lệnh quân đồn trú Nhật Bản làm thế nào để buộc ông ta phải đến Lữ Thuận sau sự biến “18 tháng 9” rồi Tham Mưu trưởng quân Quan Đông là Itagaki đã dùng cái chết để dọa dẫm, buộc ông phải đi Trường Xuan để làm Hoàng đế của “Mãn Châu Quốc” như thế nào. Phổ Nghi còn kể lể việc mình bị quân đế quốc Nhật giám sát chặt chẽ tới mức không còn tự do cá nhân như thế nào trong những ngày tháng làm “Hoàng đế”.

Khi Phổ Nghi nói đến việc quân Nhật đã tìm cách sát hại vợ ông ta là Đàm Ngọc Linh, Phổ Nghi đã không kiềm chế được tình cảm của mình, dùng tay đập mạnh lên chiếc bàn dành cho nhân chứng. Tiếp đó, khi nói tới việc Thiên hoàng Nhật Bản tặng cho ông ta chiếc kính và thanh kiếm biểu tượng của Thiên hoàng Phổ Nghi một lần nữa lại mất bình tĩnh, nói: “Khi tôi cầm những thứ đó về nhà, người trong nhà đều khóc rống lên. Đây là một sự sỉ nhục đối với một đời người”.
Phổ Nghi tại tòa
Phổ Nghi tại tòa

Uất ức bấy lâu này về sự kìm kẹp của người Nhật đồng thời cũng là hy vọng để có thể ở lại Liên Xô tỵ nạn, Phổ Nghi đã đem tất cả những chuyện “thâm cung bí sử” ở “Mãn Châu Quốc” kể hết tại Tòa. Chính vì vậy, trong suốt 8 ngày kể từ ngày 16/8/1945, Phổ Nghi liên tục xuất hiện tại Tòa án với tư cách là người làm chứng. Với “kỷ lục” này, Phổ Nghi trở thành nhân chứng có thời gian xuất hiện tại phiên tòa Quân sự quốc tế viễn đông lâu nhất.

5. Sau khi kết thúc nhiệm vụ của mình tại phiên Tòa Quân sự quốc tế viễn đông, Phổ Nghi lại lên máy bay trở về nước Nga tiếp tục cuộc sống của một tù binh đặc biệt và rất được ưu ái. Thực tế, sau phiên Tòa Quốc tế viễn đông, Phổ Nghi đã nghĩ rằng cơ hội mình ở lại Liên Xô đã lớn hơn rất nhiều. Tuy nhiên, Phổ Nghi lại một lần nữa sai lầm.

Năm 1949, phe Cộng sản giành thắng lợi trước Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch, thành lập nên Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Stalin vì muốn làm ấm lại mối quan hệ giữa Liên Xô và Trung Quốc, vì vậy đã quyết định trao trả Phổ Nghi cùng một số tù binh chiến tranh khác về cho chính quyền mới ở Trung Quốc.

Chính vì vậy, sau 5 năm sống trong thân phận một tù binh đặc biệt tại Liên Xô, Phổ Nghi đã bị trả về cho Trung Quốc.

Ngày 30/7/1950, chính quyền Liên Xô gửi thông báo với Phổ Nghi về việc trao trả ông ta cho chính quyền mới ở Trung Quốc.

 Lúc này, Phổ Nghi đang ở trại quản thúc tù nhân chiến tranh đặc biệt số 45 của Liên Xô. Khi tờ thông báo được một người phiên dịch cầm đến cho Phổ Nghi, vị “cựu Hoàng đế” đã một lần nữa bày tỏ nguyện vọng của mình là được ở lại Liên Xô cho tới hết cuộc đời. Tuy nhiên, người phiên dịch nói với Phổ Nghi rằng: “Nếu như Trung Quốc hiện tại vẫn là của Tưởng Giới Thạch thì có lẽ ông sẽ không bị Liên Xô trả về đâu. Tuy nhiên, hiện giờ Trung Quốc là của Mao Trạch Đông, tôi e là ông không có cách nào để ở lại Liên Xô”.

Sau nỗ lực cuối cùng không thành, Phổ Nghi đành buồn bã thu dọn hành lý để trở về quê hương của mình trong nỗi sợ hãi không biết tai họa gì đang đợi mình phía trước. Chỉ sau khi nhận thông báo một ngày, ngày 31/5/1950, Phổ Nghi lên tàu hỏa trở về Trung Quốc, kết thúc 5 năm cuộc sống của một tù bình đặc biệt được ưu ái ở Liên Xô.

Hiện thực quả thật đã diễn ra không khác bao nhiêu so với dự cảm của vị “cựu Hoàng đế”. Ngay sau khi trở về Trung Quốc, Phổ Nghi trải qua 10 năm trong trại cải tạo Phủ Thuận, tỉnh Liêu Ninh cho đến khi chính quyền Trung Quốc tuyên bố là đã được cải tạo xong. Phổ Nghi đến Bắc Kinh năm 1959, với sự cho phép đặc biệt từ Chủ tịch Mao Trạch Đông và đã sống 6 tháng tiếp theo trong một căn hộ bình thường ở Bắc Kinh với em gái của mình.
d
Phổ Nghi về già

Sau đó, Phổ Nghi lại được chuyển đến một khách sạn do chính phủ tài trợ. Năm 1962, dưới sự sắp xếp của chính quyền, vị “cựu Hoàng đế” đã kết hôn với một y tá đã có một đời chồng tên là Lý Thục Hiền. Trong khoảng thời gian này, Phổ Nghi làm biên tập cho Vụ Văn học của Quốc hội Trung Quốc và được trả lương khoảng 100 tệ mỗi tháng.

Tuy nhiên, cuộc sống bình lặng của ông vua cuối cùng ở Trung Quốc không kéo dài lâu. Năm 1966, khi cuộc cách mạng văn hóa nổ ra, các Hồng vệ binh xem Phổ Nghi, một biểu tượng của chế độ phong kiến Trung Hoa là một mục tiêu dễ tấn công nhất. Vì vậy, Phổ Nghi đã phải chịu ảnh hưởng rất nặng nề từ cuộc cách mạng tàn khốc này. Đó có lẽ là lý do chỉ một năm sau đó Phổ Nghi qua đời ở tuổi 60, khi cuộc cách mạng văn hóa khủng khiếp kéo dài suốt 10 năm ở Trung Quốc mới chỉ bắt đầu.

Đại Nam
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc