Bắt đầu từ chàng trai trẻ Nguyễn Thanh Điền. Anh đang chụp ảnh cho khách ở Khu đô thị Việt Sinh An Bình, thị trấn Ba Tri, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre thì bắt gặp con chó có số phận thê thảm ấy. Bằng sự nhạy cảm của người nghệ sĩ, chỉ trong chớp mắt hình ảnh con chó bị bịt mõm được thu vào ống kính, trước khi nó chạy mất.
Hình ảnh con chó bị hành hạ, giày vò thân xác khiến Điền bàng hoàng và ám ảnh, anh đã đưa nó lên Facebook, kêu gọi mọi người chung tay cứu giúp. Sức mạnh của truyền thông thật ghê gớm, “một nhóm hỗ trợ động vật ở TP.HCM khoảng hơn 10 người đã xuống Bến Tre tìm Điền và cùng các bạn của Điền chia nhau đi tìm chú chó”.
Hình ảnh chú chó gầy trơ xương, bị bịt mõm đến hoại tử được chia sẻ trên mạng. |
Cộng đồng mạng dậy sóng, chia sẻ, bày tỏ tình cảm. Cuối cùng, nhóm cứu trợ động vật mang tên “Gia đình của bé” cùng anh Điền, và những người dân tốt bụng cũng tìm thấy con chó bị bịt mõm, rồi đưa về phòng khám thú y Saigon Pet ở quận 2, thành phố Hồ Chí Minh để cứu chữa. Con chó được đặt tên là... Lucky.
Khi các bác sĩ thú y gỡ miếng băng keo buộc lâu ngày “khiến cái mõm như muốn rớt, xương lòi ra”. Vì sao con chó lại khốn khổ khốn nạn như thế? Đồng loại loài bốn chân này không thể bịt mõm nhau tàn độc như vậy, mà chỉ là con người có hai bàn tay linh hoạt khéo léo.
Có thể con chó là nạn nhân của bọn “cẩu tặc”, chúng bắt trộm rồi bịt mõm để triệt tiếng kêu tiếng động, và nó đã chạy thoát. Có thể con chó bị quấn băng dính đen bịt mõm chờ giết thịt và may mắn nó đã chạy được.
Những người sơ cứu không cầm được nước mắt khi tháo băng keo ở mõm chú chó. |
Cũng có thể con chó hỗn hào, đã làm điều gì đó bậy bạ gây nên nỗi tức giận của chủ và người ta đã trừng trị nó bằng cách... quấn băng keo bịt mõm rồi thả rông. Dù giết thịt theo cách hành hạ, hay trừng trị con chó với mục đích gì thì cũng mang đậm màu sắc tính ác và sự nhẫn tâm của con người.
Tôi muốn phản biện lại những ai cho rằng, đừng mất công đi cứu giúp con chó gầy trơ xương như thế, trong khi đó còn bao nhiêu người tàn tật, người già cô đơn, trẻ em cơ nhỡ cần giúp đỡ hơn.
Mỗi người thể hiện lòng tốt của mình theo cách riêng, miễn là tình thương yêu ấy không chung chung, trống rỗng nặng tính hô hào, mà chân thật và có tính hiệu quả. Họ có làm từ thiện cũng là vì xuất phát từ tình thương yêu.
Chúng ta đừng nên so sánh cái kho đụn tiền bạc của tỉ phú ấy với chốn không nơi nương tựa của người cơ nhỡ, mà chỉ nên trách họ dửng dưng, thờ ơ đi qua một đứa trẻ tật nguyền đang lê lết chìa bàn tay xin từng xu lẻ. Ấy là chưa nói đến tình thương yêu, lòng tốt phải đặt đúng người, đúng chỗ.
Những người sơ cứu không cầm được nước mắt khi tháo băng keo ở mõm chú chó. |
Nếu cứ mải miết từ thiện không biết cách thì cũng sẽ làm cho nhiều Hào Anh ở Cà Mau nữa xuất hiện. Miệng ăn núi lở, cho người bất hạnh cái cần câu và hướng dẫn họ biết cách câu, còn hơn vạn lần cho họ con cá.
Tôi vẫn nghĩ: Khi bạn yêu quý bất cứ thứ gì như chó mèo, xe phân khối cao, căn nhà đẹp, đam mê ca nhạc, hay cái áo vừa ý, bạn có quyền, có tình cảm chăm sóc thứ đó và thậm chí bạn yêu quý chúng, dù không phải của mình.
Bạn bỏ ra năm triệu đồng mua cặp vé đến xem ngôi sao ca nhạc thì cũng như bạn vượt cả trăm cây số đi cứu giúp con chó bị buộc mõm bằng tình yêu thương động vật. Không vì câu chuyện này mà nói rằng bạn yêu vật hơn người.
Có lúc tôi hoang mang bởi thời nay rất khó sống. Đôi khi làm việc tốt cũng bị các “anh hùng bàn phím” nghi ngờ, xét đoán động cơ. Hãy đặt mọi câu chuyện vào hoàn cảnh cụ thể mà luận bàn, phán xét.
Cũng là giết người, nhưng hai bên dàn quân bắn nhau trên chiến trường, thì bản chất cái sự tàn sát ấy là đối kháng. Cũng là giết người, nhưng bắn một mũi tên khác với cầm dao cắt cổ họng, tính chất cái chết thông thường khác với cái chết do dã man.
Vì thế, một con chó bị quấn băng keo, bịt mõm gầy trơ xương, lang thang không ăn uống được... bao giờ cũng thê thảm hơn, đánh động, thức tỉnh tình thương hơn khi thấy con chó bị nạn bình thường.
Vả lại, con vật còn biết cứu chủ, còn biết yêu thương, nhớ nhung người chủ; huống hồ là con người sao không biết thương yêu số phận thê lương, dù đó là con vật. Không còn nghi ngờ gì nữa, con chó là vật nuôi trung thành nhất, ân tình ân nghĩa nhất trong các loại động vật.
Người ta vẫn thường nhắc đến con chó Hachiko chiều này qua chiều khác đến ga tàu Shibuya bền bỉ đợi chờ ông chủ. Con chó ân tình đến mức ông giáo sư trường Đại học Tokyo đã qua đời 10 năm, mà vẫn chờ đợi cho đến khi nó chết trong một đêm bão tuyết tơi bời. Câu chuyện con chó lan truyền đi khắp thế gian, được vào sách cho trẻ em học, được dựng thành tượng, được Hollywood làm phim.
Chú chó sau khi được sơ cứu. |
Lại có câu chuyện đau lòng về con chó rằng: Có một người đàn ông trước khi vào rừng săn bắn đã để con chó săn của mình ở nhà trông đứa con bé bỏng. Khi ông ta trở về thì không thấy đứa con bé của minh đâu, chỉ thấy sàn nhà nhoe nhoét máu và con chó vẫy đuôi mừng rỡ, há mõm le lưỡi liếm máu tươi ở hai khóe miệng. Người thợ săn giận dữ, nổi điên khùng rút dao đâm vào bụng con chó.
Con vật nuôi tru lên thảm thiết và gục xuống khiến đứa trẻ đang ngủ say dưới tấm thảm dính máu giật mình tỉnh dậy. Cùng lúc, ông ta thấy một con chó sói đã chết ở góc phòng với tấm thân đẫm máu.
Mọi người vẫn nhớ trận sóng thần kinh hoàng ở nước Nhật, trong cảnh đổ nát hoang tàn ở tỉnh Ibaraki, con chó vẫn không chịu bỏ người bạn đã chết; nó còn biết bày tỏ hành động và gương đôi mắt cầu cứu khi có người đến...
Tình cảm được nuôi dưỡng bởi cách ứng xử. Yêu vật được vật yêu, ông giáo sư đại học Tokyo hẳn rất yêu thương con chó Hachiko, nên nó mới đợi chờ bền bỉ trong cả những ngày đông tháng nóng, ông chủ thợ săn nuôi nấng con chó và yêu thương nó, nên nó mới liều mình cứu đứa con bé bỏng của ông.
Cụ Phan Bội Châu lúc bị an trí - giam lỏng ở Huế, đã lần lượt chôn hai con chó và xây cất mộ, dựng bia đá đề dòng chữ: “Nghĩa dũng cẩu chi trủng”. Việc người chủ và con vật nuôi cứu nhau, ân nghĩa ân tình là chuyện riêng của cá nhân..., cũng không có gì lạ!
Còn người dưng, còn cả cộng đồng xót xa cảm động trước hoàn cảnh và thân phận thê thảm của con vật nuôi không quen biết, gắn bó mà câu chuyện con chó bị băng dính quấn quanh mõm đến mức thân tàn ma dại, đi lang thang đói khát, da thịt mõm bị hoại tử đến mức trơ xương, được một nhóm người kì công cứu giúp là một ví dụ; thì... chỉ có thể nói đó là thuộc tính tình thương của con người.
Câu chuyện cứu giúp con chó bị nạn không chỉ là việc làm cụ thể của một nhóm người và chàng trai trẻ Nguyễn Thanh Điền, mà đã là biểu tượng của tình thương, là hành động nhân tình thương hiếm hoi giữa thời gạo châu củi quế, người khôn của khó, sát phạt mưu sinh.
Con chó bị bịt mõm ấy truyền đi thông điệp bên cạnh những kẻ dã man giày vò thể xác con vật là những người mở rộng vòng tay nhân ái, yêu thương, biết xót xa cả những chúng sinh yếu ớt bị tước đoạt, vô hiệu khả năng phòng vệ.
Người ta cứu con chó bị nạn vì tin việc làm của mình là tốt, là đúng. Giữa lúc xã hội có lúc bất ổn, hoang mang, lòng tin bị xói mòn và hoài nghi, tôi vẫn tin rằng: Câu chuyện cảm động, đau xót, rớt nước mắt đi tìm kiếm và chữa trị vết thương cho con chó bị bịt mõm là thông điệp hi vọng ở lòng tốt, tình thương yêu nhân loại, dù là lòng tốt đối với con chó bị hành hạ ốm o, đói ăn sắp chết - nạn nhân của chính con người.
Sẽ chẳng còn con gì ngoài con người! Trong vài năm trở lại đây, việc động vật bị hành hạ và động vật quý hiếm bị giết hại vì mục đích thu lợi nhuận đang diễn ra một cách đầy man rợ bởi bàn tay con người. |