Người Việt ăn cắp vặt: Vài giây lên hương, một đời xuống dốc

09:11, Chủ nhật 26/07/2015

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Thói "ăn cắp vặt" đã tồn tại từ lâu trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh người Việt trong mắt bạn bè quốc tế.

Không ai biết thói "ăn cắp" xuất hiện từ bao giờ. Chỉ biết rằng cuối thập niên 30 và sang đầu thập niên 40 của thế kỷ trước trước chính là thời đại hoàng kim của…nạn ăn cắp, với "những thằng ăn cắp" mà ta đã quen mặt trong các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng. Xã hội dưới ách thống trị thực dân đã sản sinh ra những con quái vật méo mó, vừa độc ác vừa đáng thương. Cái đói, cái khổ khiến con người đối xử với nhau không khác gì loài thú, và ăn cắp nghiễm nhiên được coi như một kế sinh nhai của kẻ cùng đường.

Những tưởng thói ăn cắp sẽ biến mất cùng với xã hội thối nát đó. Nhưng không, khi đời sống của người dân trong nước được cải thiện đáng kể, thói xấu này được “trình bày” phổ biến dưới dạng "ăn cắp vặt", tức là ăn cắp những thứ không có giá trị hoặc ăn cắp một lượng rất nhỏ thứ gì đó.

Phải chăng, vì chữ "vặt" đã làm giảm nhẹ tính nghiêm trọng của tội danh ăn cắp nên thói xấu này vẫn tồn tại cho tới ngày hôm nay? Để rồi cứ dăm bữa nửa tháng lại thấy tin người Việt ăn cắp ở nước ngoài. “Thằng ăn cắp” thời hiện đại không khố rách áo ôm, không mắt la mày lém mà sở hữu một diện mạo của người vừa có tiền vừa có học thức. Trong danh sách người Việt từng bị bắt giữ ở xứ người vì tội ăn trộm có sự góp mặt của khách du lịch, tiếp viên hàng không, biên tập viên đài truyền hình và cả giám đốc một công ty tên tuổi. Gần đây nhất, vụ việc du khách Việt ăn cắp hàng hiệu (cụ thể là ba chiếc kính thời trang) bị bắt tại Thụy Sĩ đã cho thấy nguy cơ “đeo mo” mà các hướng dẫn viên hay các hãng lữ hành trong nước phải đối mặt khi đưa khách du lịch nước ngoài.

Mô tả ảnh.
Giấy phạt tiền của cảnh sát Thụy Sĩ cho hai du khách Việt. 

Thói ăn cắp phổ biến trong đời sống thường nhật, quen thuộc tới nỗi bản thân kẻ cắp cũng không ý thức được hành vi của mình là xấu. Với sự biến hóa muôn hình vạn trạng của nạn ăn cắp vặt, "tinh thần cảnh giác" của người dân được đẩy lên cao theo lẽ tự nhiên.

Người đi chợ căng mắt nhìn chằm chằm chiếc cân đồng hồ, ấy thế mà ngoảnh đi ngoảnh lại, bà bán hàng đã xẻo bớt miếng thịt trước khi bọc vào túi cho khách. Người mua xăng ngây thơ thường mặc kệ nhân viên cây xăng bơm bao nhiêu thì bơm; một hôm trái gió trở trời quan sát trụ bơm mới tá hỏa vì nhân viên bơm xăng không hề chỉnh đồng hồ đo xăng về số 0 mà đổ chồng lên lượng xăng của người khách trước. Từ dạo quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi xe gắn máy có hiệu lực, người dân còn phải cảnh giác với các đối tượng “nhảy” (trộm) mũ có mặt mọi nơi. Ngay cả ô tô để ngoài đường cũng trở thành miếng mồi ngon cho đạo chích chuyên trộm gương, bánh xe…

Ngoài ra, một bộ phận người Việt vẫn coi siêu thị là cửa hàng ăn uống miễn phí, họ thoải mái bóc bánh kẹo, bật lon nước ngọt “xài thử” ngay tại chỗ...mà không hề cảm thấy xấu hổ, ngượng ngùng. Chẳng biết đến bao giờ siêu thị Việt Nam áp dụng chế độ "ăn uống trước, trả tiền sau", khách hàng thoải mái ăn uống rồi tự giác mang bao bì thực phẩm, vỏ lon...đã sử dụng ra quầy thanh toán như siêu thị nước bạn.

Cuộc sống vốn rất công bằng, vay thì phải trả. Hôm nay, bạn lấy của người ta mười đồng, ngày mai sẽ có người lấy đi của bạn gấp đôi, gấp ba. Ăn cắp vặt không khiến cho bạn giàu lên. Thói xấu ấy là một bàn đạp tự động có khả năng thỏa mãn tâm lý trong giây lát nhưng lại luôn chờ trực để hất cẳng kẻ đang dương dương tự đắc đứng trên nó xuống bùn đen, cả đời không ngóc đầu lên được!

Bao giờ chúng ta thôi ăn cắp?
Chuyện người Việt Nam ra nước ngoài sinh sống ăn cắp bị bắt không còn là lạ. Vậy tại sao chúng ta lại thích ăn cắp và bao giờ thì chúng ta thôi ăn cắp?

 

 

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: trang.nt