Những ngày vừa qua, cư dân mạng được dịp “rửa mắt” với một bộ ảnh cô gái thổ dân bán nude (bán khỏa thân) có gương mặt xinh xắn, ngoại hình “nóng bỏng” khiến ai nhìn cũng phải trầm trồ ồ à, những bộ ảnh như vậy không hiếm hiện nay. Tuy nhiên tính nghệ thuật của chúng đến đâu vẫn còn là một điều đáng suy ngẫm.
Trong bài này, tôi không nói riêng một bức hình nào, kể cả là bức hình cô thổ dân kia (mặc dù chẳng ai biết cô là ai trước khi bức ảnh xuất hiện), mà chỉ nói đến hiện tượng chụp ảnh nude hiện nay của một bộ phận những “người chụp ảnh”.
Một trong những bức ảnh trong bộ ảnh của “cô gái thổ dân” bốc lửa được đăng tải trên mạng. |
Những bức ảnh chân dung (hay toàn thân), theo tôi, phải là những biểu cảm gương mặt, thần thái ,cảm xúc hay qua đó thể hiện cá tính nhân vật (người mẫu) chứ không nhất thiết phải là thân hình bốc lửa hoặc gương mặt xinh lung linh. Tất nhiên nếu có các yếu tố đó thì càng tốt, nhưng chỉ để tôn lên ý đồ nghệ thuật của bức ảnh, không nhất thiết phải có nó thì bức ảnh mới có hồn, mới đẹp.
Một người không xinh nhưng có hồn thì khi ngắm nhìn bức ảnh, ta thấy đẹp và cuốn hút hơn nhiều những gương mặt xinh kiểu “trăm người như một” và uốn éo, khoe da thịt.
Có những bức ảnh chụp người già, trẻ con hay phong cảnh rất có hồn, rất sống động và khi nhìn vào đó ta bị cuốn hút ngay lập tức, đó mới thực sự là những bức ảnh đẹp. Chứ không phải chỉ cần mặt xinh da trắng, người “ngon” đứng ngồi nằm ưỡn ẹo kiểu khiêu khích, kích thích người xem.
Bỗng tôi nhớ đến một câu chuyện thế này:
Cô gái hỏi chàng trai: “Tại sao anh yêu em?”
Chàng trai trả lời: “Anh không biết. Yêu thì yêu thôi.”
Nhiều người cho đó là cách giải thích vớ vẩn nhất của cánh đàn ông (vì họ hay nói thế) nhưng không, tôi thì cho là rất thật. Bởi nếu chàng trai nói: “Anh yêu em vì mặt em xinh...” hay thậm chí là “em ngoan, dễ bảo” đi chăng nữa thì những thứ ấy rồi cũng có thể sẽ thay đổi. Liệu khi đó anh ta còn yêu cô gái nữa không?
Ngắm ảnh cũng thế. Ta nhìn một bức ảnh đẹp, chỉ bởi nó đẹp và cuốn hút mà có thể ta không hiểu vì sao. Chúng ta thường cảm nhận bằng mắt, bằng tim và tâm hồn chứ đâu phải vì những “bộ phận hấp dẫn chết người” kia (trừ những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp họ quan tâm đến các vấn đề như tối sáng, kỹ thuật, góc chụp, phông nền, chỉnh màu,...).
Nhưng bây giờ, nhiều người chiêm ngưỡng tác phẩm chỉ nhăm nhăm vào cái “mặt đẹp, người ngon” của mẫu ảnh. Thật “thực dụng” hết sức!
Một bức ảnh đẹp là khi nhiều người ở mọi lứa tuổi xem đều cảm thấy đẹp chứ không phải chỉ dựa vào số đông của một loại giới tính và khoảng độ tuổi nhất định nào đó như những bộ ảnh nude đang hướng tới bây giờ.
Một bức ảnh nude đẹp là phải “gợi cảm” chứ không “gợi dục”.
Ảnh nude nghệ thuật của Dương Quốc Định. |
Có một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp đã nói rất thẳng thừng rằng “Nhiếp ảnh không phải công cụ để làm cầu nối với gái gú!”
Tôi rất đồng ý với quan điểm này. Bởi bây giờ ảnh nude và một số những người thực hiện đang biến tướng cái vẻ đẹp nghệ thuật của nó đi bằng những chiêu trò rất rẻ tiền và đáng khinh bỉ. Nó là sự xúc phạm nghệ thuật và làm ảnh hưởng đến danh tiếng những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, có tâm với nghề bởi sự quy chụp.
Đồng ý là chuyện thả rông hay nude nghệ thuật đẹp, nhưng đừng lạm dụng điều đó. Bởi ngày xưa áo yếm vẫn đẹp và quyến rũ đấy thôi. Dù rằng việc cảm nhận của mỗi người là khác nhau, nhưng nếu phản cảm quá thì ai cũng sẽ cảm nhận được.
Còn thế nào là “phản cảm quá” ư? Đúng! Rất khó để có thể định nghĩa chính xác bởi với người này là phản cảm nhưng với người khác là không (cái này còn tùy thuộc vào suy nghĩ và quan điểm của mỗi người) nhưng nếu xem một bức ảnh mà chẳng thấy gì đặc biệt ngoài thân hình “bốc lửa” của người mẫu cứ ngồn ngộn đập vào mắt thì cũng hơi… khó thở và khó chịu.
Nếu có ai đó cho rằng nghệ thuật là phải sáng tạo, phải phá bỏ những khuôn phép thông thường, không giới hạn bất cứ cái gì, thì đúng. Nhưng nó phải đẹp theo đúng nghĩa của nó, chứ không phải cứ “cởi” và “mở” mới là đẹp.
Kể cả có chụp chơi, chỉ với mục đích giải trí thì cũng đừng để mang tiếng những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, có tâm với nghề.
Tôi quen một anh “thợ chụp ảnh” (anh tự nhận thế) chụp rất đẹp, những bức ảnh phong cảnh và con người rất có hồn, khiến một người “mù nghệ thuật” như tôi cũng có thể cảm nhận được (dù chưa đủ) ý tưởng của tác giả. “Tuyên ngôn” của anh khi hành nghề là “Không bao giờ chụp gái!” (từ “gái” ở đây hiểu theo nghĩa người đẹp chứ không phải giới tính). Có lẽ anh sợ sẽ bị đánh đồng với những “chú sâu xinh xinh” kia chăng?
Vì sao những bức tượng thần Vệ Nữ hay những bức họa của các họa sĩ thời kỳ phục hưng cũng là ảnh nude, tượng nude nhưng nổi tiếng khắp thế giới, xuyên thời gian và không gian? Xin thưa, tác giả họ gửi gắm hết những thông điệp rõ ràng trong các tác phẩm. Mỗi chi tiết đều có ý nghĩa của nó. Nó đẹp theo một cách rất “nghệ thuật” chứ không phải chỉ để ngắm mà thôi.
Chụp ảnh là để ghi lại những khoảnh khắc thiêng liêng của cuộc sống. Vậy nên làm ơn, đừng vấy bẩn lên nó, bằng bất cứ giá nào, dù chỉ một chút.
Lòng đàn bà, dạ con nít Thật ra, đàn bà chả cần đao to búa lớn, chả cần hoành tráng tới mức ba hoa, đàn bà chỉ có thể cảm động trước sự san sẻ chân thành, mộc mạc... |