Những kỷ lục xấu hổ bậc nhất xứ ta!

12:44, Chủ nhật 26/07/2015

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Không biết tự bao giờ, một số người ở nước ta lại có cái ý thích quái gở, khác người, là thích những “kỷ lục”, và thi nhau lập kỷ lục.

Ấy là chai rượu to nhất, tô phở to nhất, ly cà phê to nhất, bức tượng cao nhất, cái bánh chưng to nhất, bánh phồng tôm to nhất...

Tất cả những thứ “nhất” ấy chỉ có giá trị hão, chứ giá trị sử dụng hầu như không có. Hồi cái bánh chưng to nhất cung tiến đền vua Hùng, khi xắn ra chia cho mọi người thì không ai có thể ăn được, bởi chỗ thì sống, chỗ thì thiu, chỗ thì nhão.

Cái tô hủ tiếu kỷ lục cũng thế, được quảng cáo là có thể phục vụ cho 1000 người ăn nhưng cuối cùng đã phải đổ bỏ, bởi đơn giản ai cũng biết, hủ tiếu đã chan nước vào là phải ăn ngay không nó vữa. Đằng này chỉ nguyên việc huy động người đứng vào giơ tay giơ chân để chụp ảnh đã đủ tô hủ tiếu thành một thứ gì rồi. Trong khi bao nhiêu dân nghèo không có mà ăn. Các cháu trong chương trình “cơm có thịt” nhiều cháu chưa biết mùi hủ tiếu là như thế nào?

Mô tả ảnh.
Hủ tiếu đã chan vào nước là phải ăn ngay, nếu không sẽ vữa, thế mà...

Và mới nhất là cái bánh tét to và dài nhất, 21 mét, tương ứng với 21 năm đất nước ta bị chia cắt do một cái khách sạn nào đó nghĩ ra, dâng cúng nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn nhân ngày 27 tháng 7 – Một ngày linh thiêng thế mà vẫn có những kẻ lợi dụng làm trò hề. Hết biết. 

Năm nào cũng có vài ông rồ nghĩ ra một thứ kỷ lục nào đó, rồi tuyên truyền, rồi ồn ào các kiểu. Rồ, chắc chắn, hoặc là đầu óc không bình thường, tạo nên một cơn sóng các loại... kỷ lục, khuyến khích thói háo danh và cả háo thắng của con người. Trong khi đó, nước ta đã từng có những “kỷ lục” cố giấu mà vẫn lòi ra, ví dụ con đường đắt nhất hành tinh.

Mọi người chê cứ chê, chửi cứ chửi, còn mấy ông rồ vẫn thắng, bởi mục đích chính của họ là quảng cáo. Càng nhiều người biết thì quảng cáo càng thắng...

Tất nhiên, nó có sự góp tay của giới truyền thông, của tính tò mò của con người, của cộng đồng, để, những cái gọi là kỷ lục này năm nào cũng xuất hiện. Văn hoá Việt Nam không có mấy trò này, văn hoá tâm linh càng không, văn hoá XHCN đậm đà bản sắc dân tộc cũng không.

Vậy thì nó từ đâu ra? Đồ chừng nó là sản phẩm của những suy nghĩ quái gở xuất hiện trong thời kỳ còn đầy những hỗn mang, ở đấy, sự lòe loẹt, những giá trị ảo, mù mờ, những bọt bong bóng xà phòng nhiễu sắc, những sự lệch lạc, thậm chí là bệnh hoạn... xuất hiện trong sự tiếp tay, hoặc cố ý hoặc vô tình của một nhóm người. Ví dụ, năm nay ban quản đền Hùng tuyên bố không nhận cung tiến những thứ bất bình thường, những “kỷ lục”, thế là “kỷ lục” hết phép, nó lại chạy sang nơi khác.

Nói không với những kỷ lục ảo, dối trá, vênh váo, phi thẩm mỹ, phi nhân văn, phi nhân tính... được quá đi chứ, miễn là chúng ta sống một cách bình thường, không bị ảo giác đánh lừa, không bị dẫn dụ bởi những phù phiếm hư danh và cả những lợi ích vật chất phi lý...

Nước ta thật lắm người tài!
Bạn đừng ngạc nhiên khi ở đất nước này ‘ra ngõ là gặp anh hùng’. Và ngay cả tôi, nói một cách khiêm tốn, tôi cũng là một người tài.
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: trang.nt