(Phunutoday) – “Tết năm nay, ngoài việc thay đổi một số đồ dùng trong nhà như bàn ghế, tivi, tủ lạnh hay sơn sửa lại nhà cửa… anh phải đi lùng và đặt mua một cây đào rừng tận trên Sơn La, cả chi phí vận chuyển về đến Hà Nội cũng phải hơn 500 triệu… Bên cạnh đó còn phải đặt mua đặc sản đủ miền, đổi xe ôtô và đặc biệt nhất là Tết này có thể “rinh” được bức tranh đá quý mà anh đặt làm cả năm trời để treo giữa nhà…”
[links()]
Vung tiền săn lùng hàng độc
Để tiếp xúc và thâm nhập được vào “thế giới đại gia” không phải là việc dễ dàng và ai cũng làm được. Bởi mỗi ngành nghề, mỗi tầng lớp đều có những “yêu cầu” riêng của nó, phải đạt được những “yêu cầu” đó thì mới được xếp vào hàng ngũ. Và tất nhiên, để được xếp vào hàng “đại gia” thì yếu tố đầu tiên là phải có thật nhiều tiền và phải biết tiêu tiền. Tết chính là một trong những dịp để các đại gia thể hiện đẳng cấp “tiêu tiền” của mình.
“Nếu chỉ có thật nhiều tiền thôi thì chưa đủ. Có thể em là chủ của hàng chục ngôi biệt thự, có hàng trăm mảnh đất nhưng những đồ dùng, vật dụng ở nhà, trên người không sang trọng, không quý giá thì cũng chỉ là hạng bình thường thôi. Một người giàu có và đẳng cấp thật sự thì không chỉ biết kiếm tiền, đổ vào bất động sản mà còn phải biết cách tiêu tiền, tiêu tiền một cách thông minh và đẳng cấp. Bởi thế nên không phải bỗng nhiên mà người ta đi truy lùng và đổ tiền vào các sản vật quý giá, độc nhất vô nhị…” – Anh Quang (Tây Hồ, Hà Nội), Tổng Giám đốc của một công ty bất động sản có tiếng cho biết.
Chia sẻ về việc chuẩn bị cho Tết Nhâm Thìn của những “đại gia”, anh Quang bộc bạch: “Trong một năm thì Tết âm lịch luôn được đề cao nhất và cũng là dịp để mọi người khoe, ganh đua với nhau. Bởi suy nghĩ và tình cảm của những người có tiền khác lắm, nó không chân tình, thành thật như những người bạn không có tiền. Nói là bạn nhưng thực chất là bạn ăn chơi, là ganh đua, bạn quan hệ làm ăn thôi, nên soi mói nhau từng tí. Nếu như anh không đáp ứng, không “chơi” cùng thì sẽ bị coi thường, loại bỏ và sẽ không thể “phát” trong công việc kinh doanh được.
Còn Tết nhà tôi năm nay thì cũng có cái giống và khác so với năm ngoái. Ngoài việc thay đổi một số đồ dùng trong nhà như bàn ghế, tivi, tủ lạnh hay sơn sửa lại nhà cửa… tôi phải đi lùng và đặt mua một cây đào rừng tận trên Sơn La, cả chi phí vận chuyển về đến Hà Nội cũng phải hơn 500 triệu… Bên cạnh đó còn phải đặt mua đặc sản đủ miền, đổi xe ôtô và đặc biệt nhất là Tết này có thể “rinh” được bức tranh đá quý mà tôi đặt làm cả năm trời để treo giữa nhà…” – anh Quang cho biết.
Riêng cây đào rừng mà anh Quang cất công đặt mua tận Sơn La có giá hơn 500 triệu cũng đã là một kỳ công lớn. Để sở hữu được cây đào này, anh Quang phải nhờ người tìm kiếm từ hai năm trước. Sau đó phải đặt trước cho chủ của nó 100 triệu từ cách đây hơn 1 năm, để họ chăm sóc cẩn thận, vun vén cho đến khi cây ra đúng thế “Phúc, Lộc, Thọ” thì mới tiến hành “rinh” cây về Hà Nội.
“Mặc dù mình là người tìm ra cây đào đó đầu tiên nhưng sau khi đặt tiền rồi cũng có nhiều người đến tranh giành, trả giá cao hơn. Giá ban đầu mà tôi thoả thuận với người chủ là 200 triệu cây đó, đặt trước một nửa và hẹn khoảng Tết năm nay là đánh về, nhưng những người đến sau cứ trả lên, trả lên. Cuối cùng cách đây 8 tháng tôi phải thân chinh lên tận nơi, bỏ ra 500 triệu làm giấy mua bán luôn, chứ không đặt tiền và chờ nữa. Mua thì mua rồi, của mình rồi nhưng để vận chuyển về đến đây thì cũng là cả một vấn đề và chi phí cũng kha khá. Bởi vì từ năm ngoái đã có luật cấm vận chuyển đào rừng về thành phố, nhất là những cây đào bề thế như vậy, nên nguyên tiền trả cho đường dây vận chuyển cũng gần 80 triệu nữa và khoảng 1 tuần nữa thì cây đào sẽ về đến nhà tôi.” - Vừa nói anh Quang vừa cười khoái chí.
Gốc đào rừng mà anh Quang định mua về chơi tết (ảnh nhân vật cung cấp) |
Còn kể về bức tranh đá quý đặt cách đây 1 năm, anh Quang cho biết, đó là bức tranh về ông thần tài được làm bằng hàng trăm loại đá quý khác nhau, nhập từ khắp nơi trên thế giới. Bức tranh có diện tích 1m x 60 với khoảng 300 màu sắc ánh lên từ các loại đá quý hiếm. Để làm ra bức tranh này, anh Quang phải thuê riêng một người am hiểu về các loại đá quý đi khắp nơi để tìm mua, đặc biệt là sang tận Pháp, Úc, Hồng Kông, Trung Quốc… Những loại đá quý sử dụng trong bức tranh còn phải đúng tiêu chí là hợp với phong thuỷ và số mạng của vợ chồng anh Quang. Bên cạnh đó, anh Quang còn phải thuê thêm một người vẽ bản thiết kế, một nghệ nhân lành nghề đứng ra chỉ đạo và hàng chục người khác thi công. Từng đường nét, cách phối hợp màu sắc đều được làm một cách chi li, tỉ mỉ, và tổng chi phí cho bức tranh đá quý này lên đến 15 tỷ đồng.
“Năm vừa rồi công ty làm ăn phát đạt hơn năm trước nên tôi cũng định thay xe. Theo thông lệ thì mỗi năm ít nhất thay xe ôtô một lần vào dịp Tết. Năm nay tôi sẽ đổi sang con Rolls-Royce Phantom. Còn những đồ dùng, thiết bị ở nhà cũng đã đặt mua bên nước ngoài và chờ vận chuyển về đến Việt Nam. Quan điểm của tôi là thích dùng hàng ngoại hơn, vì nó có giá trị, độ bền và sự tinh tế khác hẳn. Được cái là người thân, bạn bè ở nước ngoài cũng nhiều, nên đặt mua ở bên đó không khó khăn lắm” – Anh Quang chia sẻ.
Được biết, bộ sofa mà anh Quang mới mua cũng được đặt là riêng tại Ý. Tivi, tủ lạnh, điều hoà, máy giặt đều do vợ chồng anh cất công tìm mua từ Nhật, đồ sành sứ thì đặt mua tại Trung Quốc… và tất cả đều phải là những thứ hoàn mỹ, thật độc và cũng thật đắt tiền.
Sơn hào hải vị… thứ gì cũng có
“Riêng về khoản ẩm thực thì do bà xã nhà tôi lo liệu. Như mọi năm là chúng tôi thuê riêng một đầu bếp nổi tiếng ở khách sạn Hilton về nấu nướng trong ngày tất niên, còn những ngày trong Tết thì lần lượt thuê các đầu bếp về nấu các món đủ vùng miền.
Bức tranh đá quý nhiều màu sắc mà anh Quang dự định đặt mua (ảnh nhân vật cung cấp)) |
Riêng chuyện thuê đầu bếp nấu nướng thôi cũng phức tạp lắm. Vì những đầu bếp giỏi thì người ta thiếu gì tiền, các quan chức khác cũng săn đón nữa, làm cả năm rồi nên Tết đến đầu bếp người ta cũng muốn nghỉ ở nhà để nấu ăn cho người thân. Thế nên chỉ có thể mời mọc dựa vào mối quen biết của mình, người ta nể thì giúp thôi. Được cái vợ tôi quan hệ tốt và rất khéo léo nên ai cũng quý, có lời là phần lớn đều nhận giúp. Một điểm khác biệt là gia đình bạn bè tôi thường hay thích đồ Tây, còn riêng gia đình tôi thì Tết nào cũng theo đồ truyền thống. Mỗi năm bà xã đều cất công thuê các đầu bếp nghiên cứu món ăn mới trước cả tháng, vừa truyền thống, vừa lạ miệng để tiếp đãi bạn bè. Năm ngoái thì có bánh chưng gấc đỏ, bánh chưng đen, còn nghe nói năm nay sẽ có món bánh trưng trứng cá hồi… Các loại đặc sản hươu, nai thì thú thật là năm nào cũng có, nhưng mỗi năm sẽ có một cách nấu khác nhau để tạo ra các món ăn khác nhau.”
Hoa quả mà vợ chồng anh Quang chuẩn bị cho những ngày Tết cũng rất cầu kỳ. Ngoài các loại Cherry xuất xứ Tây Ban Nha có giá vài triệu đồng 1 kg thì năm nay vẫn không thể thiếu được dưa hấu thỏi vàng, dưa hấu vuông Phúc Lộc Thọ và bưởi hồ lô có chữ Tài Lộc… hay các loại đào Úc, táo Nhật…
Rượu cũng là một trong những thứ đồ uống được anh Quang cực kỳ “đầu tư”. Ngay từ tháng 6/2011, trong một chuyến công tác tại nước Pháp, anh Quang đã đặt hai chai rượu vang của xứ Bordeaux "thủ phủ" của rượu vang, một thành phố cảng miền Tây Nam nước Pháp, được ủ cách đây gần trăm năm.
“Cả năm mới có được mấy ngày Tết nên dù là người nghèo nhất hay giàu nhất cũng cố gắng lo cho một cái Tết trọn vẹn. Riêng đối với chúng tôi thì Tết không chỉ đơn thuần là sum họp gia đình mà còn phải ngoại giao, tiếp khách và chuẩn bị cho những kế hoạch làm ăn trong năm mới nữa, nên càng phải chuẩn bị cho cẩn thận và tiêu tiền sao cho thật “thông minh” nữa.” – anh Quang cho biết.
- Việt Dũng - Duyên Duyên