Một người dân rơi nước mắt trước ngôi nhà số 30 Hoàng Diệu |
Theo Đại tá Nguyễn Huyên, trong gần 40 năm giúp việc cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông chưa bao giờ bị Đại tướng mắng. Ông cũng chưa bao giờ thấy Đại tướng cáu gắt với con cháu trong gia đình. Khi có việc gì đó không bằng lòng thì Đại tướng không mắng mà chỉ nhắc nhở nhẹ nhàng thôi.
"Mỗi khi có tâm tư tiêng, lúc làm việc hoàn cảnh gia đình có vấn đề như những lúc vợ con ốm đau, Đại tướng rất quan tâm, Đại tướng nhắc nhở: Về xem tình hình sức khoẻ của chị ấy như thế nào. Những lúc như thế, tôi cảm thấy rất ấm lòng. Mình cũng cảm thấy vui vì được làm việc với một vị lãnh đạo luôn nghĩ tới cấp dưới như thế. Mỗi khi giao việc, Đại tướng cũng trao đổi để giúp đỡ hoàn thành nhiệm vụ", Đại tá Nguyễn Huyên kể.
Người trợ lý trọn đời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp thổ lộ: "Khi khoẻ mạnh thì Đại tướng hay cười lắm. Gặp khách thì cứ cười cái đã chứ không nghiêm nghị như mọi người vẫn tưởng. Cho nên người ta đặt cho Đại tướng danh là “Đại tướng Nhân dân”.
Đại tá Nguyễn Huyên có một niềm vui đặc biệt, không gì vui bằng, đó là "những ngày lễ tết, đồng bào, đồng chí đến thăm Đại tướng rất đông. Tôi cảm thấy mệt nhưng rất vui vì đó là tấm lòng của nhân dân. Được phục vụ một đồng chí được dân quý trọng như thế thật tuyệt vời".
Còn trong buổi giao lưu trực tuyến với tòa soạn Bee.net.vn cách đây 3 năm (ngày 17/8/2010), trước câu hỏi của một độc giả làm thế nào để có thể gặp được Đại tướng, Đại tá Trịnh Nguyên Huân, người trợ lý có gần 35 năm gắn bó với Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho biết:
"Để gặp Đại tướng không khó nhưng do thời gian có hạn, và công việc của Đại tướng cũng nhiều. Cho nên để đáp ứng được mong muốn của tất cả mọi người thì rất khó".
Ông kể: "Có những cựu chiến binh đi từ Quảng Bình, gọi điện đến báo sẽ đến, đến gặp chỉ nói một câu đơn giản: "Báo cáo anh em đã hoàn thành nhiệm vụ", gửi một vài món quà quê, rồi chào Đại tướng về ngay để kịp chuyến tàu. Những cuộc gặp đó thể hiện tình cảm bình dị của người lính với Đại tướng".
Tình cảm người dân đất Việt dành cho vị Đại tướng Nhân dân vẫn còn nguyên vẹn, khi bao nhiêu nước mắt, câu nói cũng không thể hiện hết được niềm tiếc thương, kính trọng họ dành cho vị tướng một đời vì dân vừa mãi mãi ra đi.
Theo thông báo từ gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chiều 6/10, nhà Đại tướng sẽ mở cửa để đồng bào cả nước vào dâng hương tưởng nhớ.
Tuy nhiên, ngay từ tối 5/10, đồng bào Thủ đô từ khắp ngả đã đổ tới số 30 Hoàng Diệu (Hà Nội) để thể hiện niềm thành kính với vị anh hùng dân tộc.
Những giọt nước mắt nghẹn ngào, những nhành hoa đặt trước nhà Đại tướng, và cả đoàn người mỗi lúc một đông vái vọng vị tướng kiệt xuất của dân tộc.
Trong khi đó, từ sáng 5/10, tại nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, rất đông người từ khắp nơi cũng đã về thắp hương viếng vọng Đại tướng.
Nhiều người đã vượt hàng trăm cây số từ Huế, Quảng Trị... để đến thắp hương tưởng nhớ vị đại tướng tài ba của dân tộc.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Khoa, TP Huế vừa nghe tin cùng vợ chồng người em ruột mới từ TP.HCM ra tức tốc thuê xe ra ngay nhà Đại tướng.
Vuốt tay lên bức di ảnh Đại tướng, bà Khoa khóc nức nở. Bà Khoa tâm sự vợ chồng em gái bà từ TP.HCM bay ra đang định ghé thăm nhà ông. Không ngờ chưa kịp đi thì đã nghe tin Đại tướng từ trần.
Là người cùng quê với Đại tướng nhưng bà không may mắn được gặp trực tiếp ông. Mỗi lần nghe ông về quê, bà cùng mọi người dân hớn hở đón ông nhưng do đông người nên cũng chẳng bao giờ được được gặp trực tiếp. “Đó là điều tiếc nuối nhất của tôi”, bà Khoa nghẹn ngào.
Bà cho biết sẽ cố gắng ra Hà Nội để được vào viếng Đại tướng lần cuối.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm đền Hai Bà Trưng, Hát Môn, Phúc Thọ (Hà Tây cũ); một lão nông tặng đĩa bánh trôi tượng trưng cho lòng kính trọng của dân làng đối với người có công với dân, với nước - Ảnh tư liệu |
Sáng cùng ngày, người dân thôn An Xá cũng tập trung tại nhà Đại tướng. Mỗi người một tay, người ra vườn hái bưởi, cắt chuối, người thu dọn bàn ghế trong nhà, người thắp nhang, đốt đèn cầy... Tất cả cứ lặng lẽ làm việc của mình. Không ai bảo ai, họ biết mình phải là những người kìm nén mất mát lớn lao này để lo chu toàn công việc tại đây, dù cho toàn thể đồng bào đang rơi nước mắt.
Một cụ già cao lớn, nói tiếng sang sảng, không ai biết là ai từ ngoài cổng chạy vào nhà “Đại tướng đã đi thật rồi sao”. Người lính già ấy là ông Nguyễn Thanh Hoanh (68 tuổi, ở Đồng Hới) - nguyên là trợ lý tham mưu công binh binh trạm 14. “3h sáng, tôi mở máy tính đọc báo mới biết tin cụ mất, nhưng tôi không tin. Sáng nay, tôi chạy xe về đây ngay xem có đúng sự thật không. Tôi vừa đi vừa khóc. Đến nơi... thì đúng là cụ mất rồi”, ông Hoanh chia sẻ.
Ông Hoanh nhớ lại bao kỷ niệm với Đại tướng: “Hồi ấy, bác về thăm chúng tôi, bắt tay từng người. Thấy nhiều chị em thiếu thốn, bác cho mỗi người 1 bánh xà bông, 1 miếng vải màn. Bác đã nhiều lần về thăm chúng tôi, cho đến năm vừa rồi, bác vẫn nhớ tiểu đội của tôi ai còn, ai mất”.
Ông Võ Văn Sỏn - hàng xóm (79 tuổi, thôn An xá): “8h tối hôm qua (4/10-PV), đứa con ở Vũng Tàu điện về báo tin Đại tướng mất lúc 6h chiều. Tôi chạy đi ra đi vô qua nhà nhưng không thấy có động tĩnh chi cả, tôi cũng chưa tin. 5h sáng ni (5/10-PV), tôi qua đây thì đúng là bác mất rồi. Đau xót quá! Quá đột ngột! Một lần về quê, bác đi từng nhà, thăm từ già tới trẻ.”