Lời vĩnh biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp

10:43, Thứ bảy 05/10/2013

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday)-Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị tướng tài ba một đời vì dân, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam, đã từ trần vào cuối giờ chiều 4/10 tại Hà Nội, thọ 103 tuổi.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra đi để lại sự tổn thất vô cùng lớn lao cho Đảng, cho Nhà nước, cho nhân dân và đặc biệt là với Quân đội.

Rất nhiều nước mắt và sự thảng thốt. Tin Đại tướng ra đi dù như được báo trước vẫn là một tin sét đánh, tin đau thương choáng váng.

Giáo sư Phan Huy Lê: Chim đại bàng bay về nơi vô tận

Chia sẻ trên báo Thanh niên, GS, nhà sử học Phan Huy Lê viết:

"Từ Tuần lễ văn hóa Toulouse trở về nhà khoảng 20 giờ 30 tối qua, tôi được tin sét đánh: Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từ trần lúc 18 giờ 09 ngày 4/10/2013 tại Bệnh viện Quân đội 108.

Đại tướng nằm viện từ hơn hai năm nay và tuổi cao, sức khỏe giảm sút dần, nhưng vẫn tỉnh táo khi có người vào thăm. Ai cũng biết quy luật của tạo hóa là “nhân sinh tự cổ thùy vô tử” nhưng ai cũng cầu mong kéo dài cuộc sống của Đại tướng với niềm hy vọng thiêng liêng.

Chính vì vậy tin Đại tướng ra đi dù như được báo trước vẫn là một tin sét đánh, tin đau thương choáng váng.

Tất cả chúng ta và cả thế giới đều biết Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Đại tướng tổng tư lệnh đã chỉ huy hai cuộc kháng chiến giành lại độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc Việt Nam, là một trong những vị tướng soái, một nhà chiến lược quân sự lừng danh nhất trong lịch sử nhân loại. Trong hai cuộc kháng chiến này, Đại tướng được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng tin cậy giao trọng trách nắm toàn bộ quyền chỉ huy quân sự với cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tổng tư lệnh quân đội và Bí thư Tổng quân ủy.

Ông đã hoàn thành xuất sắc trọng trách đó, xứng đáng với niềm tin yêu của quân đội và nhân dân. Ông được quân đội tôn vinh là “Người anh cả của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam” và nhân dân coi ông là vị tướng của nhân dân.

Đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về cuộc đời và binh nghiệp rạng rỡ của ông được xuất bản trong nước và trên thế giới. Tên tuổi, sự nghiệp, cống hiến của ông đã đi vào nhiều từ điển bách khoa và bách khoa thư của các nước. Việt Nam - Hồ Chí Minh - Võ Nguyên Giáp đã từng vang lên trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhiều nước như biểu tượng của Việt Nam, ngọn cờ tiền phong của phong trào chống chủ nghĩa thực dân trên thế giới.

Ông trở thành một vị tướng huyền thoại của chiến tranh nhân dân, tiêu biểu cho sức mạnh của một nước thuộc địa bị coi là “nhược tiểu” dám đương đầu và chiến thắng những đế chế hùng mạnh bậc nhất của thời đại.

Vị tướng độc đáo

Đối với Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một thiên tài quân sự, một anh hùng dân tộc, một nhà văn hóa, nhà sử học lớn. Con người, sự nghiệp của ông đã đi vào lịch sử, đã được ghi tạc vào lòng dân muôn thuở không mờ phai.

So với nhiều thống soái trong lịch sử Việt Nam và thế giới, ông có những nét độc đáo.

Trong số các vị tướng lừng danh trên thế giới, ông là người duy nhất đã sống trên trăm tuổi, xuyên suốt gần cả thế kỷ 20 sang đầu thế kỷ 21.

Ông là người cùng toàn quân, toàn dân viết lên những trang sử oanh liệt chống ngoại xâm và là người chép lại chính những trang sử đó. Những hồi ký Chiến đấu trong vòng vây, Đường tới Điện Biên Phủ, Điện Biên Phủ: điểm hẹn lịch sử, Tổng hành dinh trong mùa xuân đại thắng là những bộ sử sống động của hai cuộc kháng chiến thần kỳ của Việt Nam. Với tầm bao quát của vị thống soái, những trang hồi ký của ông vừa mang tính cụ thể của nhiều tình tiết sinh động, vừa phản ánh toàn cục của cuộc chiến tranh.

Ông là nhà quân sự vào loại rất hiếm hoi không những đã chỉ huy cuộc kháng chiến mà còn tiến hành tổng kết được kinh nghiệm của chiến tranh để lại một số tác phẩm có giá trị như binh thư hiện đại. Đó là tác phẩm Mấy vấn đề đường lối quân sự của Đảng, Vũ trang quần chúng cách mạng, xây dựng quân đội nhân dân, Chiến tranh giải phóng dân tộc và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Trong lịch sử, Việt Nam đã trải qua nhiều lần kháng chiến bảo vệ đất nước và khởi nghĩa giành lại đất nước, để lại một kho tàng kinh nghiệm vô cùng phong phú, sáng tạo. Nhưng từ kinh nghiệm đó, tổng kết nêu lên thành một hệ thống quan điểm phản ánh tư tưởng và nghệ thuật quân sự Việt Nam thì không mấy nhà quân sự làm được. Trước đây, Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn là người đầu tiên đã soạn được hai bộ binh thư: Binh gia yếu lược (hay Binh thư yếu lược) và Vạn Kiếp tông bí truyền thư, nhưng cả hai đều thất truyền. Hiện chỉ còn Hịch tướng sĩ và Lời di chúc của Trần Hưng Đạo là một phần tổng kết mang tính binh thư.

Thế kỷ 18, nhà quân sự lỗi lạc Đào Duy Từ viết bộ binh thư thứ ba là Hổ trướng khu cơ còn truyền đến nay. Đào Duy Từ không trực tiếp cầm quân nhưng giữ vai trò như cố vấn của chúa Nguyễn trong cuộc chiến tranh Trịnh - Nguyễn.

Mãi đến ngày nay, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị thống soái trực tiếp chỉ huy chiến tranh đã để lại những tổng kết mang tính binh thư hiện đại.

Nhà sử học, nhà văn hóa

Đại tướng Võ Nguyên Giáp vừa là nhà quân sự vừa là nhà sử học. Trước khi trở thành nhà quân sự, ông đã là nhà báo, nhà sử học, thầy giáo dạy sử.

Đã mấy lần trong trao đổi thân tình, ông nói với chúng tôi, hiểu biết và tư duy sử học giúp ông rất nhiều trong chỉ huy kháng chiến. Theo ông, có sự gặp nhau giữa quân sự và sử học là phải tôn trọng lịch sử, phải nhìn nhận đúng sự thật dù cho là sự thật cay đắng, đau xót, là phải xem xét mọi sự việc trên quan điểm lịch sử với sự vận động biện chứng của nó. Về phương diện này, chiến tranh là thử thách ác liệt nhất rèn luyện tư duy và nhận thức khách quan của con người mà chỉ một nhầm lẫn nhỏ có khi phải đổi bằng tổn thương lớn, thậm chí thất bại nặng nề.

Sau khi chiến tranh kết thúc, Đại tướng dành nhiều thời gian cho nghiên cứu lịch sử, nhất là lịch sử chống ngoại xâm, viết nhiều luận văn về lịch sử quân sự, về một số chiến công và danh nhân như chiến thắng Chi Lăng, chiến thắng Đống Đa, nhân vật Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ... cùng một số tướng lĩnh thời hiện đại.

Trong nghiên cứu lịch sử và trao đổi với các sử gia trong và ngoài quân đội, Đại tướng đặc biệt lưu ý chúng tôi cần kiểm tra và tìm hiểu sâu sắc những khái niệm mà tổ tiên đã tổng kết như “ngụ binh ư nông” thời Lý; “dân binh”, “dĩ đoạn chế trường” thời Trần; “lập cước chi địa”, “dĩ nhược chế cường, dĩ quả địch chúng” thời khởi nghĩa Lam Sơn để thấy đúng tầm khái quát qua các thời kỳ lịch sử, sự tiến triển của tư tưởng quân sự Việt Nam.

Ông có những phân tích và nhận xét sâu sắc về tính sáng tạo đặc sắc trong tư tưởng quân sự của Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ. Ông cho rằng các cuộc kháng chiến hay khởi nghĩa thắng lợi đều là chiến tranh yêu nước mang tính nhân dân cao. Ông nhấn mạnh nền tảng quyết định thắng lợi của các cuộc kháng chiến, quyết định sức sống bền bỉ của dân tộc là nền văn hóa dân tộc. Vì vậy ông rất coi trọng việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa dân tộc.

Đại tướng gợi ý: hình như qua lịch sử chống ngoại xâm đã hình thành một số tư tưởng và đặc điểm nghệ thuật quân sự mang tính độc đáo và sáng tạo của Việt Nam, tồn tại như một trường phái quân sự Việt Nam hay một học thuyết quân sự Việt Nam. Đại tướng không chỉ để lại một số công trình nghiên cứu lịch sử mà còn đề ra một số hướng nghiên cứu phản ánh một tư duy sử học rất sắc sảo.

Như chim đại bàng bay về nơi vô tận, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ra đi nhưng tên tuổi, nhân cách, sự nghiệp của ông vẫn sống mãi với non sông đất nước và nhân dân Việt Nam". 

Tướng Đồng Sĩ Nguyên: Gặp người anh lớn 1 ngày trước khi ông ra đi

Trao đổi với Báo Người Lao Động tối 4/10, Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Phó Thủ tướng), nguyên Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn - nói Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một thiên tài quân sự tầm cỡ thế giới, một nhân cách lớn.

"Tôi luôn xem Đại tướng như người anh lớn của mình. Trước khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra đi đúng một ngày tôi có được gặp anh lần cuối. Lúc đó, anh đã mệt lắm rồi, không thể trò chuyện được lời nào.
 
Dù biết anh đã yếu lâu nay nhưng tối nay (ngày 4/10 - PV) khi nghe tin Đại tướng lâm chung, một cảm giác mất mát vô cùng lớn lao ập đến, gắn với đó là những ký ức hào hùng, chan chứa tình cảm mà anh em cùng nếm trải trong 2 cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Đất nước, dân tộc, nhân dân ta vô cùng vinh dự khi có một danh tướng lẫy lừng trên thế giới là Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
 
Hôm nay (ngày 4/10), toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã mất đi một vị Đại tướng tài ba lỗi lạc, một danh tướng ở tầm thế giới. Đây là sự mất mát, việc buồn của cả đất nước, của cả dân tộc ta".

Thượng nghị sĩ John McCain: Vĩnh biệt 'kẻ thù danh dự'

Thượng nghị sĩ, cựu ứng cử viên tổng thống Mỹ, John McCain, người đã từng tham chiến ở Việt Nam với tư cách là phi công hải quân đã tưởng nhớ đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp và gọi ông là "nhà chiến lược quân sự thiên tài" sau khi nghe tin ông qua đời.

Infonet đưa tin, ông McCain đã viết trên Twitter: "Tướng Võ Nguyên Giáp đã ra đi - nhà chiến lược quân sự thiên tài, người đã từng nói với tôi rằng chúng ta là những 'kẻ thù danh dự’”.

Khi thực hiện cuộc ném bom ngày 26/10/1967, máy bay của McCain bị bắn trúng trên bầu trời Hà Nội và ông trở thành tù binh chiến tranh trong 5 năm rưỡi. McCain cùng nhiều tù binh Mỹ khác được trao trả ngày vào ngày 14/3/1973, cách đây hơn 40 năm, theo điều khoản trao đổi tù binh của Hiệp định Hòa bình Paris.

Thượng nghị sĩ John McCain là một trong những nhà lãnh đạo Mỹ ủng hộ việc bình thường hóa cũng như thúc đẩy mối quan hệ song phương giữa Mỹ và Việt Nam.

GS Hoàng Tụy: Chấn hưng giáo dục là lo lắng thường trực cuối đời của Đại tướng

Giáo sư Hoàng Tụy rưng rưng chia sẻ với Đất Việt khi hay tin dữ Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời: “Tôi bàng hoàng, thấm thía nỗi mất mát vô cùng to lớn không chỉ cho riêng mình mà cho cả dân tộc chúng ta”.

Run run cầm tờ báo trên tay, Giáo sư Hoàng Tụy nói: Dù biết Đại tướng tuổi đã cao nhưng cái tin ra đi mãi mãi này thật bất ngờ. Bởi mới cuối tháng 8/2013 thôi, khi bạn bè thân thiết và nhiều người ngưỡng mộ Đại tướng đến dự buổi mừng sinh nhật 103 tuổi, chúng tôi đã rất vui vì được biết Đại tướng tuy đã yếu nhiều nhưng vẫn tỉnh táo.

“Thế mà nay Đại tướng đã vĩnh biệt chúng ta”, Giáo sư Tụy thảng thốt.

Theo Giáo sư Hoàng Tụy, công lao của vị anh hùng dân tộc rồi đây sẽ có nhiều người trong các thế hệ nhắc đến. Nhưng với cá nhân Giáo sư thì Đại tướng có một vai trò thật đặc biệt. Một nhà trí thức lớn, uyên bác, đối với công cuộc chấn hưng giáo dục – mối quan tâm lo lắng thường trực của Đại tướng những năm cuối đời.

Giáo sư Hoàng Tụy nhớ lại: “Mãi mãi tôi không quên được một buổi chiều năm 2004, bỗng nhiên tôi nhận được cú điện thoại thân thiết, bất ngờ của Đại tướng thúc giục tôi đứng ra tập hợp một số trí thức tâm huyết trong nước và Việt kiều ngồi lại cùng nhau bàn bạc, thảo luận để có những kiến nghị chính thức với Trung ương nhằm cải cách, chấn hưng giáo dục”.

Theo lời đề nghị đó Giáo sư Hoàng Tụy đã liên tục có nhiều cuộc họp bàn bạc với các trí thức nước nhà, kiên trì đưa ra ý kiến góp ý chấn hưng hiện đại hóa giáo dục của nước ta.

“Nhờ sự quan tâm thúc giục đó của Đại tướng và tinh thần cương quyết đấu tranh vì nền giáo dục lành mạnh đáp ứng yêu cầu của đất nước. Cá nhân tôi và nhiều nhà giáo cảm thấy trách nhiệm của mình. Cho nên dù gặp nhiều khó khăn chúng tôi vẫn kiên trì góp ý”, Giáo sư Hoàng Tụy chia sẻ.

Riêng phần mình, Giáo sư Hoàng Tụy không ngại ngần nói thẳng: Sau rất nhiều năm thất vọng vì nhiều ý kiến kiến nghị hầu như không được cơ quan hữu trách lắng nghe. Sau nhiều năm tôi vẫn kiên trì.

“Một người như Đại tướng đã chinh chiến trên chiến trường thời loạn thành công, nay đất nước trong thời bình ông quan tâm tới giáo dục như vậy thì không có lý gì những người trong ngành lại dễ dàng bỏ cuộc”, GS Tụy chia sẻ.

Có lẽ sự quyết tâm đó phần nào cũng được đáp lại. Giáo sư Tụy cho biết: “Rất mừng gần đây đã có chuyển biến rõ rệt. Đề án đổi mới giáo dục mới đây được đưa ra có thể nói rất phù hợp với ý kiến chúng tôi đã nhiều lần đóng góp và có thể nói là đề án tốt nhất. Tôi rất ủng hộ và hy vọng đây là bước đầu chuyển biến và những năm tới đây giáo dục sẽ có những bước chuyển biến đột phá, từ đó thoát ra khỏi thế trì trệ như tôi vẫn gọi là “điểm chết” của hệ thống”.

Dù cho rằng hiện nay còn nhiều khó khăn nhưng nhiều lãnh đạo đã bắt đầu nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục, song Giáo sư Hoàng Tụy cho rằng, sự ra đi của Đại tướng khiến ông và những người trí thức có trách nhiệm với nước nhà càng phải thể hiện vai trò của mình hơn nữa.

“Sự ra đi của Đại tướng lại càng nhắc nhở anh em chúng tôi và tất cả những ai quan tâm đến giáo dục phải hết sức cố gắng thực hiện lời khuyên, sự quan tâm, góp ý tâm huyết của Đại tướng đối với giáo dục”, Giáo sư Hoàng Tụy nhấn mạnh.

Thay cho lời vĩnh biệt vị tướng già, Giáo sư Tụy muốn thể hiện sự quyết tâm thực hiện ý nguyện rằng: vẫn còn rất nhiều việc, tâm nguyện của Đại tướng căn dặn mà ngành giáo dục phải làm. Phải chấn hưng được nền giáo dục, thực hiện bằng được ước mơ dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh mà thế hệ Cách mạng tháng Tám đã ấp ủ và không ngừng phấn đấu.

Tiếp tục cập nhật...

Mời độc giả gửi lời vĩnh biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị tướng tài ba, người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam, qua phản hồi dưới bài viết này.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: