Dân vào chuồng sống chung với heo, bò chờ tái định cư

07:19, Chủ nhật 16/10/2011

( PHUNUTODAY ) - #160; Dù trên mặt bịt kín khẩu trang nhưng mùi hôi thối nồng nặc pha trộn giữa phân và nước tiểu vẫn xộc lên đến óc làm chúng tôi choáng váng. Chỉ tay vào đám bò đứng nhai cỏ cách giường ngủ khoảng hơn một mét, bà Mai mếu máo

(Phunutoday)- Dù trên mặt bịt kín khẩu trang nhưng mùi hôi thối nồng nặc pha trộn giữa phân và nước tiểu vẫn xộc lên đến óc làm chúng tôi choáng váng. Chỉ tay vào đám bò đứng nhai cỏ cách giường ngủ khoảng hơn một mét, bà Mai mếu máo...
Mùa mưa bão năm 2011 đã đến mà khu tái định cư vùng sạt lở Cần Lương, xã An Dân, huyện Tuy An (tỉnh Phú Yên) vẫn còn nằm trên giấy làm cuộc sống của hàng chục hộ dân nơi đây lâm vào cảnh hết sức bi đát: không điện, không nước, không đường đi lối lại và đặc biệt là phải chịu đựng sự ô nhiễm khói bụi nghiêm trọng từ các đơn vị thi công tuyến tránh. Nghiêm trọng hơn, do không biết ở nơi đâu, nhiều người “bí quá hóa… liều” nên đã dọn vào sống chung với heo, bò.

Người ở chung với heo, bò

Đầu tháng 10, PV đã đến khu vực mà mai đây sẽ là khu tái định cư để tận mắt mục kích cảnh sống lay lắt của những hộ dân chờ dự án. Theo đó, vào mùa mưa bão 2010, trên quốc lộ 1A, đoạn qua dốc Vườn Xoài, thuộc địa phận xã An Dân, huyện Tuy An (tỉnh Phú Yên) xảy ra nứt gãy, sụt lún nghiêm trọng nên UBND tỉnh Phú Yên đã ra quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp và giao UBND huyện Tuy An quy hoạch, xây dựng khu tái định cư để di dời dân. 

 Toàn gia ông Nguyễn Văn Lộc ăn ngủ... chỉ cách các chú bò có một tấm ngăn

Đầu năm 2011, Bộ Giao thông Vận tải đã quyết định đầu tư xây dựng tuyến tránh Quốc lộ 1 đoạn qua dốc Vườn Xoài nhằm đảm bảo an toàn về tính mạng tài sản, phương tiện tham gia giao thông và các hộ dân ở hai bên đường.

Theo đó, từ cuối tháng 4/2011, 10 trong tổng số 13 hộ dân sống phía Tây và 22 hộ phía Đông Quốc lộ 1A có nhà cửa nằm trong khu vực giải toả ngoài việc được nhà nước áp giá đền bù sẽ được tái định cư nằm phía Nam dốc Vườn Xoài, sau 
địa phn trường Tiểu học An Dân.

Thế nhưng đã gần 7 tháng trôi qua, dù người dân đã tiến hành tháo dỡ nhà cửa theo chủ trương của tỉnh nhưng dự án tái định cư vẫn đang là một bãi đất trống um tùm cây cỏ và chi chít hố sâu.

Chưa có nơi để cất nhà mới, 32 hộ dân trên phải che lều trên núi cao hoặc ngăn chuồng heo, bò làm đôi để chuyển vào sống. Ông Nguyễn Văn Lộc, một trong số 32 hộ cho biết, ngán ngẩm: “Dỡ nhà xong, tôi tận dụng mấy tấm tôn cũ làm ngôi nhà tạm để vợ chồng, con cái sống qua ngày. Tuy nhiên cách đây hơn 3 tháng, một trận gió lớn quét qua đã thổi bay mái tôn và đánh sập gần như hoàn toàn ngôi nhà nên giờ cả gia đình phải chuyển vào ở trong chuồng bò, heo”.

Một hộ chờ tái định cư "tíu tít" trong một chuồng heo..."nâng cấp"

Khi chúng tôi bước vào cửa “nhà” bà Đỗ Thị Mai, một hộ dân khác, dù trên mặt bịt kín khẩu trang nhưng mùi hôi thối nồng nặc pha trộn giữa phân và nước tiểu vẫn xộc lên đến óc làm chúng tôi choáng váng. Chỉ tay vào đám bò đứng nhai cỏ cách giường ngủ khoảng hơn một mét, bà Mai mếu máo: “Các chú thấy chưa, nhiều tháng nay gia đình tôi phải sống như vậy đó. Người lớn thì mất ăn, mất ngủ, con cái thì thường xuyên bệnh tật do môi trường sống không đảm bảo”.

Theo quan sát của chúng tôi, mặc dù chủ nhà liên tục chùi rửa nhưng xung quanh giường vẫn còn in chi chit dấu phân bò đen nhờ nhợ. Cách đó vài bước chân về phía bên phải “ngôi nhà” là… chuồng heo, trong đó mắc sẵn những chiếc võng mà cả gia đình bà thường xuyên vào đó để nghỉ trưa trốn nóng.

Không chỉ riêng gia đình ông Lộc, bà Mai, nhiều hộ dân khác cũng phải chấp nhận vào ở chung với heo, bò cùng với những thiếu thốn trăm bề như: không điện, không nước, không đường đi lối lại và đặc biệt là phải chịu đựng sự ô nhiễm khói bụi nghiêm trọng từ các đơn vị thi công tuyến tránh. 

 Bố con anh Nguyễn Văn Hay trước "tổ ấm" cheo leo trên sườn đồi

Một số hộ còn lại không chịu được cảnh chung lộn với gia súc phải dọn lên trên sườn núi, cuộc sống vô vàn khó khăn, nhất là việc giao thông đi lại. Gia đình anh Nguyễn Văn Hay có 4 nhân khẩu, muốn đi lại phải tìm đường len lỏi ven sườn núi gần 3 cây số mới xuống được quốc lộ 1A.

Anh Hay bày tỏ nguyện vọng: “Mong muốn trước mắt của chúng tôi là làm sao có nơi ở an toàn, nếu không khi mùa mưa đến, nước lũ từ trên núi đổ về, tính mạng, tài sản sẽ bị uy hiếp”.


Đem sự việc này hỏi ông Trần Hữu Hiệu, Chủ tịch UBND xã An Dân thì được ông cho biết: “Gần 7 tháng qua, không dưới chục lần UBND xã đã làm văn bản kiến nghị lên huyện và Ban Quản lý các công trình xây dựng cơ bản huyện Tuy An đề nghị sớm thi công khu tái định cư để các hộ dân trong diện giải toả nhanh chóng ổn định cuộc sống. Tuy nhiên cho đến nay không hiểu sao mọi việc vẫn cứ dậm chân tại chỗ. Tôi lo là nay mai mưa bão đến, không biết bà con chạy đi đâu để ở cho an toàn…”.   
a
Khu tái định cư vẫn còn là một... bãi trống 

 

Được biết, ngày 2/6/2011, UBND huyện đã ký tờ trình kèm theo hồ sơ về phương án xây dựng khu tái định cư xã An Dân có diện tích hơn 8.152m2 phục vụ tái định cư cho 32 hộ với tổng kinh phí gần 2,8 tỷ đồng để gửi Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh thẩm định trước khi trình UBND tỉnh phê duyệt và bố trí vốn để triển khai.

Tuy nhiên, mãi đến cuối tháng 8/2011, UBND huyện Tuy An mới có trong tay quyết định phê duyệt nội dung yêu cầu để chỉ định thầu và mở rộng khu tái định cư thôn Cần Lương, xã An Dân từ nguồn vốn khắc phục hậu quả bão lụt.

Theo kế hoạch, dự án này hoàn thành chậm nhất trong 120 ngày kể từ ngày ký hợp đồng, nhưng đến nay hợp đồng vẫn chưa được ký nên dự án vẫn chưa được khởi công.

Ông Nguyễn Phụng Ngoạn, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy An cho biết: “Sở dĩ có sự chậm trễ này là do phải chờ nguồn vốn rót về. Khi có vốn, chắc chắn các đơn vị sẽ áp dụng phương thức vừa thiết kế vừa thi công nhằm sớm ổn định cuộc sống nhân dân”.

Dân thì sống lay lắt, địa phương thì ngồi chờ vốn dự án, với đà này nếu dự án có được khởi công vào cuối tháng 10/2011 thì phải đến đầu năm 2012 mới hoàn thành. Do đó, những ngày sống chung với súc vật, khói bụi và đối mặt thiên tai của các hộ dân vẫn còn rất dài…

 

  • Lưu Tình
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc