Cha mẹ không ai hoàn hảo nhưng nếu cha mẹ nào có 5 đặc điểm này cần sửa ngay kẻo con càng lớn càng muốn rời xa cha mẹ, tình cảm gia đình ngày càng trở nên nhạt nhẽo, mối quan hệ ngày càng mâu thuẫn.
1. Cha mẹ thường xuyên kể công, than vãn vì đã nuôi con
Nuôi dưỡng con cái là trách nhiệm của cha mẹ khi chúng còn nhỏ. Nuôi con trải qua nhiều vất vả, khổ sở, thậm chí có cả hy sinh âm thầm. Tình cảm và trách nhiệm của cha mẹ không chỉ là đạo lý mà còn được quy định rõ trong luật pháp. Thế nhưng nhiều cha mẹ thường xuyên kể lể công lao, kể những vất vả khó khăn để cho rằng con phải ghi nhớ để khi con lớn phải biết lắng nghe báo hiếu cha mẹ.
Chính cách làm này của cha mẹ khiến con thấy mệt mỏi như bị đòi nợ, khiến con luôn mang gánh nặng phải trả ơn. Về lâu dài, ở bên cạnh những cha mẹ như thế này, con có thể hình thành cảm giác áp lực, sợ hãi và dần muốn xa cách cha mẹ. Tình yêu thương và sự hy sinh của cha mẹ là thiêng liêng, nhưng đừng biến nó thành gánh nặng cho con cái phải mang cả đời.
Cha mẹ thử hỏi nếu khi mình già, con cái suốt ngày than vãn về việc phải chăm sóc mình thì sẽ thế nào?

2. Cha mẹ mang chuyện của con kể với người khác mà không hỏi ý con
Khi càng lớn trẻ càng có nhu cầu được tôn trọng và quyền riêng tư càng cao. Hơn nữa ngày này trẻ có tính tự lập tự chủ tách riêng với cha mẹ càng sớm. Thế nên cha mẹ cần học cách tôn trọng con như một cá thể độc lập. Con càng lớn cha mẹ càng không nên coi mọi thứ của con là của mình.
Nhưng nhiều cha mẹ lại vô tư mang chuyện của con ra ngoài kể, từ thành tích học tập đến những chuyện tế nhị riêng tư của con. Việc này vô tình khiến con cảm thấy bị xâm phạm đời tư, khiến con xấu hổ hoặc khó chịu, khiến con cảm thấy mất tự nhiên. Chính những thói quen này của cha mẹ sẽ khiến con thu hẹp dần câu chuyện, ít tâm sự với cha mẹ hơn. Cha mẹ nên tập thói quen hỏi con rằng: "Mẹ kể chuyện này với dì A được không con?" hoặc "Con thấy mẹ đăng ảnh này có ổn không?" – chỉ một câu hỏi nhỏ nhưng thể hiện sự tôn trọng và tạo dựng mối quan hệ gắn bó lâu dài.
3. Cha mẹ con thực hiện giấc mơ dang dở của mình
Rất nhiều cha mẹ vô tình hoặc cố ý áp đặt ước mơ chưa hoàn thành của mình lên cuộc sống của con. Họ có xu hướng muốn con học ngành nghề mà bản thân mình thích, hoặc sống theo cuộc sống mà họ từng mong mỏi chứ không phải theo nguyện vọng sở thích năng lực của con.
Nếu con và cha mẹ không cùng chí hướng, năng lực định hướng và ước mơ của con không phù hợp với mong muốn của cha mẹ sẽ xảy ra mâu thuẫn trong gia đình. Nghiêm trọng hơn có thể khiến con cái stress, thậm chí tâm thần, chịu không nổi áp lực từ cha mẹ.
Con cai do cha mẹ sinh ra nhưng chúng là cá thể độc lập có suy nghĩ, sở thích và định hướng riêng. Cha mẹ cố gượng ép con theo ý mình chỉ khiến con thêm áp lực, đánh mất chính mình và cuối cùng có thể cha mẹ cũng mất chính con mình. Do đó cha mẹ chỉ có thể bày tỏ mong muốn, khuyến khích, hướng dẫn con cần để con tự lựa chọn và chịu trách nhiệm với quyết định của mình.

4. Cha mẹ yêu con nhưng không lắng nghe con
Một trong những sai lầm phổ biến của cha mẹ trong việc bày tỏ tình yêu với con là "muốn gì là làm cho không phụ thuộc con có muốn không". Nhiều cha mẹ áp đặt sở thích tính cách của mình lên con cái từ việc mua quần áo, đồ dùng, đến việc dọn dẹp phòng ốc, sắp xếp mọi thứ thay con… đều xuất phát từ tình yêu thương, nhưng lại khiến con cảm thấy bị kiểm soát.
Cha mẹ dẫu có yêu con nhưng không thể nhân danh tình yêu mà tự ý làm theo cách của mình. Cha mẹ cần hỏi ý kiến con để con cảm thấy được tôn trọng, và để con được có bản sắc riêng của chính mình. Chúng không phải cái bóng của cha mẹ, càng không phải là người gánh mọi sự "tùy tiện" của cha mẹ.
5. Cha mẹ không tách biệt giữa cuộc sống của cha mẹ và con cái
Con cái mà cha mẹ sẽ dần dần tách rời nhau ra, từ khi chúng nằm trong bụng mẹ rồi tới khi ra đời, tới khi lớn hơn chúng ít "quấn" cha mẹ hơn, cho tới khi chúng gần người khác hơn cha mẹ...
Bởi thế cha mẹ cũng cần hiểu rằng tình cảm và cách đối xử giữa cha mẹ với con cái không phải là luôn luôn giống nhau mà sẽ cần phù hợp theo đừng độ tuổi, từng thời điểm.
Cha mẹ có thể kiếm soát quyết định thay khi con còn nhỏ. Nhưng khi con trưởng thành, có quyền tự quyết thì cha mẹ cần lùi lại. Việc cha mẹ tiếp tục kiểm soát con khi chúng lớn sẽ phản tác dụng và còn khiến con thấy ngột ngạt mất quyền tự do. Con cái cũng cần có cuộc sống riêng, có quyền sai, quyền học hỏi và trưởng thành từ những vấp ngã.
Chính những đặc điểm trên của cha mẹ khiến con cái chỉ mong nhanh lớn, nhanh trưởng thành, khi trưởng thành rồi thì thì tìm cách nhanh tách ra ở riêng để tránh sự kiểm soát ngột ngạt của cha mẹ.
Kết luận: Nuôi dạy con là một hành trình dài và không có công thức cố định cho mọi cha mẹ, cho mọi đứa con. Nhưng có một điều mà cha mẹ nào cũng cần phải biết đó là cha mẹ yêu con nhưng yêu đúng cách mới quan trọng, cha mẹ cần học cách tôn trọng con, lắng nghe và thấu hiểu, trao cho con quyền tự quyết và quên dần đi những công lao của mình với con. Cha mẹ biết học cách buông tay con đúng lúc thì con càng biết cách tìm về. Nơi nào khởi nguồn của hạnh phúc nơi ấy con người ta sẽ tìm về.