Đánh bạc với trời trồng cao su trong vùng bão

09:56, Thứ sáu 11/10/2013

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Dù hàng ngàn hecta cao su đã gãy đổ trong cơn bão số 10 nhưng người dân ở Quảng Bình và Quảng Trị vẫn tiếp tục trồng loại cây này, bất chấp cảnh báo rủi ro từ thiên tai.

Đổ cây nào trồng lại cây đó

Theo Tuổi trẻ, những ngày gần đây, hơn 400 công nhân của Công ty TNHH MTV Lệ Ninh (Lệ Thủy, Quảng Bình) đang tất bật thu dọn hàng trăm hecta cao su của công ty bị gãy đổ trong cơn bão vừa qua. Một nhóm đi đào hố trồng cây mới, nhóm dựng dậy những cây cao su bị bật gốc, nhóm khác cắt bỏ những cây bị bão bẻ gãy... Tổng diện tích cao su gãy đổ hoàn toàn của công ty lên đến hơn 600ha, chiếm đến một nửa diện tích cao su kinh doanh của công ty này. Và ít nhất phải mất cả chục năm để hồi phục rừng cao su trở lại như ban đầu.

Công nhân Công ty cao su Lệ Ninh nhiều ngày qua đã dựng lại diện tích cao su bị đổ để tiếp tục tái sử dụng trong vài năm tới - Ảnh: TTO

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, giám đốc công ty, cho biết sau khi thu dọn xong bãi “chiến trường” này, công ty sẽ trồng lại toàn bộ diện tích đã bị gãy đổ vì vùng đất này không thể có loại cây nào đem lại hiệu quả cao hơn. “Thiên tai rải đều ra cả nước chứ không riêng gì Quảng Bình, Quảng Trị. Hơn nữa vài chục năm mới có bão lớn một lần. Chừng đó đủ để cho một chu kỳ cây cao su từ khi trồng đến thu hoạch xong. Nếu mình thuận theo chu kỳ đó thì vẫn đem lại được hiệu quả” - ông Sơn khẳng định.

Không chỉ có các công ty, với hàng ngàn hộ dân trồng cao su tiểu điền ở vùng nông trường Việt Trung cũ (huyện Bố Trạch), trồng mới cao su cũng là ưu tiên hàng đầu. Ông Phan Văn Khoa, giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Bình, cho biết dù diện tích cao su của tỉnh bị gãy đổ trong đợt bão vừa qua rất lớn, thiệt hại vô cùng nặng nề nhưng địa phương vẫn khuyến khích người dân tiếp tục gắn bó với loại cây này. Có thể ban đầu phải lấy ngắn nuôi dài bằng cách trồng xen canh các loại cây ngắn ngày để hỗ trợ việc tái hồi phục diện tích cao su đã gãy đổ.

Ông Khoa phân tích trong mấy chục năm qua cao su là cây mũi nhọn của ngành nông nghiệp tỉnh. Trong khi gió bão lớn cũng hơn 20 năm mới có một lần, như từ năm 1983 đến giờ mới có bão lớn trở lại. Ngoài cao su, vùng này cũng chỉ có thể trồng keo lá tràm (keo lai). Cây keo lai thu hoạch theo chu kỳ năm năm, mỗi lần thu khoảng 40-50 triệu đồng/ha. Như vậy trong 20 năm, nhiều nhất keo lai cũng chỉ đem lại lợi nhuận gần 200 triệu đồng trong khi cây cao su đem lại tiền tỉ. “Nếu bão lớn thì cả hai loại cây này đều cùng gãy đổ như nhau” - ông Khoa cho biết.

Ông Nguyễn Văn Bài, giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị, cho biết địa phương này có gần 7.000ha cao su bị gãy đổ trong trận bão vừa qua, tập trung ở Vĩnh Linh và Gio Linh. Hiện có nhiều ý kiến cân nhắc có nên tiếp tục trồng cây cao su ở vùng thường xuyên bão lũ như Quảng Trị không. Do đó, trước mắt tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân phục hồi cao su vẫn còn khả năng tái tạo mủ. Nhưng về lâu dài, tỉnh đã tính đến phương án tìm loại cây khác thay thế hoặc tìm cách hạn chế những tác động của thiên tai nếu tiếp tục trồng cây cao su như trồng theo mô hình của các vùng đảo là ba cây chụm lại, trồng sâu hơn bình thường... “Đây mới chỉ là những ý kiến mang tính tham khảo, chúng tôi sẽ cân nhắc để có thể triển khai trong tương lai” - ông Bài nói.

Cao su: “Canh bạc” với trời?

Cơn bão số 10 đã khiến hơn 10.000ha cao su đang và chuẩn bị thu hoạch gãy đổ, mất trắng. Nếu không có bão thì mỗi năm, hàng ngàn cây cao su ở 2 địa phương này cũng buộc phải đốn hạ vì sâu bệnh do thời tiết bất thường. Vậy là hơn 10 năm trồng và phát triển cao su, người nông dân bắt đầu hoài nghi loại cây này đối với người dân miền Trung có phải là hướng xóa nghèo bền vững hay là một “canh bạc” với trời?

Vườn cao su của ông Trần Văn Thành (Bố Trạch, Quảng Bình) bị gãy đổ sau sáu năm chăm bón - Ảnh: TTO

Theo SGTT, tính toán chi phí đầu tư cho 1ha cao su trồng mới gồm tiền khai hoang đất rừng 15 - 20 triệu đồng, cây giống 12 triệu đồng, phân bón, công lao động tổng cộng khoảng 40 triệu đồng, chưa kể tiền nuôi ăn người giữ và chờ cây cho thu hoạch. 

Một cán bộ nghiên cứu lâm nghiệp tại Đại học Nông lâm Huế so sánh: 1ha trồng keo lá tràm sau 5 năm sẽ mang lại lợi nhuận từ 5 - 7 triệu đồng. Với diện tích ấy nếu trồng cây cao su, sau 7 năm đưa vào khai thác mủ, lợi nhuận hàng năm tăng gấp 4 lần so với trồng cây keo. Nhưng cây cao su thân giòn không chịu được sức gió mạnh nên dễ gãy đổ. Và khi đổ gãy là vứt đi. Cũng theo vị cán bộ khoa học này, ngành chức năng và người dân tại miền Trung khi mở rộng diện tích trồng cao su không tính đến việc trồng rừng tạo vành đai phòng hộ, chắn gió.

Kết quả khảo sát trong 10 năm liên tục thì bình quân mỗi năm, ở miền Trung có ít nhất 3 cơn bão đổ bộ vào đất liền. Trong 3 cơn bão ấy thì có 1 cơn sức gió ít nhất là cấp 8 - 9, đủ để “hạ gục” rừng cao su - giống cây luôn phải để nhiều cành, xòe tán rộng để lá quang hợp tốt nhằm tạo được nhiều mủ. Và mỗi lần bão gió xô đẩy, cây cao su giảm tuổi thọ, ảnh hưởng mạnh đến quá trình tái sinh làm mủ về sau và phát sinh các loại bệnh…

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: