Truyện xưa kể rằng có vị Lư phu nhân, vợ ông Phòng Huyền Linh là người tuyệt đẹp và có đức hạnh, lúc chồng bệnh nặng người vợ tự khoét một mắt để khẳng định sẽ giữ đạo với chồng ngay cả khi ông chết.
Thật may, không bao lâu, ông Huyền Linh khỏi bệnh, lại thi đỗ làm quan đến chức tể tướng. Ông một niềm yêu mến, kính trọng Lư thị vô cùng, không hề lấy người tì thiếp nào nữa.
Đạo nghĩa vợ chồng của vợ chồng Lư thị thật khiến người ta bái phục. Qua câu chuyện cổ, ta rút ra được bài học cho chúng ta ngày hôm nay:
Sự hòa thuận trong gia đình là từ người phụ nữ
Nói về việc giữ hạnh phúc của một gia đình, đức Phật từng dạy sự an lạc và hòa thuận trong gia đình phần lớn là do người phụ nữ. Điều này được thể hiện rõ trong các lời khuyên của Ngài mà người phụ nữ nên làm hay không nên làm.
- Không nuôi dưỡng tư tưởng tội lỗi đối với người chồng
- Không độc ác, thô bạo hay lấn áp
- Không hoang phí, phải cần kiệm và sống trong khả năng kinh tế của mình
- Giữ gìn tài sản và tiết kiệm tiền bạc do người chồng nhọc nhằn kiếm được
- Luôn luôn có ý tứ và đoan trang
- Chung thủy và không có tư tưởng ngoại tình
- Thận trọng trong lời nói và lễ độ trong hành động
Người chồng cần chung thủy và tôn trọng vợ
Với thời hiện đại ngày nay, cả 2 vợ chồng đều đi làm kiếm tiền, nhưng với các gia đình Việt Nam người vợ vẫn lo toan công việc gia đình. Chính vì thế, người chồng cần biết quan tâm và chia sẻ công việc với vợ mình. Tặng các đồ nữ trang thích hợp cho người vợ tượng trưng tình yêu, sự chăm sóc và sự cảm kích của người chồng đối với vợ. Việc tặng quà này cho thấy người chồng luôn coi trọng và thương yêu vợ của mình. Đây cũng là cách bày tỏ và hâm nóng tình cảm của mình với người chia sẻ cuộc sống gia đình. Khi người vợ và người chồng làm được những điều này sẽ không còn sự nghi kỵ, ghen tuông hay nghi ngờ lẫn nhau. Vợ chồng biết bảo bọc nhau. Đó là điều đem lại hạnh phúc gia đình thật sự cho các cặp vợ chồng dù ở bất kỳ giai đoạn nào của lịch sử.