Theo Đông y, lá ổi có vị đắng, tính ấm, có công dụng tiêu thũng giải độc, thu sáp chỉ huyết; quả ổi vị ngọt thơm, tính ấm, có công dụng thu liễm, kiện vị cố tràng. Các bộ phận của cây ổi thường được dùng để chữa đại tiện lỏng, lị mạn tính, viêm dạ dày ruột, cấp và mạn tính, đái tháo đường…
Bàn về tác dụng của cây ổi, lương y Nguyễn Huy khẳng định: khả năng chữa bệnh của cây ổi không thua kém thuốc tây. Không chỉ tiết kiệm chi phí, sử dụng nguồn dược liệu có nguồn gốc từ thiên nhiên này còn đảm bảo sự an toàn cho người dùng.
Ổi chữa đau bụng đi ngoài
Theo sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS.TS. Đỗ Tất Lợi, quả ổi còn xanh thì chát có tính gây táo bón và có thể dùng chữa đi ngoài lỏng. Khi chín, quả ổi có tác dụng nhuận. Người ta ăn ổi chín hoặc chế thành mứt đóng hộp.
Lá non và búp ổi non là một vị thuốc chữa đau bụng đi ngoài, kinh nghiệm lâu đời trong nhân dân. Thường dùng dưới dạng thuốc sắc hay thuốc pha. Ngày dùng 15-20g búp non hay lá non, dùng riêng hay phối hợp với các vị khác như chè, gừng…
Vỏ rễ và vỏ thân cũng được dùng để chữa đi ngoài và rửa vết thương, vết loét. Uống trong người ta dùng với liều 15g sắc với 200ml nước, nấu cạn còn chừng 100ml.
Chữa tiêu chảy cấp
Theo Lương y Đình Thuấn, búp ổi hoặc vỏ rộp ổi (vỏ thân cây ổi) 20g, búp vối 12g, búp hoặc nụ sim 12g, búp chè 12g, gừng tươi 12g, rốn chuối tiêu 20g, hạt cau già 12g. Sắc đặc uống.
Hoặc búp ổi 12g, vỏ rộp ổi 8g, gừng tươi 2g, tô mộc 8g, sắc với 200ml nước, cô còn 100ml. Trẻ 2-5 tuổi mỗi lần uống 5-10ml, cách 2 giờ uống một lần. Người lớn mỗi lần uống 20-30ml, ngày 2-3 lần.
Đái tháo đường
Quả ổi 250g, rửa sạch, thái miếng, ép lấy nước, chia uống 2 lần trong ngày.
Hoặc lá ổi khô 15-30g, sắc uống hàng ngày.
Giảm đau nhức răng do sâu răng, chắc nướu, khỏe lợi
Bài 1: Lấy lá ổi, giã nát rồi ngậm vài phút trong miệng cũng giảm đau răng.
Bài 2: Quả ổi xanh đập dập ngâm vào rượu rồi ngậm trong miệng khoảng 5 phút có thể giảm đau răng, chắc răng, khỏe lợi.
Cây ổi tương tự lá sim, có thể thay thế lá ổi bằng lá sim trong các bài thuốc trên.
Không dùng bài thuốc này cho người bị táo bón, bệnh trĩ đi ngoài ra máu.
Mụn nhọt mới lên
Lá ổi non và lá đào lượng vừa đủ, rửa sạch, giã nát rồi đắp lên vùng tổn thương.
Lưu ý khi ăn ổi
- Lượng vitamin C trong ổi lại tập trung chủ yếu ở phần gần lớp vỏ. Vì vậy, bạn nên rửa thật sạch ổi và ăn cả vỏ để có thể tận dụng được hết lượng vitamin có trong ổi.
- Không nên ăn ổi non vì còn nhiều vị chát, rất có hại cho những ai bị bệnh dạ dày hoặc táo bón. Khi ăn ổi chín, bạn cũng nên bỏ hạt ổi vì hạt ổi khó tiêu, gây trở ngại cho hệ tiêu hóa.
- Những người bị suy nhược cơ thể nên sử dụng ổi dưới dạng xay nhuyễn hoặc ép thành nước thì sẽ hấp thụ được tốt hơn.
- Người bị trướng bụng không nên ăn.
* Thông tin mang tính tham khảo, nếu có triệu chứng đau bụng bất thường cần đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị.