Năm Quang Tự thứ nhất đời Thanh (năm 1875), Tả Tông Đường thống lĩnh binh mã đi chinh phạt miền Tây, trên đường đi qua Lan Châu. Một lần ông cải trang vi hành đi tuần, thấy có một ông lão bày bàn cờ, trên tấm biển có hàng chữ đập vào mắt: “Thiên hạ đệ nhất kỳ thủ”.
Đối với Tả Tông Đường, người say mê cờ lại có kỳ nghệ cao siêu mà nói, ông thấy ông lão này quả là cuồng vọng. Thế là Tả Tông Đường lập tức bước tới khiêu chiến. Kết quả ông lão chẳng chịu nổi một đòn, thua liểng xiểng hết ván này đến ván khác.
Tả Tông Đường nghĩ: chẳng qua là cái danh hão mà thôi. Tả Tông Đường vui vẻ đắc thắng, lệnh ông lão đập vỡ tấm biển kia đi, rồi thu cờ cuốn chiếu về nhà, chớ có ló mặt ra trước đám đông nữa.
Thời gian như tên bay. Khi Tả Tông Đường chinh phạt miền Tây bình an trở về, trên đường qua Lan Châu, lại thấy ông lão vẫn như trước, tấm biển “Thiên hạ đệ nhất kỳ thủ” vẫn cứ treo ở đó.
Nhưng thật bất ngờ, Tả Tông Đường lần này bị đánh cho tan tác, ba ván bại cả ba, không có chút sức lực chống đỡ nào. Tả Tông Đường không phục, yêu cầu hôm sau đánh tiếp, nhưng thất bại lại càng thê thảm hơn.
Tả Tông Đường bất lực, kinh ngạc hỏi ông lão: “Tại sao trong thời gian ngắn như thế này, kỳ nghệ của ông lại tiến bộ nhanh như thế?”.
Ông lão mỉm cười trả lời: “Đại nhân lần trước tuy cải trang vi hành, nhưng tôi đã biết đại nhân là Tả Công, hơn nữa lại sắp xuất quân chinh phạt, do đó có ý nhường đại nhân thắng, để đại nhân tăng thêm tín tâm đi lập đại công. Hôm nay đại nhân đã tấu khúc khải hoàn, tôi mới không e dè gì nữa, cũng không quá ư khiêm nhường nữa”.
Tả Tông Đường nghe xong cảm thấy vô cùng xấu hổ.
Bậc đại trí và người bình thường, rốt cuộc hơn nhau chính ở đức khiêm nhường, tầm nhìn xa và tấm lòng vì người khác.