Đây là tỉnh được mệnh danh là 'Việt Nam thu nhỏ', có nhiều thành phố trực thuộc nhất Việt Nam

( PHUNUTODAY ) - Ngoài ra, tỉnh này còn có thành phố trực thuộc tỉnh rộng nhất, cảnh quan lại vô cùng đẹp mắt.

Nơi mà chúng ta đang nhắc tới ở đây chính là Quảng Ninh!

Theo thống kê từ danh sách đơn vị hành chính của Tổng cục Thống kê, cả nước hiện có 87 thành phố. Trong đó, 5 thành phố trực thuộc Trung ương là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP. HCM và Cần Thơ. 1 thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương là TP Thủ Đức của TP. HCM. Còn lại là 81 thành phố trực thuộc 58 tỉnh.

Trong đó, chỉ có duy nhất 1 tỉnh có 4 thành phố trực thuộc là Quảng Ninh (TP Hạ Long, TP Móng Cái, TP Uông Bí, TP Cẩm Phả).

Đáng chú ý, TP Hạ Long là thành phố trực thuộc tỉnh lớn nhất Việt Nam và TP Cẩm Phả là thành phố trực thuộc tỉnh thu ngân sách lớn nhất Việt Nam.

Theo Chương trình phát triển đô thị giai đoạn 2026 - 2030 của Quảng Ninh, dự kiến đến năm 2030 Quảng Ninh có 7 thành phố, gồm: Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái, Uông Bí, Quảng Yên, Đông Triều, Vân Đồn.

4 thành phố trực thuộc tỉnh Quảng Ninh

Thành phố Hạ Long

14

Thành phố Hạ Long được thành lập tháng 12/1993. Đầu năm 2020, sau khi sáp nhập với huyện Hoành Bồ, Hạ Long trở thành thành phố thuộc tỉnh có diện tích lớn nhất với 1.119 km2.

Thành phố Hạ Long bao gồm 20 phường, xã. Thành phố này là trung tâm văn hoá, kinh tế, chính trị của tỉnh Quảng Ninh, nằm hai bên Cửa Lục, phía đông Hạ Long là khu vực phát triển công nghiệp và tập trung hầu hết các cơ quan quản lý của tỉnh. Khu vực phía tây thành phố Hạ Long (Bãi Cháy) là khu du lịch hoạt động sôi động.

Vịnh Hạ Long nổi tiếng ở trong và ngoài nước và được công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới. Kinh tế của thành phố ngoài hoạt động du lịch là sôi động nhất, còn có các hoạt động kinh tế khác như: thương mại, cảng biển, công nghiệp than, khai thác và chế biến hải sản, sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất bia...

Thành phố Uông Bí

TP Uông Bí bao gồm 10 phường, xã và nằm ở miền tây của tỉnh Quảng Ninh, trên quốc lộ 18A. Phía đông giáp huyện Yên Hưng, phía đông bắc giáp huyện Hoành Bồ, phía tây giáp huyện Đông Triều, phía bắc giáp huyện Sơn Động (Bắc Giang), phía nam giáp huyện Thuỷ Nguyên (Hải Phòng). Địa hình Uông Bí hai phần ba là đồi núi.

Uông Bí có khu thắng cảnh nổi tiếng Yên Tử, có nhiều chùa và di tích văn hoá quý. Ngoài ra, lễ hội mùa xuân hàng năm ở vùng đất nổi tiếng này là điểm thu hút khách trẩy hội, vãn cảnh chùa đông không kém hội chùa Hương. Trên địa bàn TP Uông Bí còn có hồ Yên Trung với rất nhiều tiềm năng phát triển du lịch trong quần thể của khu di tích - danh thắng Yên Tử.

Kinh tế của Uông Bí theo mô hình công - nông - lâm nghiệp, dịch vụ khai thác than và một số ngành tiểu thủ công nghiệp. Về công nghiệp, có nhà máy nhiệt điện công suất 2,68 tỷ kW điện mỗi năm. Khai thác than ở mỏ Vàng Danh đạt sản lượng 30 đến 45 vạn tấn/ năm. Trong khi đó, sản phẩm nông nghiệp chủ yếu là cây lương thực. Sản phẩm lâm nghiệp có nhựa thông.

Thành phố Cẩm Phả

15

TP Cẩm Phả bao gồm 16 phường, xã. Cẩm Phả nằm ở phía đông thành phố Hạ Long. Phía bắc giáp huyện Ba Chẽ, phía đông giáp huyện Tiên Yên và huyện đảo Vân Đồn, phía nam giáp vịnh Bái Tử Long.

Cẩm Phả có một số di tích và thắng cảnh rất nổi tiếng như đền Cửa Ông, đảo Rều (đảo Khỉ), đảo Thẻ Vàng, Hòn Hai, di tích Vũng Đục, động Hang Hanh...

Thế mạnh kinh tế của Cẩm Phả là công nghiệp. Trong đó, công nghiệp khai thác than chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế. Ngoài ra còn có công nghiệp khai thác nước khoáng, khai thác đá, sản xuất vôi, công nghiệp cảng biển... hay sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp.

Đáng chú ý, thành phố Cẩm Phả trong năm 2022 đã lập một kỷ lục mới, lần đầu thu ngân sách vượt mốc 20.000 tỷ đồng. Con số này cao hơn 47 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trên cả nước, và là thành phố trực thuộc tỉnh thu ngân sách cao nhất Việt Nam năm 2022. Thành phố Thủ Đức trực thuộc TP. HCM có số thu thấp hơn một chút so với Cẩm Phả.

Thành phố Móng Cái

TP Móng Cái gồm 16 phường, xã, là mảnh đất địa đầu vùng Đông Bắc của Việt Nam, cách thành phố Hạ Long 185 km.

Các di tích văn hoá lớn được xếp hạng tập trung hầu hết ở khu vực Trà Cổ, đó là đình Trà Cổ, nhà thờ Trà Cổ, chùa Linh Khánh và chùa Xuân Lan. Ngoài ra, bãi tắm Trà Cổ là một trong những bãi tắm đẹp nhất của Việt Nam (có chiều dài 17 km).

Kinh tế của Móng Cái theo mô hình thương mại - du lịch - nông - ngư nghiệp. Cụ thể, trong quy hoạch tổng thể, hình thành ba khu chức năng: khu thương mại, khu du lịch và khu công nghiệp. Cửa khẩu Móng Cái là điểm buôn bán rất thuận tiện giữa Việt Nam và Trung Quốc. Nhịp độ buôn bán ở đây suốt ngày đêm. Đồng thời, ngành du lịch của Móng Cái đón số khách hàng năm đến gấp 10 lần số dân trên địa bàn, góp phần thu nhập quan trọng cho TP Móng Cái.

Theo:  xevathethao.vn copy link