PV: - Khi góp ý về dự thảo Luật tiếp công dân do Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức ngày 29/8 tại TP.HCM, ông đã đóng góp ý kiến: "Cần đưa vào Luật tiếp dân điều khoản cán bộ có điện thoại phải nghe điện thoại của dân, dân chửi cũng phải nghe". Xuất phát từ đâu mà ông lại có góp ý thẳng thắn như vậy?
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền: - Xuất phát từ thực tiễn là cũng có nhiều người dân gọi cho tôi và tôi xử lý được công việc. Khi họ báo cáo có sự việc này xảy ra tôi đã ghi lại vào báo cáo và chuyển cho những đồng chí có trách nhiệm xem xét xử lý thấy đúng và rất hiệu quả.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, nói theo đúng tinh thần Nghị quyết TW 4 là có một bộ phận không nhỏ cán bộ có chức có quyền được trang bị, được cấp tiền điện thoại nhưng không bao giờ nghe các cuộc gọi đến bằng số lạ, không lưu trong danh bạ của họ.
Vì vậy tôi có ý tưởng là trong tiếp dân cần quy định một điều bắt buộc những người có trách nhiệm được trang bị điện thoại, có điện thoại của dân là phải nghe.
Lưu ý trong trường hợp này là phải bắt buộc bởi trên thực tế bây giờ kể cả cán bộ cấp dưới điện cho cấp trên người ta cũng không nghe nếu không lưu số. Hơn nữa, đối với những ý kiến của nhân dân đáng nhẽ người ta không phải đến tận trụ sở tiếp dân để phản ánh mà có thể phản ánh trực tiếp qua số điện thoại của lãnh đạo để có thể ghi nhận và xử lý.
Đại biểu Quốc Hội Nguyễn Bá Thuyền |
PV: - Trên thực tế hiện nay thì chỉ có chuyện cán bộ mắng mỏ người dân chứ chưa ghi nhận tình huống ngược lại. Theo ông, như vậy thì việc yêu cầu cán bộ nghe điện thoại của dân muốn đi vào thực tiễn thì sẽ gặp những khó khăn gì và phải giải quyết những khó khăn đó thế nào, thưa ông?
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền: - Khó khăn nhất là việc nhận thức của đội ngũ cán bộ là không muốn nghe, không muốn phiền hà rắc rối. Tuy nhiên chính vì như thế nên chúng ta mới đưa ra quy định bắt buộc chứ không thể để xảy ra tình trạng Nhà nước cấp điện thoại, trả tiền hàng tháng mà dân gọi lại không nghe.
Trước đây khi tham gia chiến tranh, bộ đội đã từng phải bò vào nhà dân lấy tiếp tế, lấy thông tin. Nhưng bây giờ thì không phải lấy tiếp tế nữa vì dân đã đóng thuế để trả lương để cấp tiền điện thoại rồi mà giờ cũng không nghe điện thoại để dân cung cấp thông tin nữa thì tất nhiên là rất khó chấp nhận.
Việc nghe điện thoại của dân là một nguồn thông tin rất quý giá không những giúp các cán bộ Nhà nước có thể xử lý một số vấn đề mà còn giúp người dân phản ánh thông tin một cách thuận lợi, không phải đi lại tốn kém.
Vì vậy, trong quy đinh tiếp dân chúng ta cần có những chế tài thật chặt chẽ để buộc phải thực hiện những quy định này.
PV: - Là một đại biểu quốc hội, ông có nghe nhiều phản ánh cán bộ không nghe điện thoại của dân dẫn đến công việc của người dân gặp nhiều khó khăn không thưa ông? Ông có thể kể lại một trường hợp người dân khổ sở vì không gặp được cán bộ không? Trong những trường hợp đó, ông thường xử lý thế nào?
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền: - Tôi đã từng nghe nhiều phản ánh của người dân về việc cán bộ không nghe điện thoại của người dân, và có thể nói rằng một bộ phận không nhỏ cán bộ không bao giờ nghe điện thoại từ các số lạ. Thậm chí chính các bạn là phóng viên điện thoại cho cán bộ chưa chắc họ đã nghe.
Chính vì hiện thực như vậy nên ý tưởng của tôi là mong muốn có một điều luật như vậy và đã nêu ra để Nhà Nước và Quốc Hội xem xét.
PV: - Ông đã từng bị "dân chửi qua điện thoại" chưa? Nếu có thì ông xử lý tình huống đó thế nào? Ông có lời khuyên của ông với các cán bộ phải nghe dân chửi không thưa ông?
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền: - Tôi đã từng gặp trường hợp người dân đã vô cúng bức xúc quát cả mình vì vấn đề của họ mãi không được giải quyết. Trong tình huống đó tôi vẫn nghe và động viên họ bình tình và hứa rằng sẽ hết sức chú ý lắng nghe và phán ánh lại cơ quan có trách nhiệm để giải quyết. Và sau đó vấn đề của người dân bức xúc ấy đã được cơ quan có trách nhiệm giải quyết.
Theo tôi, trong tường hợp người dân đang bức xúc thì các cán bộ cần phải bình tĩnh động viên để họ có thể phản ánh được vấn đề của mình từ đó đưa ra những biện pháp xứ lý thích hợp.
PV: - Xin cảm ơn ông!