Bệnh tiểu đường ngày càng trở nên phổ biến và có xu hướng trẻ hóa. Nguyên nhân phần lớn đến từ thói quen ăn uống và sinh hoạt.
Khi bị bệnh, bên cạnh việc dùng thuốc, người bệnh phải áp dụng chế độ ăn uống kiêng khem cẩn thận, nếu không muốn đường huyết tăng vọt, gây biến chứng. Bệnh tiểu đường có đến hơn 100 biến chứng, có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như mù lòa, tàn tật, suy thận, nhồi máu cơ tim... Vì thế việc kiểm soát đường huyết, sớm phát hiện tiểu đường là vô cùng cần thiết.
Hãy để ý tới giấc ngủ của mình, nếu có những dấu hiệu sau trong khi ngủ chứng tỏ đường huyết tăng cao:
Tỉnh giấc giữa đêm vì ngứa da, tê nhức tay chân
Khi ngủ vào ban đêm, một số người bị tỉnh giấc và không thể ngủ lại vì ngứa da. Hầu hết mọi người đều nghĩ rằng do ga trải giường lâu ngày không được giặt sạch hoặc do mình bị dị ứng mà bỏ quên căn bệnh tiểu đường. Theo các chuyên gia, sở dĩ người tiểu đường bị ngứa da là do lúc này da thường bị khô, gây ngứa.
Bên cạnh đó, cũng có một số người gặp phải tình trạng tê nhức tay chân khi ngủ do lượng đường trong máu cao khiến các vi mạch bị tổn thương, dẫn đến thiếu hụt chất dinh dưỡng cho các dây thần kinh, làm dây thần kinh bị tê bì. Người có đường huyết cao thường có cảm giác tê ở đầu ngón chân, đặc biệt là khi ngủ, triệu chứng sẽ thuyên giảm khi vận động.
Khát bất thường trong khi đi ngủ
Nếu bạn thường xuyên cảm thấy khát giữa đêm và không thể thuyên giảm triệu chứng sau khi uống nước thì đây có thể là dấu hiệu của lượng đường trong máu cao. Lý do bởi khi lượng đường huyết cao, cơ thể bạn sẽ tự động tách phần nước có trong các tế bào rồi bơm trực tiếp vào máu để pha loãng lượng đường bị dư. Các tế bào lúc này thiếu nước sẽ kích thích não gây nên cảm giác khát nước không ngừng nghỉ.Tỉnh giấc giữa đêm vì cảm giác đói
Nếu đường huyết trong cơ thể cao thì quá trình chuyển hóa glucose sẽ diễn ra không bình thường, ngay cả khi bạn ăn tối đầy đủ vẫn có thể cảm thấy đói giữa đêm. Khi có dấu hiệu này, bạn cần đi khám sức khỏe định kỳ, đồng thời thay đổi chế độ ăn uống để hỗ trợ điều hòa lượng đường trong máu, chống lại các biến chứng tiểu đường.
Loại rau nào có tác dụng hạ đường huyết?
Mướp đắng
Trong mướp đắng, có một thành phần được gọi là glycosid Momordica, có thể làm giảm huyết áp, lipid máu, và lượng đường trong máu. Nó cũng có tác dụng nhất định trong việc loại bỏ cholesterol dư thừa trong cơ thể. Khi đường huyết tiếp tục tăng cao, hoặc khi bị bệnh tiểu đường, bạn có thể ăn một ít mướp đắng hoặc uống nước ép mướp đắng sẽ có tác dụng hạ đường huyết rất tốt.
Măng
Chất xơ có trong măng đặc biệt phong phú, nó cũng rất ít chất béo và đường, có chỉ số đường huyết đặc biệt thấp. Ăn lượng măng thích hợp có thể làm chậm quá trình hấp thu đường và tinh bột, đồng thời có tác dụng kiểm soát lượng đường trong máu.
Ngoài ra, chất niacin và magie có trong măng có thể làm giảm lượng triglycerid và cholesterol dư thừa trong máu, có tác dụng phòng ngừa tốt một số biến chứng tim mạch của bệnh tiểu đường.
Hành tây
Hành tây có chứa một chất hữu cơ tương tự như thuốc hạ đường huyết, có thể giúp giảm lượng đường trong máu. Hơn nữa, hành tây đặc biệt giàu axit folic, vitamin C, chất xơ và các nguyên tố vi lượng khác nhau như kali và selen... rất tốt cho việc cải thiện sức khỏe của người tiểu đường và tránh một số biến chứng như tăng huyết áp, tăng mỡ máu.
2 đối tượng dễ mắc tiểu đường nhất
- Những người thừa cân
Không phải vô cớ mà những người thừa cân dễ mắc bệnh tiểu đường. Những người thừa cân có nhiều mỡ thừa hơn. Sau khi béo lên sẽ làm giảm độ nhạy của insulin với đường huyết, bệnh tiểu đường rất dễ tìm đến.
- Người ít vận động
Nhiều người đi làm vào ban ngày, về nhà ngồi và chơi game vào ban đêm, dành phần lớn thời gian trong ngày trên ghế hoặc sofa. Ngay cả khi bạn tập thể dục 2 tiếng vào ban đêm cũng không thể bù đắp được những tổn thương do ngồi lâu trong ngày, nguy cơ mắc bệnh tiểu đường vẫn cao hơn so với những người thường xuyên đứng lên vận động.