Đếm tần suất đi đại tiện biết sức khỏe tim, gan và thận, chuyện không đùa mà khoa học nghiên cứu

14:03, Thứ năm 24/07/2025

( PHUNUTODAY ) - Các nhà khoa học nghiên cứu mối liên hệ giữa tần suất đi đại tiện trong ngày với sức khỏe của gan, thận. Hãy cùng xem nhé.

Một nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Cell Reports Medicine đã hé lộ mối liên hệ bất ngờ giữa tần suất đi đại tiện và chức năng của các cơ quan quan trọng như tim, gan và thận. Nghiên cứu này được thực hiện bởi các nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu Institute for Systems Biology (ISB), Mỹ, với dữ liệu thu thập từ 1.400 người trưởng thành khỏe mạnh.

Phân nhóm tần suất đi tiêu và mục tiêu nghiên cứu

Những người tham gia được chia thành 4 nhóm dựa trên tần suất đi tiêu:

  • Nhóm táo bón: 1 lần/tuần
  • Nhóm bình thường ít: 3–6 lần/tuần
  • Nhóm bình thường nhiều: 1–3 lần/ngày
  • Nhóm tiêu chảy

Tất cả người tham gia đều không mắc bệnh mãn tính, không dùng thuốc điều trị và có sức khỏe ổn định. Mục tiêu chính của nghiên cứu là phân tích mối liên quan giữa tần suất đi tiêu với các yếu tố sinh học bên trong cơ thể như nhân khẩu học, di truyền, vi sinh vật đường ruột, chất chuyển hóa trong máu và thành phần hóa học của máu.

Nghiên cứu cho thấy có mối liên hệ giữa tần suất đại tiện và sức khỏe tim, gan, thận
Nghiên cứu cho thấy có mối liên hệ giữa tần suất đại tiện và sức khỏe tim, gan, thận

Kết quả đáng chú ý: Vi sinh vật, chuyển hóa máu và chức năng nội tạng

Phân tích cho thấy tần suất đi tiêu có ảnh hưởng rõ rệt đến sự đa dạng của hệ vi sinh đường ruột, mức chất chuyển hóa trong máu và lối sống. Những thay đổi này có liên hệ mật thiết đến mức độ viêm, sức khỏe tim mạch cũng như chức năng gan và thận.

Ngoài ra, các yếu tố như tuổi tác, giới tính và chỉ số khối cơ thể (BMI) cũng có mối tương quan với tần suất đi đại tiện. Cụ thể, người trẻ, phụ nữ và những người có BMI thấp có xu hướng đi tiêu ít hơn so với những nhóm còn lại.

Tần suất đi tiêu và ảnh hưởng đến từng cơ quan

1–2 lần/ngày: Dấu hiệu sức khỏe tốt

Những người có lịch đi tiêu 1–2 lần/ngày thường có hệ vi sinh đường ruột phong phú, đặc biệt là các vi khuẩn giúp tiêu hóa chất xơ. Thói quen này phản ánh lối sống lành mạnh: chế độ ăn giàu chất xơ, uống đủ nước và vận động thường xuyên.

Táo bón: Nguy cơ tổn thương thận

Người bị táo bón thường có nồng độ cao các chất phụ phẩm từ quá trình phân hủy protein trong máu, như p-cresol-sulfate và indoxyl-sulfate. Những chất này có thể gây hại cho thận, đặc biệt indoxyl-sulfate có liên quan đến việc suy giảm chức năng thận.Tiến sĩ Sean Gibbons, Phó giáo sư chuyên ngành vi sinh vật tại ISB, lưu ý rằng: "Táo bón mạn tính có thể góp phần vào các bệnh thoái hóa thần kinh và tiến triển bệnh thận mạn tính, nhất là ở những người đang mắc bệnh nền."

Tiêu chảy: Nguy cơ tổn thương gan

Trái ngược với táo bón, những người thường xuyên tiêu chảy lại có nồng độ cao các chỉ dấu sinh học trong máu liên quan đến tổn thương gan. Điều này có thể xuất phát từ sự mất cân bằng hệ vi sinh, khiến gan phải hoạt động nhiều hơn để lọc độc tố.

Một phát hiện đáng chú ý khác là tiền sử các vấn đề sức khỏe tâm thần cũng có liên hệ đến lịch trình đi tiêu, cho thấy ảnh hưởng qua lại giữa hệ thần kinh và hệ tiêu hóa.

"Tần suất đi tiêu không chỉ là vấn đề tiêu hóa, mà còn là một dấu hiệu toàn diện phản ánh tình trạng sức khỏe tổng thể – từ hệ vi sinh vật, chức năng chuyển hóa đến các cơ quan nội tạng như tim, gan và thận."

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.com.vn copy link
Tác giả: Dạ Ngân
Từ khóa: đại tiện