Khi chọn thịt heo, bạn cần lưu ý những đặc điểm dưới đây
Màu sắc của thịt heo
Miếng thịt heo tươi sẽ có màu đỏ tươi, lớp màng khô, bề mặt hơi se lại. Khi cắt, miếng thịt sẽ thấy màu hồng sáng, mềm mại. Phần mỡ heo có màu sáng và mùi thơm đặc trưng; phần khớp xương láng và trong; tủy xương bám chặt vào thành ống.Ngược lại, thịt heo ôi có màu sắc nhợt nhạt. Khi sờ vào miếng thịt sẽ thấy nhớt, độ nhớt nhiều hay ít tùy thuộc vào mưc độ ôi. Phần mỡ heo sậm màu, có dấu hiệu vữa ra; khớp xương có nhớt, dịch đục; phần tủy bị tróc ra khỏi thành ống, màu sắc tối hoặc ngả nâu.
Không nên chọn miếng thịt có màu đỏ sậm ngả sang đen. Đây là heo nuôi bằng chất tạo nạc, ăn sẽ thấy khô, xơ, không có vị béo.
Đặc biệt, khi thấy miếng thịt có màu xanh nhạt hay thâm đen thì đó là loại ôi, đã để quá lâu. Quan sát da heo bị đỏ hoặc bầm cho thấy heo bị bệnh.
Bạn cần chú ý khi rửa thịt heo, nếu thấy chuyển màu nhợt nhạt và có mùi tanh thì chứng tỏ thịt đã bị thoa phẩm màu pha với tiết lợn để nhìn đẹp mắt và tươi ngon.
Mùi thịt heo
Bên cạnh màu sắc, bạn nên tinh ý nhận ra mùi của miếng thịt để chọn được loại thịt tươi ngon.
Thịt tươi sẽ có mùi đặc trưng. Nếu có mùi hôi khó chịu và tanh cho thấy miếng thịt không tươi, thậm chí bị ôi.
Độ đàn hồi của thịt heo
Một trong những dấu hiệu quan trọng cần biết khi mua thịt heo là độ đàn hồi. Bạn thực hiện thao tác: Dùng ngón tay ấn vào thịt rồi buông ra để kiểm tra độ đàn hồi.
Thớ thịt đàn hồi nhanh và có màu đỏ hồng chứng tỏ thịt tươi. Trường hợp thớ thịt nhão và da dày thì đó là heo nái. Còn thớ thịt nhão và lớp mỡ vàng cho thấy heo bị bệnh.
Kết cấu phần da, mỡ, thịt heo
Bạn nên cẩn thận với loại thịt heo có lớp mỡ mỏng, không bám chắc vào da và thịt, có độ dày chưa đến 1cm. Nếu thấy phần liên kết giữa nạc và mỡ tách rời rõ rệt, đồng thời có dịch vàng rỉ ra thì đó là heo nuôi bằng chất tạo nạc.
Trường hợp miếng thịt bị bầm tím, có mùi hôi, cắt sâu vào có máu cho thấy heo đã chết trước khi chọc tiết nên máu còn tụ lại trong cơ thể. Nhìn bên ngoài thấy thớ thịt săn nhưng cắt sâu vào bên trong thấy nhũn, rỉ dịch và có mùi thì đó là heo bị tẩm hàn the.
Dấu hiệu nhận biết thịt lợn bị nhiễm sán
- Thịt nhiễm sán lợn có các ấu trùng hình bầu dục, lớn nhất có thể dài tới 9mm, màu trắng đục, bên trong chứa dịch thể và đầu sán.
- Những ấu trùng này ký sinh ở các cơ hay động nhiều của lợn như cơ gốc lưỡi, cơ đùi sau. Có thể nhận biết thịt lợn nhiễm sán bằng cách nhìn ở những cơ vận động nhiều như cơ gốc lưỡi, cơ đùi nếu có sán sẽ có những hạt như hạt gạo nếp (ấu trùng sán tập trung thành từng bọc), thậm chí nếu mật độ nhiều khi cắt thịt có thể làm rụng những trứng ấu trùng này ra ngoài.
- Với lợn nhiễm sán, ấu trùng thường nằm trong lưỡi, cơ nhai, cơ cổ, cơ lưng, cơ sườn, cơ tim. Ấu trùng có màu trắng, hình bầu dục, kén màu đục to bằng hạt đậu tương. Trong kén có dịch thể, trên thành nang kén có một hạt cứng, rắn, màu trắng, to bằng hạt vừng.
Khi phát hiện ra thịt lợn gạo thì nên vứt bỏ, không nên ăn để phòng nhiễm bệnh. Các ấu trùng sán này nếu thịt lợn chưa chín có thể đi vào cơ thể và phát triển. Nếu thịt nấu chín thì đã bị mất tác hại, chỉ là những độc tố của ấu trùng này gây ra, nặng nhất thì có thể gây rối loạn tiêu hóa nhưng thịt này cũng đã bị mất dinh dưỡng, mất ngon, không nên giữ.
Xử lý khi ăn phải thịt nhiễm sán Khi ăn phải thịt lợn hoặc thịt bò có chứa nang sán, khoảng 1 tuần đến 10 ngày sau, nang sán sẽ phát triển thành sán trưởng thành, sống ký sinh trong ruột non, sau đó sẽ tự rụng dần, bò ra ngoài hậu môn ban đêm hoặc ra ngoài theo phân.
Bệnh nhân sẽ thấy các đốt sán dính vào quần lót hoặc ga trải giường…
Nếu ăn xong phát hiện ra thịt lợn có gạo, hoặc thịt bò có nang sán, phải tham khảo ý kiến của dược sỹ để uống thuốc diệt sán. Trường hợp phát hiện nang sán bò ra hậu môn, cần đi gặp bác sỹ chuyên khoa để có chỉ định thuốc phù hợp.
Dấu hiệu nhận biết thịt lợn bị nhiễm dịch tả châu Phi
Trên da và tai lợn có những đốm xuất huyết lấm tấm. Tai lợn có màu tím xanh. Khi lợn bị giết mổ thì toàn bộ nội tạng bị xuất huyết.
Miếng thịt nhiễm tả lợn châu Phi có màu lạ như nâu, đỏ thâm, tím tái hay xám, xanh nhạt.
Mặt khác, thịt lợn bệnh cũng không có độ đàn hồi. Ấn tay vào miếng thịt thấy bị rỉ nước, chảy nhớt.
Trong khi miếng thịt lợn tươi ngon có màu đỏ tươi, mỡ trắng, da không có các đốm đỏ. Thịt lợn khỏe mạnh săn chắc, có độ đàn hồi.
Cũng có trường hợp, lợn bệnh được giết mổ chui và thịt bị xử lý tẩm ướp hóa chất, màu đỏ để tuồn ra thị trường.
Thịt bị ướp hóa chất, tẩm màu đỏ thường trông đỏ tươi nhưng thịt bị cứng, không có độ đàn hồi. Khi cắt miếng thịt lợn được ướp hoá chất sẽ nhũn, chảy dịch, phía trong màu hơi thâm và có mùi.
Loại thịt đã bị tẩm ướp hoá chất khi rửa sẽ chuyển màu nhợt và có mùi tanh rất khó chịu, mỡ có màu vàng. Lúc nấu, nước thịt sẽ đục, mùi hôi, mỡ bề mặt tách thành những hình tròn nhỏ thay vì nổi váng lớn như thịt tươi.