Tháng thứ 2 thai kỳ sẽ bắt đầu từ tuần thai thứ 5. Nhiều mẹ đã trải qua tháng đầu tiên mang thai mà không hề biết cho đến khi “vắng” đèn đỏ và thử que lên 2 vạch. Bước vào tháng thứ 2 thai kỳ, dinh dưỡng vẫn là một trong những điều quan trọng nhất mẹ cần chú ý, để thai nhi phát triển bình thường và khỏe mạnh nhất.
Trong tháng này, hầu hết các mẹ vẫn bị ốm nghén và có thể gặp khó khăn khi ăn uống. Tuy nhiên, mẹ vẫn cần kiên trì tạo thói quen ăn uống khoa học bởi thời kỳ này não, tủy sống và dây thần kinh của bé đang phát triển mạnh. Thêm nữa, ở tháng thứ 2, tủy sống và dây thần kinh của bé cũng đang tiếp tục hình thành và phát triển nên rất cần bổ sung dưỡng chất.
Dưới đây là một số dưỡng chất quan trọng mẹ cần tiếp tục bổ sung trong tháng thứ 2 và một số lưu ý về cách ăn uống.
Dinh dưỡng cho bà bầu tháng thứ 2
Chất sắt
Có nhiều trong thịt, gan, tim, cật, rau xanh và các loại hạt… giúp tăng thể tích máu và phòng ngừa thiếu máu. Nếu thai phụ thiếu máu sẽ làm giảm lực co bóp của tử cung khi chuyển dạ, giảm lượng sắt dự trữ của em bé trong 6 tháng đầu đời. Vì thế thai phụ cần bổ sung thêm ít nhất 15gr sắt mỗi ngày.
Chất sơ
Cần tăng cường thêm rau, khoai, củ và trái cây tươi, là nguồn cung cấp chất xơ chủ yếu, mỗi ngày 300g để phòng chống biến chứng táo bón trong thai kỳ, cung cấp nhiều loại vitamin và khoáng chất quan trọng.
Canxi
Có nhiều trong sữa, trứng, tôm, cua, cá, rau xanh, đậu đỗ… giúp hoạt động hệ thần kinh và đông máu bình thường cho mẹ, hình thành hệ xương và răng vững chắc cho bé. Nếu thiếu canxi mẹ dễ bị vọp bẻ, đau nhức xương, bé có thể bị còi xương ngay trong bụng mẹ.
Vitamin B12
Vitamin B12 giúp tạo máu và duy trì hệ thống thần kinh, có nhiều trong thịt, cá, sữa và chế phẩm từ sữa. Phụ nữ ăn chay hoặc không biết uống sữa cần phải bổ sung B12 trong thai kỳ.
Acid folic (vitamin B9)
Giúp giảm nguy cơ dị tật ống thần kinh cho trẻ, tật nứt đốt sống trong bào thai. Vitamin này có trong các loại rau màu xanh thẫm như rau muống, cải xanh, súp lơ xanh, cải bó xôi, ngũ cốc hoặc một số loại hạt như vừng, lạc… Ngoài ra acid folic còn có trong thịt gia cầm và nội tạng động vật như gan, tim…
Muối i ốt
Cần sử dụng muối iốt thay cho muối thường để cung cấp đủ chất iốt – rất quan trọng trong quá trình tạo phôi và phát triển thai nhi, phòng tránh suy giáp bẩm sinh và bệnh đần độn, thiểu năng trí tuệ. Các thực phẩm giàu kẽm như gan, hải sản như hàu, sò… rất cần thiết cho cơ thể mẹ và thai nhi.
Vitamin D
Có trong trứng, sữa và ánh nắng mặt trời. Ngay từ trong bào thai, bé cần phát triển hệ xương và hình thành mầm răng sữa, vì vậy ngoài việc bổ sung thực phẩm nhiều canxi, người mẹ phải kết hợp phơi nắng để tăng cường vitamin D giúp hấp thu canxi tối ưu.
Thai phụ cần phơi nắng khoảng 15 phút mỗi ngày (tránh ánh nắng quá gay gắt), nên để ánh nắng chiếu trực tiếp vào cơ thể, không nên đeo găng tay, đi vớ và cũng không nên phơi nắng sau cửa kính.
Vitamin C
Giúp hỗ trợ phát triển xương sụn, cơ và mạch máu cho bào thai, tạo bánh nhau bền chắc. Nó cũng là một chất chống oxy hóa giúp người mẹ tăng cường sức đề kháng. Vitamin C có trong các loại rau xanh, trái cây…
Một vài lưu ý cho bà bầu tháng 2
– Thực hiện một chế độ dinh dưỡng đa dạng trong từng nhóm thức ăn, ưu tiên những thực phẩm có hàm lượng dinh dưỡng cao như ngũ cốc nguyên hạt, rau chân vịt, súp-lơ, các loại đậu…
– Hạn chế thực phẩm giàu calo, chất béo và thực phẩm nhiều đường như các loại bánh kẹo, thực phẩm chiên, rán
– Thường xuyên uống sữa và tiêu thụ các sản phẩm từ sữa để bổ sung lượng canxi cần thiết cho cơ thể. Ngoài ra, theo kết quả của nhiều nghiên cứu, uống sữa khi mang thai là cách đơn giản giúp bé cưng phát triển chiều cao và trí thông minh vượt trội sau khi sinh.
– Ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày
– Bổ sung vitamin bằng nhiều cách khác nhau: Trái cây và rau xanh là những nguồn vitamin dồi dào cho cơ thể. Tuy nhiên, nếu cảm thấy mình chưa “nạp” đủ lượng vitamin cần thiết, bầu có thể tham khảo thêm ý kiến bác sĩ để được uống bổ sung vitamin.