Đô la chợ đen tê liệt, hiệu lực được bao lâu?

21:26, Thứ năm 10/03/2011

( PHUNUTODAY ) - (PNamp;ĐS) - Thị trường USD có phản ứng tê liệt một phần do hiệu ứng của "vụ 400 ngàn USD". Tuy nhiên việc chống đô la hóa cũng như quản lý thị trường ngoại tệ dường như mới chỉ dừng ở hiệu quả hình thức.

Trước thông tin Hà Nội ngừng giao dịch để đề phòng hoạt động kiểm tra xử phạt, hàng loạt tiệm vàng và cửa hàng thu đổi không phép tại miền Trung, Tây Nguyên, TP.HCM... bắt đầu ngừng mua bán đôla. Ngay cả ngân hàng cũng siết chặt bán cho người dân và doanh nghiệp.


Theo VnExpess phản ánh, chiều hôm qua, các điểm thu đổi ngoại tệ ở TP.HCM vẫn hoạt động bình thường, báo giá mua và bán đôla Mỹ ở 21.520 - 21.620 đồng ăn một USD. Tuy nhiên đến sáng nay, hàng loạt hiệu vàng cho biết đã ngưng mua bán USD.

Khu vực chợ Bến Thành vốn được xem là chợ đôla sôi động nhất tại TP.HCM nhưng sáng nay vắng lặng, hoạt động mua bán đôla tạm ngưng, trong khi giao dịch vàng khá yếu nên cảnh mua bán buồn tẻ hơn bình thường.
d
Các điểm giao dịch USD tự do TP.HCM ngừng giao dịch sáng nay. Ảnh: Vne

Cũng từ hôm qua, các tiệm vàng lớn ở khu vực Chợ Vinh (Nghệ An) như Phú Nguyên, Kim Thành Huy, Kim Dung Thông cũng thông báo ngừng mua bán.

Đường Cao Thắng vốn được xem là “phố vàng và ngoại tệ” ở Nghệ An với hàng chục cửa hàng vàng bạc lớn nhỏ kiêm luôn dịch vụ mua bán ngoại tệ, mấy ngày nay cũng khá yên ắng. Khách đến chủ yếu để mua vàng bởi các điểm này đã ngừng giao dịch đôla.

Cũng như ở Nghệ An, thị trường đôla chợ đen ở các tỉnh như Thanh Hóa, Hà Tĩnh cũng đang tạm thời ngừng giao dịch. Các đại lí thu mua ngoại tệ cho ngân hàng cũng hoạt động cầm chừng và chỉ mua vào chứ không bán ra.

Trong hai ngày qua, các tiệm vàng ở thành phố Quảng Ngãi cũng trở nên e dè hơn khi giao dịch mua bán vàng bằng đồng đôla.

Tại Đà Nẵng, nhiều cửa hàng vàng vẫn lén lút giao dịch song rất thận trọng.

Trên tuyến phố Hùng Vương, Trần Phú (Chợ Hàn), Thái Phiên, Ông Ích Khiêm (Chợ Cồn)… đa số các chủ kinh doanh đều lắc đầu khi được hỏi giá.

Đến sáng nay, hầu hết các tiệm vàng ở Thừa Thiên Huế đều công bố không nhận thu đổi ngoại tệ. Nhưng khi có khách quen, họ vẫn tìm cách đáp ứng nhu cầu. Đặc biệt, trước cửa một vài tiệm vàng, xuất hiện nhóm thanh niên gạ hỏi khách và chào giá thu đổi cao.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại Đà Lạt. Mặc dù thông báo ngừng giao dịch, nhưng khách quen vẫn có thể mua với số lượng nhiều.

d
Các tiệm vàng ở Nghệ An đều thông báo ngừng mua bán đôla. Ảnh: Vne

Nhiệm vụ từ năm... 2007 

Thị trường USD có phản ứng như trên một phần do hiệu ứng của "vụ 400 ngàn USD" (Ngày 9/3, Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) công bố trước báo chí vụ bắt giữ vụ mua bán trái phép 390.500 USD). Tuy nhiên việc chống đô la hóa cũng như quản lý thị trường ngoại tệ dường như mới chỉ dừng ở hiệu quả hình thức.

Báo VnEconomy, cho rằng “Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án nâng cao tính chuyển đổi của Đồng tiền Việt Nam, khắc phục tình trạng Đô la hóa trong nền kinh tế” đã phân công nhiệm vụ rất rõ ràng cho từng bộ ngành.

Tuy nhiên, khi đọc lại đề án này và đối chiếu với thực tế nền kinh tế ngập trong “Đô la hóa” lâu nay thì mới thấy, quyết định không được thực thi rốt ráo.

Thứ nhất, có một giai đoạn ngắn sau khi Quyết định 98 có hiệu lực, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện khá nghiêm như “không được niêm yết giá ngoại tệ đối với hàng hóa dịch vụ trên phương tiện thông tin đại chúng”, “không công bố giá USD chợ đen”…, nhưng vài năm gần đây, việc sử dụng, lưu hành, niêm yết giá hàng hóa dịch vụ bằng ngoại tệ gần như công khai, kể cả giao dịch chính thức lẫn phi chính thức.

Thứ hai, tại điều 5 của Quyết định 98 có ghi: “Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, cơ quan quản lý thị trường, ủy ban nhân dân các cấp để: tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm về chính sách quản lý ngoại hối như niêm yết giá, định giá, thanh toán, kinh doanh trái phép bằng ngoại tệ”.

Tuy nhiên, tại Hà Nội và gần như cả nước, rất nhiều chợ USD tự do như ở phố Hà Trung vẫn không bị xử lý suốt từ 1/6/2006 đến nay, mặc dù nhiệm vụ này Chính phủ giao cho Bộ Công an phải hoàn thành trong năm 2007.

Thậm chí, ngay cả là chế tài xử lý cụ thể và có tính răn đe mạnh những hành vi vi phạm (theo quyết định 98) để các cơ quan chức năng như công an, kiểm soát, tòa án dựa vào đó để thực thi đến nay vẫn chưa có.

Thứ ba, theo đề án, trong vòng 3 năm từ 2007 - 2010, Ngân hàng Nhà nước phải “tiếp tục thu hút ngoại tệ trôi nổi vào hệ thống ngân hàng. Áp dụng các giải pháp kinh tế để chuyển dần quan hệ huy động - cho vay trong nước bằng ngoại tệ của các tổ chức tín dụng sang quan hệ mua - bán ngoại tệ. Sử dụng các công cụ của chính sách tiền tệ để hạ thấp dần tỷ lệ FCD/M2” (FCD/M2 được hiểu là tỷ lệ tiền gửi ngoại tệ/tổng phương tiện thanh toán), mới thấy nhiệm vụ này thật nan giải.

Và sự “nan giải” này có lẽ do một phần từ sự bất cập giữa quy định và thực tế.

Cụ thể, tại Pháp lệnh ngoại hối (hiệu lực từ 1/6/2006) quy định người dân có 4 quyền liên quan đến sử dụng và sở hữu ngoại tệ: cất giữ ở nhà, vận chuyển trên đường, gửi tiết kiệm hoặc bán cho ngân hàng.

Như vậy, đã cho phép “gửi tiết kiệm ngoại tệ” thì làm sao chỉ trong hơn 3 năm mà Ngân hàng Nhà nước có thể chuyển từ quan hệ vay mượn sang mua bán ngoại tệ đối với cả nền kinh tế khi mà Ngân hàng Trung ương Việt Nam hiện đang mặc nhiên thừa nhận lãi suất huy động USD trên 6%/năm ở các ngân hàng thương mại?

Cùng đó, FCD đang chiếm 20% của M2 và dù muốn hay không, chúng ta đang chấp nhận đồng USD tham gia vào tổng phương tiện thanh toán cũng như sự ảnh hưởng mạnh mẽ của chúng đến các quy luật cung cầu về vốn.

Một vấn đề tiếp theo là trong khi Quyết định 98 đã ban hành nhưng chưa thực hiện nghiêm túc thì gần đây, đang có thông tin một “đề án chống Đô la hóa” khác sẽ được trình lên Chính phủ và cùng đó là Ngân hàng Nhà nước đang “chắp bút” chuẩn bị sửa đổi một số điểm bất cập trong Quyết định 98.

Với chừng đó bất cập, công cuộc chống “Đô la hóa” chưa có một kịch bản tổng thể, dài hơi để có thể huy động toàn bộ sức mạnh của cả hệ thống chính trị vào cuộc và tiến xa hơn một bước là tìm thấy sự đồng thuận nơi người dân. Và một khi chưa làm được điều này thì con đường “chuyển quan hệ vay mượn sang mua bán ngoại tệ” hay xa hơn là chống “Đô la hóa” triệt để trong nền kinh tế có vẻ còn xa lắc.
 
  • Phạm Lý (Tổng hợp)

[links()]

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc