Đời sống) - Doanh nghiệp lâm vào cảnh “ốm nặng” hàng loạt và đồng nghĩa các ‘đại gia’ cũng đổ bệnh và tìm đường ra nước ngoài với lý do chữa bệnh.
[links()]
Tâm thư gửi từ Mỹ của đại gia thủy sản
Ông Lâm Ngọc Khuân – Chủ tịch Công ty CP chế biến thực phẩm Phương Nam (một công ty có tiếng ở Đồng bằng sông Cửu Long và cả trên trường quốc tế) đã bỏ ra nước ngoài chữa bệnh, rồi viết bức thư cáo lỗi chủ nợ là các ngân hàng mà chưa hẹn ngày trở về.
Bức tâm thư được gửi từ Mỹ bày tỏ trong suốt thời gian qua đã đồng hành với doanh nghiệp và luôn tìm giúp phương hướng giải quyết trong những lúc khó khăn.
Rút được hàng trăm tỷ từ mỗi ngân hàng, ông Khuân đã cho đầu tư vào những tài sản cố định và khó có khả năng sinh lợi nhanh với hy vọng trả nợ.
Ông Khuân cho biết: “Tôi rất lấy làm tiếc thông báo rằng sức khỏe của tôi vẫn chưa ổn định, chưa được sự đồng ý của các bác sĩ tại Hoa Kỳ để có thể về Việt Nam trực tiếp thực hiện việc thỏa thuận với các ngân hàng về các khoản dư nợ. Để bàn giao tài sản Công ty và sắp xếp phương án tái cấu trúc doanh nghiệp”. Nơi mà ông cùng các thành viên trong HĐQT của gia đình và hàng ngàn công nhân lao động biết bao thời gian qua, đổ bao công sức, mồ hôi và cả nước mắt dựng nên cơ đồ.
Cuối thư, ông Khuân thể hiện: “Nếu điều kiện sức khỏe cho phép, tôi rất muốn trở về Việt Nam để cùng góp sức với các ngân hàng. Cùng nhau dựng xây, điều hành hoạt động của công ty…Bằng thư này, một lần nữa tôi xin gửi lời xin lỗi chân thành đến quý ngân hàng, về việc không có mặt trực tiếp để giải quyết công việc cùng ngân hàng trong giai đoạn nước sôi lửa bỏng hiện nay…”.
Bức “Tâm thư” của đại gia thủy sản Phương Nam sau khi bỏ đi sang Mỹ. |
Được biết, tổng vốn điều lệ của Công ty Phương Nam chỉ gần 300 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh nghiệp này nợ số tiền của 7 ngân hàng trên 1.600 tỷ đồng.
Ở Mỹ, không biết ông Lâm Ngọc Khuân có mong muốn trở về nước để cùng các chủ nợ là 8 ngân hàng, nhà đầu tư vực dậy trở lại thương hiệu thủy sản Phương Nam như tâm thư ông từng gửi về nước và hy vọng bấy lâu. Khi mà bao cơ nghiệp gia đình ông dựng nên tại Sóc Trăng, sắp được bàn giao hết lại cho chủ nợ điều hành, quản lý.
Đại gia Diệu Hiền
Đầu năm nay, một đại gia thủy sản khác cũng lâm trọng bệnh phải đi nước ngoài điều trị là bà Phạm Thị Diệu Hiền, Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc công ty thủy sản Bianfisco.
Đầu tiên, bà Hiền gây sốc khi tổ chức đám cưới với dàn siêu xe rước dâu. Nhưng ngay sau đó, nổi tiếng đã trở thành tai tiếng khi nông dân liên tục tố cáo bà xù nợ hàng ngàn tỷ đồng.
Khi sự việc trở nên vô cùng căng thẳng, bà Hiền bỗng dưng ra nước ngoài chữa bệnh. Sau đó, dù phía bà Hiền công bố tấm ảnh bà trị bệnh ung thư, dư luận vẫn mổ xẻ, nghi ngờ bà... giả vờ bệnh.
Hình ảnh bà Diệu Hiền chữa bênh ở nước ngoài. |
Khi về nước sau đợt điều trị, bà Hiền đã có lý giải cho việc đổ bệnh đột ngột của mình: "Chúng tôi đã ký được hợp đồng với một tập đoàn quản lý siêu thị hàng đầu của Mỹ, một tháng xuất 100 container sản phẩm cá tra, một năm là 1.200 container. Đột ngột, ngân hàng rút vốn, như chiếc xe đang chạy có trớn ngon lành thì bị rút ống xăng...Trồng cây, đến ngày hái quả thì không hái được, chúng tôi đau lắm. Cùng lúc đó, tôi tổ chức đám cưới cho con lại bị nhiều báo chí bêu riếu, tôi sốc quá nên đổ bệnh".
Đại gia Đặng Thành Tâm
Trong những ngày Quốc Hội họp kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII, cái tên Đặng Thành Tâm được nhắc đến rất nhiều. Là một trong những đại biểu Quốc hội nhận được nhiều sự chú ý nhưng ông Tâm lại vắng mặt trong một số buổi họp đầu tiên.
Ông đã được Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cho phép nghỉ vì lý do sức khỏa yếu, phải ra nước ngoài chữa bệnh. Nhưng tới ngày 29/10, ông Tâm bất ngờ xuất hiện ở nghị trường với ngoại hình gầy đi trông thấy và dáng vẻ mệt mỏi, ốm yếu.
Ông Đặng Thành Tâm là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc của các công ty đã niêm yết trên các sở giao dịch chứng khoán Việt Nam như: Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc, Công ty Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo, Công ty Công nghệ Viễn thông Sài Gòn.
Ông Tâm từng là người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam năm 2007 và thứ ba Việt Nam năm 2008, 2009 và 2010 dựa trên giá trị cổ phiếu sở hữu.
Hiện tại, dù vẫn có mặt trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán nhưng ông Tâm vẫn không tránh được khó khăn, áp lực về vốn. Chính áp lực đã khiến ông đổ bệnh.
Ông tâm sự: "Kinh tế khó khăn, ngân hàng không cho vay, rồi lại còn nhiều áp lực khác, không bệnh sao được. Người ta có thể kiểm soát được ý chí, tự bảo mình quyết tâm phấn đấu vượt qua khó khăn, nhưng không ai có thể kiểm soát được sức khỏe của mình nhất là khi chịu nhiều áp lực như thế".
Ông Đặng Thành Tâm ốm yếu khi tham gia kỳ họp Quốc Hội. |
Dù doanh nghiệp vững vàng hơn nhưng áp lực cũng khiến một số sếp lớn khác đổ bệnh. Cách đây không lâu, ông Trương Đình Anh, Tổng giám đốc FPT cũng xin nghỉ phép 2 tháng để chữa bệnh. Điều đó nói lên ông đổ bệnh đúng thời điểm, FPT không đạt kế hoạch kinh doanh đề ra từ đầu năm.
Ông Trần Xuân Giá, Chủ tịch hội đồng quản trị ngân hàng Á Châu cũng đã gửi đơn từ nhiệm vì lý do sức khỏe. Tuy nhiên, không lâu sau đó, ông Giá bị khởi tố vì tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".
- Lê Nguyễn (Theo VNN, VTC)